Lo dịch làm "mất" Tết, nông dân trồng hoa giảm diện tích và bán hoa sớm
(Dân trí) - Nhận thấy dịch Covid-19 còn phức tạp, nông dân trồng hoa ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp chủ động giảm một nửa diện tích. Đồng thời, lo dịch làm "mất" Tết, khi hoa hé nụ, nông dân đã ký hợp đồng bán.
Những ngày cuối tháng 12/2021, PV Dân trí có dịp đến Làng hoa Sa Nhiên - TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, bà con làng hoa đã trở lại cuộc sống bình thường mới sau nhiều tháng thực hiện Chỉ thị 16 phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ động bán sớm để không "mất Tết"
Tại thời điểm này, người dân trồng hoa tất bật với việc cắt cành, tỉa nhánh, với những đơn hàng hoa kiểng gửi đi phương xa… Tuy nhiên, không khí hối hả, xôm tụ ngày nào đã giảm đi một nửa vì bóng dáng Covid-19 vẫn còn len lỏi trong xóm làng.
Chủ vườn hoa Mười Lý - xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc cho biết, năm nay ngoài truyền thống của gia đình trồng hoa hồng, gia đình chỉ trồng thêm cúc tiger và cúc pha lê. Dịp Tết này, gia đình chị Mười Lý trồng khoảng 2.000 chậu, hiện thương lái đã ký hợp đồng bán hết với giá từ 75.000 - 90.000 đồng/chậu (tùy theo lớn nhỏ).
Chị Lê Thị Lý chia sẻ: "Năm nay dịch bệnh quá nên công việc làm ăn của các hộ trồng hoa ảnh hưởng rất nhiều. Nhất là các hộ trồng hoa Tết, vì thời điểm mua phân, giống chuẩn bị mùa hoa Tết, địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16.
Do đó, chỉ một số ít chủ vườn lớn có chuẩn bị trước mới xuống giống được hoa Tết nên nhiều khả năng giá hoa sẽ cao. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên tôi và nhiều hộ dân chọn phương án bán hoa khi còn ngoài vườn, đảm bảo không "mất Tết".
Do dịch Covid-19 nên trồng dè dặt
Còn hộ anh Bé Ba - xã Tân Khánh Đông cho biết, do dịch bệnh nên năm nay anh trồng khoảng 4.500 chậu cúc mâm xôi và khoảng 1.500 chậu hoa vạn thọ. Theo anh Bé Ba và nhiều hộ trồng hoa Tết trong vùng cho biết, nếu dịch bệnh kiểm soát được, giá hoa Tết sẽ tăng cao, vì sản lượng toàn vùng giảm nhiều.
Anh Bé Ba, nói: "Năm nay dịch bệnh phức tạp nên nhiều hộ dân giảm lượng hoa Tết, trồng các loại hoa kiểng công trình. Riêng gia đình tôi thì vẫn đang chờ thương lái đến mua hoa, nếu được giá, tôi bán sớm để khỏi rơi vào cảnh thấp thỏm vì lo dịch bệnh. Hy vọng giá hoa tốt để có cái Tết sum vầy hơn".
Được biết, giá cúc mâm xôi 160.000 - 170.000 đồng/cặp. Năm nay, giá có thể tăng lên từ 170.000 - 200.000 đồng/cặp, tùy theo lớn nhỏ và chậu hoa đẹp khác nhau.
Theo phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết, diện tích hoa kiểng năm 2021 hơn 697ha, trong đó, diện tích trồng cây công trình, trang trí chiếm hơn 70%, diện tích trồng hoa các loại khoảng 25%, kiểng bonsai khoảng 10%.
Giá trị sản xuất hoa kiểng năm 2021 đạt hơn 1.300 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ so với năm 2020. Nguyên nhân sụt giảm là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế, TP Sa Đéc cho biết: "Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi cho bà con trồng hoa Tết. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên từ đầu mùa vụ, đơn vị tham mưu UBND thành phố khuyến cáo người dân giảm diện tích hoa Tết, chuyển sang các loại hoa kiểng khác. Do đó, vụ hoa Tết năm nay toàn thành phố có hơn 200 hộ dân trồng hoa Tết, với khoảng 60ha, giảm hơn 50% so với năm 2020".
Về thị trường và giá cả, bà Ngọc cho biết, theo thống kê, giá cả các loại hoa Tết truyền thống ở làng hoa Sa Đéc như: vạn thọ, cúc mâm xôi, cúc tiger, cát tường… giá cả ổn định như mọi năm. Tất cả các loại hoa Tết đều được nông dân xuất bán khắp các tỉnh thành trên cả nước, chủ yếu là các thị trường lớn, như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều tỉnh thành phía Bắc.
Theo lãnh đạo phòng Kinh tế, TP Sa Đéc, ngoài việc khuyến cáo người dân cập nhật thời tiết nông vụ, giá cá, thị hiếu thị trường để có vụ hoa Tết thành công, đơn vị phối hợp với lãnh đạo, ban ngành đoàn thể cấp xã luôn tuyên truyền nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ y tế để đảm bảo sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.