Lấy chồng giàu, 7 năm không có một xu dính túi!
Em đi lấy chồng, tính đến nay là tròn 7 năm. Suốt 7 năm nay, em sống an phận, chỉ biết đến chồng, không bao giờ nghĩ đến chuyện đề phòng chồng. Thế nhưng, gần đây, có vài việc xảy ra, nhiều ý kiến mắng chửi em khiến em rất băn khoăn.
Em năm nay 32 tuổi. Trước khi lấy chồng, em đã làm công việc văn phòng, lương tháng không cao, chỉ đủ chi tiêu, sinh hoạt và dành ra một chút để gửi về phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học ở quê. Khi lấy chồng, em may mắn lấy được người chồng hoạt bát, gia đình chồng tương đối khá giả. Tiền ăn, tiền chi tiêu trong gia đình, chồng em chi hết, vì thế, em không phải lo gánh nặng kinh tế như nhiều chị em phụ nữ khác. Đi làm được bao nhiêu, em đưa hết cho chồng.
Sau khi đưa lương, chồng em cũng cho lại vài trăm để em bỏ túi, đề phòng đi đường. Thế nhưng, em cũng không tiêu pha gì, đến cuối tháng, còn bao nhiêu, em lại dốc túi đưa cho chồng. Thậm chí, vì tính em sòng phẳng, lại không thích người khác nghĩ ngợi về mình nên chồng em đưa tiền cho em đi mua đồ ăn thức uống, em cũng ghi chép đầy đủ để anh khỏi nghi ngờ. Quần áo, giầy dép của em, nếu anh không mua hoặc không dẫn em đi cùng để mua thì có sao em dùng vậy, không bao giờ, em đòi hỏi gì nhiều.
Thế nhưng, gần đây, em trai em tuyên bố lấy vợ. Bố mẹ em phải chuẩn bị một khoản lớn khoảng 30 – 40 triệu để lo đám cưới cho con. Bố mẹ em có gọi điện, hỏi vay ít tiền riêng của em.
Khi hỏi vay, bố mẹ còn dặn em phải giữ bí mật, không được để cho chồng em biết, kẻo con rể lại coi thường bố mẹ vợ. Tuy nhiên, khi biết em không có đồng nào, muốn vay thì phải chờ em hỏi ý kiến của chồng, bố mẹ em đã chuyển hướng sang họ hàng chứ không muốn vay chồng em.
Mấy tháng sau, em trai em đi trên đường Hà Nội, đoạn gần nhà em, không biết vi phạm lỗi gì mà bị công an bắt phạt 400 nghìn. Nó gọi điện cho em, bảo em mang tiền ra cho nó nộp phạt vì trong túi của nó không có đủ tiền. Thế nhưng lúc đó, chồng em không có ở nhà, bố mẹ chồng thì em ngại hỏi nên em đành phải từ chối em trai mình.
Sau đó, bố mẹ em gọi điện ra mắng em, bảo bằng đấy tuổi đầu, lại mang tiếng lấy chồng giàu mà em trai cần 400 nghìn để nộp phạt cũng không cho.
Em buồn bực lắm, nghĩ ngợi lắm. Rồi, em quyết định nói hết với bố mẹ lý do em từ chối.
Bố mẹ em nghe xong, biết em không có một đồng nào trong tay khi đã ngoài 30 tuổi, đi làm được đồng nào đưa hết cho chồng thì vô cùng thất vọng. Cả bố và mẹ đều mắng em té tát, bảo em dại dột. Theo ý của bố mẹ, em phải có tí tiền giữ lưng đề phòng lúc bất trắc. Bởi cuộc sống nay sướng mai khổ, nay hạnh phúc mai buồn đau không biết đâu mà lần.
Em tâm sự với bạn bè, bạn bè em cũng nói như vậy. Chúng bạn còn khuyên em, phải tranh thủ lúc chồng đang làm ăn được để “thủ” càng nhiều tiền, càng tốt, lỡ sau này có chuyện gì, hoặc có muốn chăm sóc cho bố mẹ đẻ lúc về già cũng còn có đồng tiền. Hơn nữa, ai cũng bảo, phụ thuộc về kinh tế cũng đồng nghĩa với việc không có tiếng nói trong gia đình. Như thế, mình sẽ bị đối xử không khác gì osin.
Em nghe những lời đó mà hoang mang quá. Em nghĩ, đã là vợ chồng, em tin tưởng chồng em tuyệt đối. Hơn nữa, từ khi lấy nhau đến nay, chồng em cũng có chút keo kiệt với gia đình bên ngoại nhưng mọi việc lớn nhỏ trong nhà, chồng em đều tự giác lo liệu, cũng không bao giờ thấy anh có ý coi thường em.
Còn em, dù không cầm kinh tế như nhiều chị em khác, nhưng em không thấy bực bội. Ngược lại, em thấy thoải mái, em không phải lo nghĩ về những khoản chi tiêu, không cần phải cân đong đo đếm.
Thêm vào đó, việc tích trữ tiền riêng bằng cách bòn rút tiền của chồng, em thấy nó không đoàng hoàng cho lắm. Mà bòn rút không khéo, chồng nghi ngờ, gia đình lại vì thế mà tan vỡ thì làm thế nào?
Có cần thiết phải làm như lời bố mẹ và bạn bè em đã khuyên hay không? Mong mọi người hãy tư vấn cho em.
Độc giả Mai Anh (Hà Nội)
Theo Vietnamnet