Lấm lem nghề than!
(Dân trí) - Trời nắng như đổ lửa, những người làm than bịt kín mặt mũi, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm cả áo, tất tưởi nhặt từng cây củi cho vào lò, còn những người khác thì đem than từ lò ra ngoài. Những con người đây lúc nào cũng lấm lem vì than!
Các lò hầm than củi tập trung nhiều nhất ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Thống kê của UBND huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng, làng nghề hầm than xã Xuân Hòa hiện có 939 lò hầm than của hơn 400 hộ dân, sản lượng than mỗi năm đạt khoảng 40.000 tấn, doanh thu khoảng 300 tỉ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động của địa phương.
Than thành phẩm ở làng nghề này không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...nhờ ăn nên làm ra mà số lượng lò than ở đây tiếp tục tăng về số lượng.
Còn địa bàn Hậu Giang hiện có khoảng 900 lò hầm than củi phân bố ở các địa phương xã Phú Tân, huyện Châu Thành, xã Tân Thành và Đại Thành (TX. Ngã Bảy). Xã Phú Tân huyện Châu Thành, là nơi tập trung nhiều lò hầm than củi nhất của tỉnh.
Theo thống kê của xã hiện có khoảng 635 lò đang hoạt động, tập trung dọc hai bên các sông lớn như: Cái Côn, sông Hậu, Cây Dương, Ngã Tư. Qua đó tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 300 lao động của xã và khoảng 1.000 lao động ở các địa phương khác, thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 4 triệu đồng/người.
Phóng viên đã có mặt và ghi nhận nhiều hình ảnh về hoạt động của người làm than:
Mỗi một lò than có lúc giải quyết việc làm cho hàng chục lao động
Lò than từ khi đốt đến khi thành than khoảng 15 đến 20 ngày
Phạm Tâm - Kiên Trung
phamtam@dantri.com.vn