Quảng Nam:
Làng sản xuất hương lớn nhất miền Trung nhộn nhịp vào vụ Tết
(Dân trí) - Với gần 800 tấn hương (nhang) được sản xuất mỗi năm, làng Quán Hương (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) được xem là làng sản xuất hương lớn nhất nhì miền Trung. Bây giờ cũng là thời gian cao điểm để làng nghề này sản xuất cho vụ Tết.
Quán Hương là một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời tại Quảng Nam, với tuổi đời hơn 250 năm. 120/180 hộ dân ở đây làm nghề sản xuất hương. Bằng cách gom nhặt những thứ lá thơm có trong địa phương, Quán Hương đã dần tiếp cận với cách làm các loại hương khác nhau: hương bổi, hương trầm, hương quế…
Để kịp phục vụ Tết, những ngày này người dân làng hương từ người già cho đến trẻ nhỏ đều tất bật với nghề. Trung bình mỗi ngày làng Quán Hương sản xuất khoảng gần 5 tấn hương thành phẩm các loại và chỉ sản xuất 6 tháng/năm. Vào dịp Tết, mỗi ngày làng sản xuất khoảng 15 tấn.
Trên con đường dẫn vào làng, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh lao động khẩn trương, hối hả, rộn ràng của người làng hương. Người trộn bột, người se hương, người phơi, ai ai cũng nổ lực để hoàn thành những đơn đặt hàng của cuối năm, chuẩn bị đón Tết.
Ông Võ Tấn Hiếu - Trưởng ban đại diện làng nghề Quán Hương cho biết: “Trước đây, các hộ dân đang sản xuất theo phương pháp thủ công. Dần dần họ chuyển sang làm hương với máy đạp bằng chân. Dịp Tết này, cả làng có tới hơn 50 máy phục vụ sản xuất nên sản lượng tăng mạnh. Với gần 800 tấn hương sản xuất ra mỗi năm, làng Quán Hương được xem là một trong những nơi sản xuất hương lớn nhất nhì miền Trung”.
Tăm hương ở đây được làm từ các cây tre già nên có độ bền và dẻo. Sau khi thu mua từ các cơ sở chuyên chẻ tăm, tăm hương được lựa chọn cẩn thận, những cây tăm yếu sẽ được loại bỏ. Phần còn lại được được nhúng vào sơn đỏ khoảng nửa tiếng để giữ màu và tăng độ cứng cho cây hương. Sau đó tăm hương được bó lại và đem phơi khô.
Bột hương với nguyên liệu chủ yếu là quế được mua từ vùng quế Tiên Phước (Quảng Nam). Theo nhiều người dân ở đây cho hay, quế ở Quảng Nam có mùi thơm hơn so với vùng khác nên khi dùng sản xuất hương cũng được ưa chuộng hơn.
Bột sau khi trộn nhuyễn sẽ được cho vào máy để ép chặt vào cây tăm. Ông Nguyễn Tấn Kỳ - người dân làng Quán Hương, cho biết: “Dịp Tết này gia đình tôi dự định sản xuất gần 2 tấn hương thành phẩm. Tranh thủ nắng ráo vợ chồng mang hương ra phơi cho đủ nắng, hương sản xuất phục vụ Tết nếu phơi không đủ nắng sẽ mất mùi thơm, còn gặp mưa để trong nhà vài giờ cũng coi như hỏng”.
Sau khi phơi khô, cây hương được bó thành hình lục giác rồi đóng gói cẩn thận. Mỗi bó hương được bán cho thương lái với giá từ 1,5-14 ngàn đồng tùy theo kích cỡ.
Hương được các thương lái đến tận nhà mua rồi sau đó đem đi tiêu thụ tại thị trường miền Trung và Tây Nguyên. Những năm gần đây, hương của làng Quán Hương còn được xuất khẩu ra các nước ngoài, nhiều nhất là Lào.
Giờ đây, hương Quán Hương không chỉ đơn thuần là sản phẩm tâm linh mà nó đã trở thành hàng hóa, không những mang lại thu nhập cho các hộ gia đình mà còn lưu giữ nghề truyền thống. Chính vì vậy, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, khắp trong nhà ngoài ngõ đâu đâu cũng phảng phất mùi thơm thanh khiết của hương tết như mang cả cái tình của người dân nơi đây.
N.Linh-C.Bính