Nghệ An:

Lênh đênh phận đời vạn chài bên dòng sông Lam

(Dân trí) - Hình ảnh những chiếc thuyền nan ọp ẹp, thủng lỗ chỗ, cũ mòn dọc bờ sông Lam nhiều năm nay vẫn là chỗ mưu sinh của hàng trăm gia đình theo nghề vạn chài. Cuộc sống dập dềnh trên sông nước, lúc no lúc đói, lúc thiếu lúc đầy, cứ thế kéo dài triền miên qua nhiều thế hệ.


Bà Điểm sửa sang từng giỏ chài - công cụ “câu cơm” duy nhất của gia đình.

Bà Điểm sửa sang từng giỏ chài - công cụ “câu cơm” duy nhất của gia đình.

Sống hôm nay không biết ngày mai

Dân cư xóm Tân Lam (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) bao đời nay vẫn sinh sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống nơi triền sông khó khăn và thiếu thốn đủ bề. Nhưng người dân nơi đây vẫn phải chấp nhận bám trụ lấy nghề, nếu không muốn rơi vào tình cảnh túng quẫn khi không có đất nông nghiệp để sản xuất. Từ ngày nhà nước cấp đất quy hoạch xây nhà, sau bốn năm, cuộc sống của bà con xóm vạn chài Tân Lam bước đầu đã ổn định, tuy nhiên, cái đói, cái nghèo vẫn chưa chịu buông tha cho những cảnh đời lênh đênh trên sông nước.

Theo phản ánh của người dân, mặc dù họ đã có chỗ ở mới nhưng ngoài diện tích đất nhà nước hỗ trợ xây nhà thì họ không có đất để sản xuất nông nghiệp. Thậm chí đất để trồng rau, chăn nuôi, phục vụ tối thiểu cho cuộc sống hàng ngày cũng chẳng có. Không còn cách nào khác, người dân nơi đây lại quay trở về với nghề cũ, lấy sông nước là nguồn sống, là thu nhập chính của cả gia đình.

Ông Nguyệt cùng chiếc thuyền mưu sinh quen thuộc của mình trên dòng sông Lam.
Ông Nguyệt cùng chiếc thuyền mưu sinh quen thuộc của mình trên dòng sông Lam.

“Ngày ở nhà, đêm lại lênh đênh ngoài sông, chưa bao giờ tôi có một giấc ngủ trọn vẹn. Thu nhập từ nghề chài lưới chẳng đáng là bao, vào mùa thì thu nhập có ngày hai, ba trăm ngàn. Nhưng có ngày, thu nhập chẳng đủ ăn, được vài ba giỏ cá, không đủ để mà đi bán trên chợ. Vào mùa mưa bão, tôi vẫn phải bươn chải vì cơm áo gạo tiền đang ở ngoài sông cả, mưa lại càng phải đi”, chị Nguyễn Thị Thương (27 tuổi) cho biết

Chị Thương cho biết thêm, nếu không làm nghề chài lưới, bà con ở đây không biết làm nghề gì cả, từ khi lên bờ cuộc sống có “an cư” nhưng chưa “lạc nghiệp”. Thậm chí nhiều hộ gia đình chưa biết lấy tiền đâu để trả nợ xây nhà, nợ nần ngân hàng vẫn còn chồng chất.

Gần đó, gia đình bà Điểm (55 tuổi) có vẻ khấm khá hơn vì trong nhà có con đi xuất khẩu lao động. Ngôi nhà màu xanh mới xây của bà có phần khang trang hơn, cuộc sống đỡ khổ hơn ngày chưa lên bờ, song nỗi lòng bà chưa bao giờ yên vì gánh nặng mưu sinh vẫn luôn hiện hữu từng ngày, từng giờ.

Bàn tay đầy những vết chai sạm của bà vừa thoăn thoắt đan giỏ vừa gồng mình nuôi sống từng miệng ăn trong nhà. Bà trải lòng: “Nghề chài lưới cũng như nghề đánh bạc, có bựa thu nhập tốt thì được vài trăm có khi không khéo lại về không, cuộc sống giống như con bạc đen đỏ”.

Người dân cho hay, trong nhà cái gì cũng phải mua từ gạo cho đến nước dùng sinh hoạt. Thời gian trước, các hộ gia đình phải khoan giếng để lấy nước nhưng nước cáu bẩn khiến họ không thể nấu cơm, vo gạo, chỉ dùng để rửa ráy tay chân. Sau này nhờ tận dụng nguồn nước trên núi kéo về xóm nên bà con mới có nước sạch để dùng.

Đi dọc xóm vạn chài, tham quan và hỏi thăm từng ngôi nhà, chúng tôi không thể kìm lòng trước câu chuyện cuộc đời của người dân nơi đây. Có những ngôi nhà có đến 5, 6 miệng ăn trong gia đình, tài sản giá trị nhất là chiếc giường muốn gãy lúc nào không hay, có những ngôi nhà chỉ lợp xi măng, những mảng bê tông lồ lộ không quét sơn, phủ vôi, lại có những ngôi nhà nhìn bề ngoài khang trang nhưng mấy ai biết rằng chất liệu để làm nên chúng là gỗ bạch đàn ngâm nước.

Nuốt nước mắt ngậm ngùi cay đắng

Dạt về phía hạ nguồn nơi dòng sông Lam chảy qua xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, chúng tôi đau đáu trước nỗi khổ không gọi thành tên của hơn 200 nhân khẩu xóm vạn chài Hòa Lam. Nhiều năm qua, họ luôn sống trong cái đói, cái nghèo, dù mang tiếng sống ở thành phố Vinh nhưng cư dân xóm Hòa Lam lại giống như một quần thể biệt lập, sống thấp thỏm ngoài đê.

Giống như các gia đình xóm Tân Lam, cuộc sống của bà con xóm Hòa Lam vất vả và thiếu thốn đủ bề. Có lẽ, cái vòng luẩn quẩn của kiếp vạn chài vẫn luôn hiện hữu đâu đó trên dòng sông Lam lúc trong lúc cạn này.

Lênh đênh phận đời vạn chài bên dòng sông Lam - 3

Lo sợ nước tràn bờ kè, người dân dùng cả thân gỗ để chắn sóng.

Hơn 20 năm lênh đênh trên sông nước, ông Nguyễn Văn Mão (55 tuổi) thấm thía vô vàn khó khăn từ nghề chài lưới đem lại. “Vào mùa mưa bão, dân chài ở đây phải nghỉ dài triền miên, thu nhập bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết. Có ngày kiếm được 7 chục, có ngày không kiếm được đồng nào nhưng bắt buộc phải làm vì không có con đường nào khác. Buôn thì không buôn, đất nông nghiệp không có, chỉ có duy nhất ngành thủy sản”, ông Mão trải lòng.

Giống như ông Mão, ông Nguyệt (55 tuổi) cũng vì “bất đắc dĩ” mà chấp nhận bám trụ lấy nghề. Ông cho hay: “15 tuổi tôi đã gắn bó với nghề chài lưới. Giờ đây, gia đình tôi 5 người chỉ quanh quẩn với vó chài, cuộc sống không biết khi nào mới hết lênh đênh”.

Thu nhập đã thấp vậy, nhưng nỗi lo thường trực của bà con khi mùa mưa bão về vẫn là chuyện sạt lở đất, trôi nhà. Theo người dân phản ánh, tình trạng sạt lở bên bờ sông Lam ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhiều đoạn đất bị lún sâu, rách toạc thành những vết thương nham nhở nơi triền đê, khoảng cách từ kè sông tới nhà dân có nơi chưa đầy 3 mét. Diện tích cư trú của gần 70 hộ dân xóm Hòa Lam hiện nay đang đứng trước tình cảnh bị thu hẹp nhanh chóng.

Nhiều đoạn bờ đá kè sông có nguy cơ sụt lún.
Nhiều đoạn bờ đá kè sông có nguy cơ sụt lún.

Cứ vào mùa mưa bão, người dân nơi đây lại sẵn sàng lên dây cót để bắt đầu “chạy lũ”. Với người dân xóm Hòa Lam, trận lũ lịch sử năm 2011 là ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời chạy lũ triền miên. Theo như người dân làng vạn chài cho biết: “Nước lũ khi đó tràn vào tới tận cửa sổ, không ít đồ đạc trong nhà bị sóng cuốn đi, thuyền bè bị hư hỏng nặng, nhà cửa bị tốc mái”.

Nhưng thiệt hại về kinh tế chưa thấm là bao so với sự mòn mỏi về tinh thần trong cuộc sống của người dân. Chia tay bà con xóm Hòa Lam, chúng tôi vẫn không thôi ám ảnh và chưa bao giờ hết day dứt về cuộc sống dạt nhà của những cảnh đời nơi đây. Liệu rằng tiếng kêu cứu của người dân có được chính quyền lắng nghe hay họ chỉ biết bất lực nhìn lên trời cao mà nuốt nước mắt ngậm ngùi cay đắng.

Từ năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 5476 về việc phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư” để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa, TP Vinh với tổng mức đầu tư hơn 36,6 tỷ đồng và giao cho Chi cục phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua, người dân xóm Hòa Lam vẫn đang phải đợi chờ đến nóng ruột. Nguyện vọng bức thiết của bà con nơi đây là sớm được di dời sang vùng đất ngoài triền đê, để họ yên tâm an cư lạc nghiệp. Vì nhà nước đã có chính sách di dời nên nhiều năm qua, họ vẫn nuôi hy vọng về một nơi ở mới khang trang hơn.

Hầu hết các hộ dân ở xóm Hòa Lam đang sống trong các ngôi nhà khá tạm bợ, một số hộ khá giả hơn có tiền cũng không dám xây nhà vì nỗi lo canh cánh bao giờ dự án “khẩn cấp” sẽ hoàn thành.

Mai Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm