Làm nghề "nhận đồ cũ, trả đồ mới", ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên

Toàn Vũ Thảo Trinh

(Dân trí) - 30 năm gắn bó với công việc sửa giày dép, lấy gốc cây làm "cửa hàng", ông Cường miệt mài gọt dũa, "tân trang" từng chiếc dép, đôi giày, tích góp vài trăm ngàn đồng/ngày, nuôi hai con trai ăn học.

Tọa lạc tại một gốc cây ở số 17 Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tiệm sửa chữa giày dép đặc biệt của ông Nghiêm Xuân Cường (60 tuổi) đã hoạt động được hàng chục năm nay, bất kể nắng hay mưa. 

Gọi là tiệm nhưng diện tích "mặt bằng" rất hẹp, chưa đầy 2m2, nằm gọn bên gốc cây. Ông Cường treo tấm biển sắt mới làm còn sáng loáng, ghi rõ địa chỉ và số điện thoại cho khách đi ngang qua có thể nhìn thấy dễ dàng.

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 1

"Cửa hàng" sửa giày dép của ông Cường nằm nép mình bên gốc cây cổ thụ trên phố Cầu Gỗ.

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 2

Ông Cường đã gắn bó vài chục năm với công việc "làm đẹp" đôi chân cho bao người.

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 3

"Đồ nghề" của người thợ này là những miếng đế, lót giày hay các hộp keo, xi,... khách thường mua, được xếp gọn trong các giỏ nhựa.

Bộ "đồ nghề" của người đàn ông này cũng nhỏ gọn, không quá nhiều mặt hàng. Ông xếp gọn các sản phẩm "tân trang" giày dép vào hai chiếc giỏ nhựa, gồm vài loại đế, miếng lót hay hộp xi mà khách thường mua. Xung quanh là chiếc máy mài bám đầy dầu máy và một cái quạt đứng đã cũ mèm.

Ông Cường sinh ra và lớn lên ở quận Hoàn Kiếm. Trước đây, thuở còn trẻ, ông làm việc tại một xí nghiệp gỗ gần nhà. Sau này nhà máy giải thể, ông thất nghiệp, đành chuyển hướng tìm nghề khác để mưu sinh.

"Nghề chính của tôi là thợ mộc. Nhưng khi ấy nhà nghèo, làm mộc thì không có chỗ, cũng chẳng có tiền mua máy móc, thiết bị nên tôi nảy ra ý định đi đánh giày. Vì công việc này đơn giản, ít đồ và không cần nhiều diện tích", ông nói.

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 4

Muốn kiếm đồng ra đồng vào, phụ giúp vợ nuôi dạy con cái, ông quyết định tìm tới một vài người có kinh nghiệm đi trước để học cách sửa giày dép và gắn bó với nghề từ đó đến nay.

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 5

Tiệm sửa giày dép của ông Cường mở cửa từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 6

Trung bình, người thợ tuổi 60 sửa chữa, làm mới khoảng 10-12 đôi giày, dép cho khách. Lúc cao điểm, ông có thể làm gấp đôi, gấp ba số lượng trên.

Ông Cường cho biết, tùy chất liệu giày dép và yêu cầu của khách mà chi phí sửa chữa cũng khác nhau.

"Nếu khâu, vá giày dép đơn giản thì chi phí là 50.000 đồng, còn đánh xi chỉ 10.000 đồng/lần thôi. Tôi cũng chuẩn bị một vài sản phẩm khác nhau để khách lựa chọn. Ví dụ như thay đế giày dép, nếu vật liệu đắt thì tốn kém hơn, khoảng 200.000 đồng/đôi", ông nói.

Hàng ngày, "cửa hàng" của ông Cường mở cửa từ 8-9 giờ sáng rồi đóng cửa lúc 5-6 giờ chiều. Ngày thường, ông có thể sửa tới 10 đôi. Còn lúc cao điểm, số lượng lại nhân lên gấp bội.

"Nếu đánh xi hoặc vá thì nhanh lắm, tôi làm một tí thì xong. Nhưng có đôi cần khâu, sửa chỗ này chỗ kia khá kỳ công nên tốn thời gian hơn chút. Vào dịp Tết, khách cần sửa giày dép nhiều, tôi làm luôn chân luôn tay và phải nhờ vợ hỗ trợ cùng mới xuể", người đàn ông tuổi 60 kể lại.

