Sóc Trăng:

Làm trang trại mini trên vùng đất trũng, nông dân bỏ túi gần 400 triệu/năm

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Không nản lòng trên mảnh đất trũng, bạc màu, nông dân Hứa Thanh Bình (Sóc Trăng) cần cù cải tạo đất, làm trang trại mini, trồng, nuôi mỗi thứ một ít. Nhờ đó, mỗi năm anh Bình thu gần 400 triệu đồng.

Đến thăm mô hình trang trại rộng 15.000m2 của anh Hứa Thanh Bình (SN 1975, ngụ ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) khiến nhiều người ngỡ ngàng khi anh biến một vùng đất bạc màu thành trang trại cây trái sum suê.

Nông dân Hứa Thanh Bình làm giàu trên vùng đất trũng, bạc màu

Đất trũng là vùng đất có diện tích bề mặt thấp hơn các vùng khác, thông thường với địa hình này người dân chỉ có thể trồng lúa, năn hoặc nuôi cá đồng. Ít người dám chuyển đổi sang trồng cây ăn trái vì chi phí đầu tư cao, e ngại thổ nhưỡng không phù hợp, dễ ngập úng vào mùa nước nổi.

Làm trang trại mini trên vùng đất trũng, nông dân bỏ túi gần 400 triệu/năm - 1

Từ bấp bênh vì trồng lúa, 3 năm trước anh Hứa Thanh Bình quyết định chuyển đổi cơ cấu giảm diện tích sản xuất lúa sang trồng cây ăn trái và chăn nuôi.

Tuy nhiên, sau nhiều năm sản xuất lúa không hiệu quả, giá cả bấp bênh, năm 2018, anh Bình quyết định chuyển 1,5ha đất trong tổng số 4ha đất lúa lên liếp làm vườn trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi theo mô hình vườn-ao-chuồng.

Để biến vùng đất trũng, bạc màu thành vùng đất màu mỡ, "đẻ" ra tiền như hiện tại, anh Bình bỏ công cải tạo đất và chăm sóc vườn cây suốt 3 năm qua.

Với diện tích 1,5ha đất anh trồng xen canh 800 gốc ổi nữ hoàng, 350 gốc dừa dứa và 300 gốc bưởi da xanh. Trong đó, bưởi da xanh và ổi nữ hoàng đã cho trái thu hoạch được gần 2 năm nay.

Tận dụng diện tích mặt nước còn trống giữa các liếp, anh Bình dẫn dụ cá đồng về nuôi. "Nuôi cá đồng không tốn chi phí gì cả chỉ cần rào chắn xung quanh, cá thả nuôi được một năm đã có thể thu hoạch tính ra mỗi vụ lời hơn 40 triệu đồng. Diện tích còn trống tôi xây chuồng trại nuôi heo rừng, thỏ, gà và trâu", anh Bình chia sẻ.

Làm trang trại mini trên vùng đất trũng, nông dân bỏ túi gần 400 triệu/năm - 2

Bưởi da xanh của anh Bình bén rễ tốt trên đất trũng nhờ kỹ thuật chăm sóc vườn theo hướng hữu cơ.

Cũng theo anh Bình, đất ở đây khá xấu, đất nhiều sét, ít màu mỡ nên ban đầu anh Bình phải dùng phân rơm ủ hoai mục bón lót mới bắt đầu xuống giống. Suốt thời gian canh tác anh luôn áp dụng phương pháp trồng trọt khoa học như bón phân trâu, giữ cỏ để làm mát gốc cây vào thời tiết khô, phát hoang vườn lúc mùa mưa. Khi bưởi và ổi đến giai đoạn cho trái anh bao túi lưới hoặc túi nilon tránh côn trùng gây hại.

Nhờ canh tác hợp lý với 800 gốc giống ổi nữ hoàng mỗi ngày anh Bình thu hoạch từ 150kg ổi, giá bán từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Ước tính lợi nhuận đạt từ 70 triệu đồng/năm. 

Làm trang trại mini trên vùng đất trũng, nông dân bỏ túi gần 400 triệu/năm - 3

Anh Bình cũng xây chuồng nuôi heo rừng.

Làm trang trại mini trên vùng đất trũng, nông dân bỏ túi gần 400 triệu/năm - 4

Anh Bình nuôi Thỏ để bán thỏ giống.

Đối với bưởi da xanh, dù cây mới 3 năm tuổi đã cho thu hoạch 2 đợt với tổng sản lượng gần một tấn trái, trọng lượng bưởi tối đa hơn 2,2kg/trái, với giá bán từ 35.000 đồng/kg, trừ hết chi phí anh Bình kiếm được lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Hiện bưởi đang ra bông cho đợt trái tiếp theo, dự kiến cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán.

Song song với trồng trọt, anh Bình còn gia tăng sản xuất khi xây dựng chuồng trại nuôi thỏ, trâu và heo rừng kết hợp nuôi gà thả vườn. Đây là các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ít tốn chi phí chăn nuôi, dễ chăm sóc. Nhiều người cũng không ngờ từ cách nuôi "mỗi thứ một ít" đã giúp anh Bình có thu nhập rất khá.

Làm trang trại mini trên vùng đất trũng, nông dân bỏ túi gần 400 triệu/năm - 5

Tận dụng diện tích vườn anh trồng rau muống để làm thức ăn cho heo rừng, thỏ

Làm trang trại mini trên vùng đất trũng, nông dân bỏ túi gần 400 triệu/năm - 6

Năm 2020, anh Hứa Thanh Bình được Hội Nông tỉnh Sóc Trăng tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

 "Xung quanh vườn tôi có trồng thêm rau muống, cỏ vôi để làm thức ăn cho heo rừng và trâu. Trong số các vật nuôi, heo rừng là loài ít tốn chi phí nhất. Nuôi heo rừng không cần cho ăn thức ăn để vỗ béo mà chúng chỉ ăn rau muống và ổi vụn. Hiện tôi đang được một công ty bao tiêu heo con với giá 130.000 đồng/kg. Đợt vừa rồi tôi vừa bán lứa đầu tiên được 11 con heo con, trừ hết chi phí tôi lãi hơn 2 triệu đồng/con". Anh Bình hào hứng cho biết.

Nhờ thực hiện mô hình sản xuất đa canh kết hợp trên tổng diện tích 4ha đất giúp anh nông dân Sóc Trăng bỏ túi gần 400 triệu đồng/năm. Để đạt được thành công này, bản thân anh Bình phải tham quan học hỏi nhiều mô hình sản xuất, thấy cái nào mang lại hiệu quả và phù hợp với gia đình thì thực hiện.

Ông Di Văn Ngự - Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Bình cho biết: "Thời gian gần đây khi thấy lợi ích từ mô hình đa canh của anh Bình nhiều bà con nông dân ở địa phương đã học hỏi, nuôi trồng một số cây trồng vật nuôi cơ bản. Bản thân anh Bình là nông dân giỏi nhiều năm liền nhận được bằng khen tặng của Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng".