Chị em công sở "cháy" ví, cạn tiền thưởng Tết vì... tiệc cuối năm

Hoài Nam

(Dân trí) - Tất niên, tiệc tùng cuối năm, nhiều chị em công sở cháy ví, cạn tiền vì chi cho quần áo, thời trang.

Tiền thưởng Tết không đủ sắm đồ đi tiệc 

Chuyện thời trang, váy áo luôn là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của chị em công sở. 

Đặc biệt vào dịp cuối năm, không phải chuyên môn mà chuyện váy áo là thứ quan trọng hơn bất cứ lúc nào với họ khi có nhiều chương trình tiệc tùng, lễ lạt... Bao nhiêu buổi tất niên, họp nhóm, họp lớp, gặp mặt.. là bấy nhiêu váy áo, giày dép họ phải chuẩn bị. 

Chị em công sở cháy ví, cạn tiền thưởng Tết vì... tiệc cuối năm - 1

Nữ nhân viên công sở đau đầu với thời trang tiệc tùng cuối năm (Ảnh minh họa)

Tiền đốt hết cho thời trang không phải là nói quá với rất nhiều nhân viên nữ. Cũng không thiếu tình trạng chị em mượn tiền, mua nợ để ăn diện. 

Dương Thu Trang, làm việc ở Gò Vấp, TPHCM thở dài cho biết, tiền thưởng Tết năm nay không đủ sắm để mình sắm váy áo tiệc tùng. 

Trang có một loạt chương trình tất niên ở công ty, ở phòng, rồi tổ chức tiệc tri ân đối tác, truyền thông, dự tiệc mời từ khách hàng, các sở ban ngành. Rồi họp nhóm, họp lớp, đồng hương cũng đang rậm rịch.

Rất hiếm khi Trang mặc lại đồ, mỗi buổi như vậy là một bộ đầm mới, phong cách mới. Chưa nói đến trang sức, nước hoa, giày dép, ví, túi xách, tiền trang điểm, làm tóc. Đi tiệc váy vóc lụa là xe máy không tiện, lại tốn thêm tiền taxi. 

Mới đây, Trang đặt may bộ đầm đỏ nổi bần bật để tất tiên đối tác giá 1,7 triệu đồng. Xác định, cây đỏ đó chỉ có thể mặc một lần nên sau lần "bóc tem", Trang đã ngỏ ý tặng hoặc thanh lý lại luôn. 

Chị em công sở cháy ví, cạn tiền thưởng Tết vì... tiệc cuối năm - 2

Nhiều người sắm đồ tiền triệu, mặt một lần rồi thôi (Ảnh minh họa)

"Ai làm phụ nữ, lại là phụ nữ công sở mới hiểu áp lực váy vóc này. Nhiều chị em gần như không thể mặc lại một bộ đầm nổi bật trong một dịp khác", Trang nói. 

Trưởng phòng quan hệ khách hàng của công ty, chị Trương Hoài Thanh, làm việc ở Q.2, TPHCM cũng "cháy ví" vì tiệc tùng cuối năm. 

Đi tiệc tùng vừa mệt, vừa sợ tăng cân mà tốn nhất là khoản tiền chi cho thời trang. Tháng lương vừa rồi của chị "đi đứt" hết vào váy áo, giày dép, đồng hồ. Mà vẫn chưa hết, giờ đến cuối năm, chị còn cả chục buổi tiệc đang chờ. 

 Đi mượn, thanh lý đồ 

 Trước áp lực về tài chính cũng như tránh lãng phí, nhiều nhân viên nữ tìm cách "vượt tiệc" cuối năm một cách ít tốn kém nhất. Có người chọn thanh lý lại đầm cũ để có thêm một khoản đầu tư cho đồ mới, đi mượn hoặc thuê đầm thay cho việc bỏ tiền ra mua hoặc dùng lại đồ cũ. 

Chị em công sở cháy ví, cạn tiền thưởng Tết vì... tiệc cuối năm - 3

Nguyễn Thu Quỳnh, nhân viên kế toán chia sẻ, trước đây cô chi rất mạnh tay cho thời trang tiệc tùng. Bộ đầm, đôi giày tiền triệu có khi xài đúng một lần rồi "đắp chiếu". 

Nhưng năm nay, công ty khó khăn, thu nhập giảm, tiền thưởng Tết đã có thông báo giảm buộc Quỳnh phải nhìn lại cách chi tiêu của mình. 

Quỳnh lôi ra thanh lý một số đồ đạc để gỡ gạc lại chút ít, chọn mua đồ mới với chi phí thấp hơn. Một số bộ, Quỳnh có thể phối cho khác đi một chút như thêm cái dây cột, khăn choàng, áo khoác... để mặc lại. 

Chính Quỳnh cũng hiểu, tự mình áp lực thôi, chứ người xung quanh mấy ai để ý mình mặc gì, có mặc lại hay không 

Quỳnh cũng nói thêm, việc thanh lý chủ yếu cho vui, dọn nhà cửa chứ mua thì cao, bán lại rất khó, chẳng được bao nhiêu. Có nhiều bộ đầm cô mua 2 - 3 triệu, thanh lý... 300 nghìn, chẳng ai thèm ngó. 

Chị Trương Hoài Thanh cho biết, nếu chị cứ mạnh tay chi vào quần áo, tiệc tùng như trước đây thì khả năng nhà chị mất tết khi thu nhập giảm, mà chi phí thứ gì cũng tăng. 

Mới đây, lần đầu tiên chị quyết định đi mượn đầm của một vài người bạn để dự tiệc. Trang sức, giày dép chị cũng dùng lại đồ cũ, hạn chế sắm thêm. 

Chị em công sở cháy ví, cạn tiền thưởng Tết vì... tiệc cuối năm - 4

Chị em đua nhau thanh lý đầm mới mặc một lần 

"Có thể sắp tới tôi sẽ tìm đến mấy nơi cho thuê đầm tiệc để thuê thay vì bỏ tiền mua. Mua về mặc lần rồi bỏ, rất lãng phí", chị Thanh bộc bạch. 

Tuy nhiên, chị Thanh cũng thừa nhận, có tiền đi mua, may vẫn cứ thích nhất, đẹp nhất. Chị dự định giờ chỉ đi thuê, đi mượn nhưng khổ nỗi, bệnh dân công sở vừa là mẹ bỉm sữa, lên mạng, thấy cái gì đẹp rất khó kiềm chế. 

Nhiều chị em công sở, thu nhập cao nhưng luôn trong tình trạng thiếu tiền, nợ nần vì sa vào mua sắm thời trang, chưng diện. Có người mất khả năng quản lý tài chính vì nghiện mua sắm online, trong đó chi mạnh nhất vẫn luôn là thời trang.  

Nói như Quỳnh, nhiều người, lương không đủ để trả tiền quần áo, váy vóc mà có khi đồ mua về cả năm còn chưa kịp gỡ tem. Chưa kể, nhiều mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, gia đình cũng xuất phát từ nguyên nhân nghiện mua sắm của chị em. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm