Kiên Giang:

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Bị mù từ lúc nhỏ, ông Dũng vẫn cần mẫn đặt trúm lươn, trồng lúa để nuôi vợ con. Do mù nên ông Dũng dùng tai và da để cảm nhận hướng gió, thời tiết nóng lạnh và đoán thời gian để đặt trúm lươn.

Tàn nhưng không phế

Ông Hồ Văn Dũng (50 tuổi) ngụ tại ấp 9, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, Kiên Giang). Để đến được nhà của ông chúng tôi phải băng qua nhiều cung đường đồng nhỏ hẹp, nhiều cây cầu mà bề ngang chưa đến 1 m và đi bộ thêm 500 m mới tới nơi. 

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay - 1

Nhà của ông Dũng nằm khuất sau lũy tre già, căn nhà được chắp vá bằng các tấm tôn cũ kỹ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tổ ấm của gia đình ông Dũng nằm lọt thỏm sau rặng tre già, xung quanh có mấy căn nhà lá.  Nghe tiếng vọng gọi từ xa, một người đàn ông mặc áo xanh nở nụ cười tươi rói đứng chờ chúng tôi bên chiếc cầu ván. Ông vui vẻ mời chúng tôi vào nhà nghỉ. 

Lão nông mù đặt trúm lươn siêu hay, đặt con nào dính con đó (Clip: Bảo Kỳ).

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay - 2

Cả cuộc đời gắn với bóng tối nhưng ông Dũng vẫn lạc quan, vững tin vào ngày mai (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Dũng tâm sự, ông bị mù từ lúc 2 tuổi. "Ngày ấy nhà nghèo quá, không đủ tiền để điều trị. Mắt tôi cứ sưng rát, mờ dần rồi không thấy đường nữa", ông Dũng nhớ lại. 

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay - 3

Ông Dũng dùng nhánh cây để làm vật dẫn đường (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cứ như thế cuộc đời ông bắt đầu với chuỗi ngày làm bạn với bóng tối, ánh sáng duy nhất để ông gắng gượng từng ngày chính là sự yêu thương của cha mẹ và anh chị em trong nhà. Đến khi lên 7 tuổi, cha mẹ cho ông theo học chữ ở lớp bình dân học vụ, mặc dù rất ham học nhưng vì không nhìn thấy chữ ông đành bỏ học giữa chừng.

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay - 4

Ông Dũng bắt ốc bươu vàng làm mồi đặt trúm lươn (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Lúc đó mặc cảm lắm vì bị bạn bè trêu chọc, chê cười. Đến lớp lủi thủi ngồi một góc, tan học vội vàng về nhà. Tôi cũng muốn chơi chung với mọi người nhưng người ta sáng mắt còn mình thì mù lòa, giá nào cũng không theo kịp nên tuổi thơ của tôi không mấy vui vẻ", ông Dũng tâm sự. 

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay - 5

Ốc bươu vàng có sẵn ngoài ruộng ông bắt về đập vỏ, giữ lại phần thịt rồi trộn với gia vị cho bắt mùi sau đó chia đều vào từng ống trúm (Ảnh: Bảo Kỳ).

Từng u uất như thế nhưng ông Dũng không muốn trở thành gánh nặng gia đình. Ông xin cha mẹ theo làm đồng, trèo cây bẻ dừa... Để đi lại thuận tiện ông Dũng không mang dép và dùng cành cây làm vật dò đường. 

"Đường đê nhỏ xíu, ban đầu đi lọt xuống ruộng, xuống ao hoài nhưng đi riết thành quen. Cách để tôi đi quen đường là nhẩm đếm bước trong đầu, đến đoạn nào có vật cản như miệng cống, hố... mình đoán trước rồi nên không bị sụp té", ông Dũng kể. 

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay - 6

"Thời tiết thay đổi con lươn cũng thay đổi môi trường sống. Mình căn cứ vô để lựa chỗ đặt trúm. Mùa nước nổi chúng hay sống quanh các bờ ruộng còn lúa chét, mùa khô chúng sống trong những bụi lùm quanh ao, hồ", lão nông Hồ Văn Dũng bật mí (Ảnh: Bảo Kỳ).

Đi đứng đã biết cách, ông Dũng học thêm dặm lúa, cắt cỏ, bắt ốc, đặc biệt nhất là nghề đặt trúm lươn... Không thấy gì nên ông chỉ làm việc qua các giác quan như dùng tai và da để cảm nhận hướng gió, thời tiết nóng lạnh và đoán thời gian. 

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay - 7

Khi đặt trúm lươn phải để một đầu ống cao hơn đầu còn lại, cho lươn chui vào có không khí thở. Qua một đêm mới thu hoạch (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Thời tiết thay đổi con lươn cũng thay đổi môi trường sống. Mình căn cứ vô để lựa chỗ đặt trúm. Mùa nước nổi chúng hay sống quanh các bờ ruộng còn lúa chét, mùa khô chúng sống trong bụi lùm quanh ao, mương lớn", lão nông Hồ Văn Dũng bật mí. 

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay - 8

Giá lươn dao động từ 60.000 đến 70.000 đồng/kg, tùy thời điểm (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo ông Dũng, cách bẫy lươn rất đơn giản. Ốc bươu vàng có sẵn ngoài ruộng ông bắt về đập vỏ, giữ lại phần thịt rồi trộn với gia vị cho bắt mùi sau đó chia đều vào từng ống trúm. Khi đặt trúm phải đặt hai đầu chênh nhau, một cao một thấp để khi con lươn chui vào có thể thở vì qua một đêm mới đi thăm. Xong rồi dùng cỏ đắp lên ngụy trang. 

"Trung bình mỗi ngày tôi bắt được khoảng 1-2 kg lươn. Nếu vào mùa nước nổi thu hoạch còn nhiều hơn tận 3-4 kg/ngày. Giá dao động từ 60.000 đến 70.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Những tháng khô hạn, ít nước thế này lươn ít lắm nên tôi bắt thêm ốc để trang trải sinh hoạt", ông Dũng cho biết.

Trong tâm hồn tôi, vợ lúc nào cũng rất đẹp!

Ông Dũng mù đờn ghita cực hay (Clip: Bảo Kỳ).

Bản tính cần cù, siêng năng nên dù khiếm khuyết thị giác ông Dũng vẫn có vợ hiền chịu thương chịu khó. Bà Thị Ánh (45 tuổi) vợ ông Dũng cho biết, qua mai mối hai vợ chồng bà gặp rồi nhanh chóng tính đến chuyện về chung một nhà. Do cả hai gia đình đều khó khăn nên đám cưới rất đơn sơ chỉ vỏn vẹn mâm trầu cau và bữa cơm thân mật với họ hàng đôi bên. 

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay - 9

Bà Thị Ánh - vợ ông Dũng phụ giúp chồng việc đồng áng và chăm sóc con cái (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bà Ánh kể, cưới nhau năm 2000 đến năm 2006 vợ chồng bà ra riêng. Tài sản duy nhất là một công đất (1.000 m2) được gia đình chồng cho làm của hồi môn. Dù công việc đồng áng, nương rẫy hay những việc trong gia đình hai vợ chồng ông luôn làm cùng nhau. Mỗi vụ vợ chồng ông thu hoạch chừng 15 bao lúa (mỗi bao 45-50 kg), bán một mớ để trả tiền phân thuốc, số còn lại ông để đổi lấy gạo ăn. 

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay - 10

Em Hồ Thị Thảo Quyên (13 tuổi) đang học lớp 7. Cô bé cho biết, em rất tự hào về cha của mình, cha là động lực, là tấm gương để em cố gắng học tập (Ảnh: Bảo Kỳ).

Vợ chồng ông Dũng hiện có 3 người con, đứa lớn nhất được 19 tuổi còn đứa nhỏ nhất 13 tuổi, hai đứa lớn đều đã nghỉ học đi làm mướn để phụ gia đình. Em Hồ Thị Thảo Quyên đang học lớp 7 cũng chính là niềm hi vọng đổi đời của gia đình. 

Dù cuộc sống khó khăn nhưng trong ánh mắt của người phụ nữ U50 vẫn toát lên niềm hạnh phúc. Bà Ánh cho biết, dù chồng mình không có đôi mắt sáng nhưng rất yêu thương vợ con, siêng năng làm lụng. Còn ông Dũng, ông bày tỏ: "Cả đời tôi vẫn chưa được nhìn mặt bà ấy, nhưng trong tâm tôi bà ấy lúc nào cũng thật đẹp". 

Lão nông mù tiết lộ bí quyết đặt trúm lươn siêu lạ, hát cải lương siêu hay - 11

Ông Dũng bên chiếc đờn ghita gắn bó với bản thân hơn 20 năm (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trước khi chia tay, ông mời chúng tôi ở lại dùng bữa cơm quê cùng gia đình. Bên mâm cơm ông lôi chiếc đờn ghita sờn cũ nhưng chẳng thể ngờ những ngón tay thô kệch, chai sần lại có thể bật ra từng nốt nhạc trầm bổng hay đến lạ thường. Tiếng đờn cứ thế ngược xuôi, hòa trong tiếng gió trời, những âm thanh trầm bổng cứ vang lên bất chấp ngày mai vô định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm