Lạ lùng không dẫn người khác phái dự tất niên, bị... trừ vào tiền thưởng

Hoài Nam

(Dân trí) - Không dẫn bạn khác phái đến dự tất niên của công ty, nữ nhân viên cùng nhiều đồng nghiệp khác bị "phạt" trực tiếp vào tiền thưởng tết Tây là 300.000 đồng.

Tình huống "thật như đùa" được Thu Hương, nữ nhân viên 26 tuổi, làm việc tại một công ty thương mại dịch vụ ở TPHCM chia sẻ kéo theo nhiều ý kiến trái chiều, tranh cãi. 

Hương kể, hôm qua, cô lĩnh tiền thưởng tết Tây 1,5 triệu đồng nhưng chỉ được nhận 1,2 triệu đồng do trong lễ tất niên công ty vừa tổ chức cuối tuần qua, cô chỉ đi một mình, không dẫn người khác phái đi dự cùng. 

Lạ lùng không dẫn người khác phái dự tất niên, bị... trừ vào tiền thưởng - 1

Công ty phạt vào tiền thưởng nếu nhân viên đi dự tất niên mà không dẫn người khác phái đi cùng (Ảnh minh họa)

Không chỉ Hương mà nhiều người đi dự không dẫn bạn khác giới đi cùng như thông báo trước đó đều bị trừ thẳng 300.000 đồng vào tiền thưởng Tết như vậy.

Hương nói thêm, trước lễ tất niên, phòng nhân sự đã thông báo, tất cả mọi người tham dự đều phải dẫn người khác giới (có thể là cha mẹ, vợ chồng, người yêu, bạn bè) đi dự tiệc cùng, trừ hoàn cảnh đặc biệt. Còn không, sẽ bị trừ vào tiền thưởng tết 300.000 đồng. 

Số tiền này công ty không giữ lại mà sẽ xung vào quỹ tập thể chi cho  các chương trình vui chơi, tiệc tùng của nhân viên. 

"Mình không hài lòng lắm khi bị trừ vào thưởng Tết, đâu phải ai cũng có thể dẫn bạn khác giới đi cùng. Tuy nhiên, chủ yếu tôi chia sẻ để mọi người trao đổi về tình huống này chứ không bức xúc gì, thậm chí còn thấy vui vui", Hương bộc bạch. 

Nhiều ý kiến cho rằng, công ty đưa ra yêu cầu "anh đi xa quá", yêu cầu có phần vô duyên. Chưa kể việc phạt vào tiền thưởng Tết là điều không nên, sẽ làm nhân viên không hài lòng. 

Tuy nhiên, nhiều người cũng "ngả mũ" cho người nghĩ ra nổi ý tưởng rất lạ và cũng có phần thú vị, hay ho này. Nhiều người còn nói vui, xin tên công ty để xin vào làm việc. 

Trước giờ, hầu hết ở nhiều công ty, muốn dẫn thêm người đi dự tiệc có thể phải đóng thêm tiền. Còn ở đây, công ty còn bỏ tiền ra để đặt thêm chỗ cho nhân viên dẫn người đến dự cùng, ai không chịu dẫn thì bị phạt tiền. 

Có thể công ty muốn có thêm người dự tiệc cho đông vui, tạo điều kiện để người lao động với người thân, bạn bè gắn kết với nơi làm việc hơn. Ngoài công việc, công ty cũng quan tâm đến đời sống của nhân viên, tinh thần rất cởi mở. Muốn nhân viên giao lưu với bạn khác giới, mở rộng các mối quan hệ, nhất là với các nhân viên trẻ chưa có gia đình. 

"Tình huống này, nên nghĩ theo chiều hướng tích cực. Thật ra số tiền "phạt" không nhiều, công ty cũng không thu về mà để mọi người liên hoan. Rõ ràng ở đây hướng đến niềm vui nhiều hơn là vấn đề phạt này nọ", anh Lê Đức Trung, công tác tại một trường ĐH nêu quan điểm. 

Chị Lê Ngọc Bích, quản lý nhân sự tại một công ty nội thất ở Gò Vấp, TPHCM cho hay,  việc "phạt" vào tiền thưởng như trên của công ty không sai luật lao động. Theo luật, doanh nghiệp không được phạt, trừ vào tiền lương của người lao động thay việc xử lý kỷ luật. 

Tuy nhiên, căn cứ vào quy định tiền lương thì tiền thưởng không được tính là tiền lương được ghi trong hợp đồng lao động. 

Từ tình huống này, chị Bích cho biết, mình sẽ đề xuất lên ban giám đốc về ý tưởng nhân viên dẫn người khác phái đi dự tất niên cùng. Công ty chị cũng ít người, thêm người sẽ thêm vui, thêm gắn kết và đặc biệt nhiều nhân viên chưa có gia đình nên cần có thêm động lực để... thoát "ế". 

"Tuy nhiên, tôi sẽ điều chỉnh một chút, thay vì phạt nếu không dẫn người khác giới đi dự tất niên cùng sẽ đổi thành thưởng 300.000 đồng nếu dẫn người khác giới đi cùng", chị Bích bày tỏ. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm