Làng nuôi cá chép nhộn nhịp trước ngày ông Công ông Táo về trời

Bình Minh

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, cứ khoảng 20 tháng Chạp, làng nuôi "phương tiện cho ông Táo về trời" lớn nhất xứ Thanh lại tấp nập kẻ bán người mua.

Theo truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo về chầu trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Người dân thường dùng cá chép đỏ làm phương tiện để ông Công ông Táo cưỡi về trời.

Làng nuôi cá chép nhộn nhịp trước ngày ông Công ông Táo về trời - 1

Làng Tân Cổ, Tân Hậu, Bái Trúc (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương) từ lâu nổi tiếng với nghề nuôi cá ông Táo.

Vì thế, để chuẩn bị cho ngày 23 tháng Chạp, từ 18-20 tháng Chạp, các hộ nuôi cá chép ở các làng Tân Cổ, Bái Tân Hậu, Bái Trúc (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bắt đầu tập trung nhân lực, máy móc để hút nước, kéo lưới, đánh cá khỏi ao. Nhiều gia đình có 2-3 ao phải thuê thêm nhân lực để kịp đánh cá giao cho khách sỉ đến lấy.

Cá sau khi đánh khỏi ao được cho vào các bể tạm chờ khách đến chọn. Cá có đủ các kích cỡ, từ 30-40 con/kg đến 100 con/kg cho khách thoải mái chọn lựa. Tuy nhiên, theo các chủ ao cá thì cá ông Táo đẹp nhất thì 1kg khoảng 30 con.

Làng nuôi cá chép nhộn nhịp trước ngày ông Công ông Táo về trời - 2

Cứ đến trước 23 tháng Chạp, người dân sẽ bắt cá đưa vào các ô lưới để chờ thương lái đến lấy mang đi.

Là người đã nhiều năm nuôi cá ông Công ông Táo, anh Nguyễn Trọng Chiến, thôn Bái Trúc cho biết, cá chép ở đây nổi tiếng xưa nay vì có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe, nên được người dân nhiều nơi tin dùng.

Ban đầu nghề nuôi cá chép đỏ xuất phát từ các hộ dân ở thôn Tân Cổ, những năm gần đây đã nhân rộng ra nhiều thôn lân cận trong xã. Những ngày bình thường, các hộ vẫn nuôi cá thương phẩm và cá giống tuy nhiên cứ khoảng 3 tháng cuối năm thì bắt đầu đầu tư nuôi cá chép đỏ.

Làng nuôi cá chép nhộn nhịp trước ngày ông Công ông Táo về trời - 3
Làng nuôi cá chép nhộn nhịp trước ngày ông Công ông Táo về trời - 4

Gia đình nào cũng huy động nhân lực để đánh cá kịp cho đơn hàng khách đặt trước cả tháng.

Cũng theo anh Chiến thì gia đình anh cả nuôi cả mua sỉ lại vụ Tết này khoảng hơn 2,5 tấn, với giá thành như vậy, trừ chi phí đi thì gia đình cũng có một cái Tết đủ đầy.

Còn theo ông Đoàn Đình Tuyên cũng là gia đình có nhiều đời làm nghề nuôi cá ông Táo chia sẻ: "Cá chép ở đây đã được thương lái ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng trước cả tháng. Đến cận ngày, họ chỉ việc đánh xe ô tô đến, trên xe có đầy đủ thiết bị như hệ thống sục ôxy, bình ôxy, thùng đựng... để vận chuyển cá đi".

Làng nuôi cá chép nhộn nhịp trước ngày ông Công ông Táo về trời - 5

Năm nay cá chép đỏ được đánh giá mất mùa nhưng giá cả có chênh hơn một chút.

Nhà ông Tuyên năm nay có hơn 1 tạ cá. Ông cho biết, do thời tiết cá năm nay mất mùa, giá có chênh hơn một chút nên người nuôi cũng không bị lỗ.

"Do thời tiết khắc nghiệt nên năm nay cá bị bệnh chết nhiều, nuôi chậm phát triển hơn. Sản lượng cá chép đỏ năm nay chỉ đạt 40% so với năm trước, nhưng giá cá cao hơn năm trước. Nếu như những năm trước giá 1 kg cá có 80.000 đồng thì năm nay dao động từ 120 - 150 nghìn đồng/kg vì thế nên người nuôi cá cũng không bị lỗ. Cả làng nuôi cá, cái Tết nhà nào cũng trông chờ vào vụ cá ông Công ông Táo nên có năm cá mất mùa, rớt giá, dân coi như mất Tết" - ông Tuyên nói.

Làng nuôi cá chép nhộn nhịp trước ngày ông Công ông Táo về trời - 6

Sau khi đánh cá lên, cá chép đỏ sẽ được phân loại ra riêng và loại to, loại nhỏ.

Theo tìm hiểu, năm nay giá cá bán sỉ tại ao dao động từ 120.000-150.000 đồng/kg cá, bán lẻ 20.000-40.000 đồng/3 con, sau khi trừ chi phí, các hộ nuôi nhỏ lẻ tầm 3-5 ao thu về từ 80-100 triệu đồng, cá biệt có những hộ nuôi lớn có thể thu về vài trăm triệu đồng từ việc nuôi cá chép cúng. Nhiều hộ nuôi cho biết, tuy là nuôi thời vụ, nhưng nuôi cá ông Công, ông Táo đã trở thành một nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở Tân Cổ.

Làng nuôi cá chép nhộn nhịp trước ngày ông Công ông Táo về trời - 7

Với người nuôi cá, cái Tết trông chờ cả vào vụ cá ông Táo.

Đến lấy cá để nhập đi nơi khác, ông Đoàn Văn Dũng, xã Quảng Định (Quảng Xương) chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, tôi phải đến đây đặt trước cả tháng trời, không đặt sớm thì cận ngày làm gì còn hàng. Cá được tôi mang về thành phố và Sầm Sơn bán lẻ lại cho dân. Cũng mua cá nhiều nơi nhưng cá ở đây được dân có kinh nghiệm nuôi nên đẹp, khỏe và đều con".

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ Địa chính - nông nghiệp thị trấn Tân Phong, toàn thị trấn hiện có khoảng hơn 300 hộ nuôi cá quanh năm, 3 tháng cuối năm thì tập trung nuôi cá ông Công, ông Táo. Mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng hàng chục tấn cá dịp 23 tháng Chạp.

Làng nuôi cá chép nhộn nhịp trước ngày ông Công ông Táo về trời - 8

"Hiện nay, nuôi cá chủ yếu ở các làng Tân Cổ, Tân Hậu, Bái Trúc. Việc nuôi cá thương phẩm, cá giống đặc biệt là cá ông Công ông Táo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Mỗi năm, trừ chi phí, các hộ nuôi cá quy mô lớn cũng thu về khoảng 500-600 triệu" - ông Thắng cho biết.

Cũng theo ông Thắng, địa phương cũng quan tâm hỗ trợ về quỹ đất để cho bà con mở rộng diện tích nuôi cá, bên cạnh đó mỗi năm cũng tổ chức các lớp đào tạo hỗ trợ khoa học kỹ thuật để bà con có thêm kinh nghiệm nuôi cá, tăng năng suất góp phần phát triển kinh tế địa phương.