Bình Định:

Làng bún bên bờ sông Kôn “tăng nhiệt” đón Tết

(Dân trí) - Tháng Chạp là cao điểm người làm nghề bánh - bún khô truyền thống ở xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) bắt đầu tăng nhiệt. Hiện, người dân làng nghề này đang tất bật cho ra sản phẩm bún, bánh phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán.

Bình Định: Làng bún bên bờ sông Kôn “tăng nhiệt” đón Tết

Thị xã An Nhơn được biết đến là “đất trăm nghề”, hiện địa phương này có 24 làng nghề được tỉnh Bình Định công nhận. Do vậy, đây cũng là thời điểm các làng nghề ở địa phương này bắt đầu tăng công suất vào vụ tết.

2.jpg
Làng bún khô truyền thống An Thái "tăng nhiệt" vào vụ Tết

Tại xã Nhơn Phúc, làng bún - bánh An Thái nổi tiếng nghề làm bún qua nhiều thế hệ kiểu cha truyền con nối. Hiện làng nghề này có trên 60 - 70 cơ sở, hộ gia đình sản xuất. Sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc, trong đó tiêu thụ mạnh là thị trường các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Theo người dân ở làng nghề bún - bánh An Thái, trước đây người làm bún, bánh hoàn toàn bằng thủ công nên hiệu quả thấp. Tuy nhiên, hiện nay đa số các hộ dân đầu tư máy móc, thiết bị để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất.

8.jpg
Người làng nghề bún khô An Thái tất bật vào vụ Tết.

Huyền Anh, chủ cơ sở làm bún gạo khô ở An Thái, cho biết: “Ngày bình thường mỗi ngày gia đình tôi làm khoảng 1 tấn gạo, cho ra 800 kg bún khô. Vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao nên gia đình tăng lên gấp rưỡi. Tuy nhiên, làm bún phụ thuộc vào thời tiết nên ngày nào nắng to thì tranh thủ làm nhiều, còn mưa thì nghỉ. Khó khăn nhất là dịp cuối năm thường ít nắng lại hay mưa làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất bún”.

Theo chị Anh, để có bún tiêu thụ dịp Tết, ngoài huy động nhân công trong gia đình chị phải thuê thêm 4 lao động làm công với giá 150.000 đến 200.000 đồng/ngày, tùy thuộc vào năng suất.

4.jpg
Người làm bún ở An Thái đang "chạy đua" vào vụ Tết.

Ông Võ Văn Tâm (65 tuổi, thôn An Thái), là một trong 3 hộ duy nhất ở An Thái gắn với nghề làm bún Song Thằn. Ông Tâm cho biết, gia đình ông đã 3 đời làm bún Song Thằn, đây là đặc sản độc đáo của làng nghề An Thái. Bởi chất lượng bún rất ngon, dinh dưỡng cao, nhưng vì hiện giá đậu xanh quá cao nên giá bún Song Thằn hiện nay cao ngất ngưởng: 170.000 đến 180.000 đông/kg, còn dịp Tết thường tăng đến hơn 200.000 đồng/kg.

Theo ông Tâm, để làm ra 1 kg bún Song Thằn khô, phải tốn 5 kg đậu xanh hạt được xay và chắt lọc nước nhiều lần cho ra 1,2 kg bột đậu xanh tinh chất trắng tinh, rồi 1,2 kg bột đậu xanh và qua nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ.

10.jpg
Hộ ông Tâm là 1 trong 3 hộ duy nhất ở làng nghề bún An Thái làm được bún Song Thằn.

Cũng theo ông Tâm, hiện không có một địa phương nào ở Bình Định có thể làm được bún Song Thằn ngon, chất lượng như ở An Thái.

Một số hình ảnh làng nghề bún An Thái tất bật vào vụ Tết:

5.jpg
Những sợi bún vàng óng vừa được ra lò
9.jpg
Để có sợi bún vàng đều cách pha thực phẩm màu vào bột đòi hỏi phải có kỹ thuật cao.
7.jpg
1.jpg

Bún được đem phơi nắng cho đến khô.

3.jpg
Sau đó bún được đóng gói chờ lái buôn đến mua.

Doãn Công