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 7

Theo ông Cường, nghề "tân trang" giày dép đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, nếu sơ suất sẽ làm hỏng đồ của khách hàng.

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 8

Tùy từng dịch vụ như khâu, vá, thay đế hay đánh xi,... mà mỗi đôi giày sau khi sửa chữa, làm mới lại có giá khác nhau.

Thời gian đầu chưa quen và còn thiếu kinh nghiệm, người thợ này từng bị khách phàn nàn. Có lần bảo quản giày của khách không cẩn thận, để mèo cào, ông phải đền hơn một triệu đồng.

Ông cho hay, mỗi đôi giày, đôi dép lại có một cách sửa chữa khác, chẳng giống nhau và cũng không thể học hỏi từ đâu. Người thợ U60 phải tự mày mò, chỉnh sửa rồi đúc rút kinh nghiệm từng ngày với tiêu chí "làm việc phải có cái tâm để khách cảm thấy uy tín và ủng hộ nhiều lần sau đó".

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 9

Ở quán sửa giày dép của ông, khách hàng thuộc nhiều tầng lớp, từ những người có điều kiện đến hội chị em dân văn phòng, sinh viên hay cả người dân địa phương sinh sống tại các khu vực xung quanh. 

Chị Hạnh (sống ở phố Nguyễn Hữu Huân) là khách quen của "cửa hàng" sửa giày dép bên gốc cây. Mỗi lần cần "tân trang" giày dép, chị lại mang liền 3-4 đôi nhờ ông Cường "xử lý" cho.  

"Tôi thường đến đây để đánh xi, làm đẹp giày dép vì thấy ông Cường thực hiện cẩn thận, rất có tâm. Chưa kể giá thành của các dịch vụ cũng bình dân, rẻ hơn những chỗ khác. Ví dụ như đánh xi giày chỉ tốn 10.000 đồng", chị Hạnh vừa chỉ vào đôi giày đen mới đánh bóng loáng của mình vừa nói.

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 10

Đều đặn từ sáng đến chiều tối, bất kể ngày nắng hay mưa, ông Cường vẫn cặm cụi ngồi gọt giũa, cắt dán, mang đến cho những đôi giày dép cũ, xấu xí một diện mạo mới, sáng bóng.

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 11

Công việc sửa giày dép mang lại cho ông Cường mức thu nhập ổn, khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Dịp lễ, Tết, ông có thể kiếm được nhiều hơn vì khách đông.

Trung bình, người thợ 30 năm sửa giày dép có thể kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Lúc cao điểm như cuối tuần hay dịp lễ, Tết, thu nhập của ông nhiều hơn nhờ nhu cầu từ khách hàng tăng cao. 

Ông bảo, cuộc sống của hai vợ chồng khá đơn giản, ăn uống đạm bạc nên chi tiêu không nhiều. Trước đây, vợ ông kinh doanh quán bún chả ngay phía sau tiệm sửa giày dép nhưng đã đóng cửa vài tháng nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Làm nghề nhận đồ cũ, trả đồ mới, ông bố nuôi con thành y tá, diễn viên - 12

Vợ ông Cường (áo đỏ) thỉnh thoảng phụ giúp chồng đánh xi giày cho khách. Nhiều năm qua, hai ông bà cố gắng làm lụng, tiết kiệm tiền nuôi dưỡng hai con trai nên người.

Suốt nhiều năm qua, ông làm việc không biết mệt mỏi, cùng vợ tích góp tiền để nuôi dưỡng hai người con trai. Dù đôi tay lấm lem vì bụi bẩn, dầu mỡ nhưng đôi mắt của người thợ sửa giày dép luôn ánh lên sự tự hào khi nói về các con.

Ông tâm sự, người con trai lớn hiện đang làm diễn viên múa ở miền Nam. Anh được bố đưa đón, tạo điều kiện theo học bộ môn này từ nhỏ. Còn người con trai út làm việc trong ngành y tế, chuyên hỗ trợ các chuyến xe cứu thương cho một bệnh viện tại Thủ đô. 

Đến nay, cả hai con đều đã trưởng thành và có tổ ấm mới nhưng ông Cường vẫn dành nhiều sự quan tâm, yêu thương như niềm đam mê với nghề sửa giày dép. Người thợ có 30 năm kinh nghiệm bày tỏ, bản thân nỗ lực làm việc mỗi ngày vì muốn có niềm vui, tự chủ kinh tế để vợ con không phải lo lắng.