Làm thế nào để cha mẹ đồng hành cùng con vượt qua khiếm khuyết?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Cha mẹ nào cũng mong con lớn khôn khỏe mạnh, hạnh phúc. Nhưng khi sinh ra hoặc trong quá trình trưởng thành, con có thể chẳng may có khiếm khuyết nào đấy. Nếu vậy, cha mẹ cần dũng cảm đối mặt, tìm sự trợ giúp từ chuyên gia, sự đồng lòng của gia đình.

Chủ đề được gợi mở trong tập 8 của chuỗi tiểu phẩm "Sinh con, sinh cha", với sự tham gia dàn dựng, diễn xuất của NSƯT Xuân Bắc. Trong vai bác sĩ, nghệ sĩ Xuân Bắc thay lời chuyên gia và chương trình "Sinh con, sinh cha" nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ thông điệp cốt lõi: Liều thuốc tốt nhất mà mẹ cha có thể đem đến cho con chính là tình yêu thương, thấu hiểu và đồng hành cùng con.

"Sinh con, sinh cha" mùa 2 - Tập 8: Con có khiếm khuyết, cha mẹ có yêu con

Mặc dù bối cảnh câu chuyện xoay quanh một gia đình trẻ có con tự kỷ, nhưng tiểu phẩm gửi gắm thông điệp nói trên đến tất cả các phụ huynh có con chẳng may khiếm khuyết về thể chất hoặc trí tuệ. Song song đó, "Sinh con, sinh cha" cũng chia sẻ một số lưu ý quan trọng giúp cha mẹ vững bước đồng hành cùng con trên hành trình chữa trị đầy thách thức và nuôi dưỡng tình yêu thương vô điều kiện vốn luôn hiện hữu trong trái tim đấng sinh thành.

Dũng cảm đối mặt

Can thiệp sớm là lời khuyên của chuyên gia dành cho cha mẹ có con chẳng may có khiếm khuyết, như tiểu phẩm đưa ra một ví dụ về tự kỷ. Cha mẹ đừng để nỗi sợ hãi, cảm xúc của bản thân hay điều tiếng bên ngoài làm chùn chân, yếu lòng, từ chối chấp nhận sự thật. Thay vào đó hãy là bờ vai nâng đỡ, tấm khiên che chở cho con. Bước đầu tiên trên tiến trình đồng hành cùng con chữa trị, hòa nhập vào đời thường là cha mẹ cần can đảm đối mặt, chấp nhận những khiếm khuyết của con bằng con tim rộng mở, niềm tin yêu và hy vọng.

Tìm kiếm sự trợ giúp

Khi phát hiện các biểu hiện bất thường của con, cha mẹ nên tìm đến các chuyên gia để được hỗ trợ thay vì tra cứu thông tin tràn lan, thiếu kiểm chứng trên mạng rồi tự chữa cho con. Tuy có chung bệnh lý nhưng mỗi trẻ lại khác nhau về nhiều khía cạnh. Do vậy, phương pháp áp dụng thành công cho người này không hẳn phát huy tác dụng với người khác. Bằng chuyên môn của mình, các chuyên gia sẽ tư vấn và đưa ra liệu trình điều trị, can thiệp phù hợp cho con trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể tham khảo sách báo, tham gia các hội nhóm của các phụ huynh đồng cảnh ngộ để thấy rằng mình không đơn độc; để được tiếp thêm nghị lực từ sự tiến triển của các trẻ khác khi cha mẹ vững chí bên con.

Làm thế nào để cha mẹ đồng hành cùng con vượt qua khiếm khuyết? - 1
Khi phát hiện các biểu hiện bất thường của con, cha mẹ nên tìm đến các chuyên gia để được hỗ trợ (Ảnh cắt từ clip).

Ba mẹ hãy tựa vào nhau

Phản ứng đổ lỗi (như của người chồng trong tiểu phẩm) vốn không xa lạ gì. Tại nhiều gia đình, người phụ nữ vẫn thường bị quy trách nhiệm trong việc sinh nở, chăm sóc con cái, phản ánh qua nhiều câu cửa miệng như "có mỗi việc đẻ cũng không xong", "có mỗi việc chăm con cũng không nên thân", "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà".

Nếu con có khiếm khuyết, thì đó không phải là lỗi do ông trời hay lỗi cha mẹ. Hành trình đưa con hòa nhập với cuộc sống thường nhật và cộng đồng rất vất vả và cần sự hy sinh vô bờ bến của cha mẹ. Không đổ lỗi, tự trách, oán than, trút sự bực dọc hay nỗi thất vọng lên nửa kia. Điều này có thể khiến không khí gia đình thêm phần tiêu cực và tạo thêm nhiều vết thương tâm lý cho con, tình trạng khiếm khuyết, bệnh tật của con không thuyên giảm mà thậm chí còn trầm trọng hơn.

Cha mẹ hòa thuận trên nền tảng thấu hiểu, cảm thông nhau thì mới có thể trở thành chỗ dựa tinh thần của nhau, và cả của con trên hành trình vượt qua khiếm khuyết, bệnh tật.

Làm thế nào để cha mẹ đồng hành cùng con vượt qua khiếm khuyết? - 2
Cha mẹ hòa thuận trên nền tảng thấu hiểu, cảm thông nhau thì mới có thể trở thành chỗ dựa tinh thần của nhau, và cả của con trên hành trình vượt qua khiếm khuyết, bệnh tật (Ảnh cắt từ clip).

Là điểm tựa cho con

Ở gia đình nào mà những ước ao, kỳ vọng đặt vào con càng lớn thì nỗi chán chường, thất vọng càng nặng nề, có thể nhấn chìm cha mẹ trong những so sánh, suy nghĩ tiêu cực như "mình có tội tình gì mà sinh ra con như vầy", "chỉ cần con là đứa trẻ bình thường thôi mà cũng không được".

Cha mẹ cần học cách điều tiết cảm xúc, kiểm soát tâm tưởng trước những tự vấn của bản thân hay đàm tiếu của người ngoài để tránh vô tình làm tổn thương con. Hãy chuyển hóa những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực thành những xúc cảm, góc nhìn tích cực, lạc quan để có thêm năng lượng và sức mạnh nội tại. Một trong những phương cách chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực là sống với thái độ trân trọng và biết ơn.

Mỗi ngày, hãy nhắc mình trân trọng hiện tại, trân trọng những điều đang có và biết ơn vì con đã đến bên mình, vì con vẫn còn đây.

Theo các chuyên gia cũng như chia sẻ của nhiều bậc cha mẹ trải qua hoàn cảnh tương tự, tình yêu thương vô điều kiện và sự kiên nhẫn của mẹ cha là liều thuốc quý giá nhất, là phép màu có thực trong tầm tay giúp cả nhà vững vàng đương đầu và xoay chuyển tình thế trên hành trình đồng hành cùng con trên bước đường điều trị, hòa nhập vào đời nếu chẳng may khiếm khuyết.

"Sinh con, sinh cha" là chương trình giáo dục cộng đồng về làm cha mẹ được biên soạn và xây dựng bởi Generali Việt Nam và Quỹ BTTEVN với tài liệu tham khảo từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích và tham gia cộng đồng "Sinh con, sinh cha" tại fanpage The Human Safety Net Việt Nam.