Lạ lùng bèo tây, trứng ung thành... đặc sản Hà Thành

(Dân trí) - Bong bóng cá, trứng ung, sâu tre rừng hay bèo tây… vốn là những thứ ít được sử dụng nhưng giờ lại được nhiều người tìm mua chế biến các món ăn trong gia đình. Trong đó, nhiều món có giá lên tới gần triệu đồng/kg, được ví như đặc sản “hiếm có, khó tìm”…

Nửa triệu một cân bong bóng cá

Trong số đó, ít ai ngờ bong bóng cá - một thành phần khi mổ cá người ta vẫn bỏ đi, hoặc gom về nấu cho lợn - giờ lại được dân sành ăn ở Hà Nội mua về chế biến thành những món khoái khẩu như bong bóng cá xào dưa chua, xào ớt,... Để có được 1kg bong bóng cá, nhiều người phải bỏ ra gần nửa triệu đồng và phải đặt hàng trước, mua gom mua vét khắp chợ mới có đủ.

Người dân săn lùng mua các loại bong bóng cá
Người dân săn lùng mua các loại bong bóng cá

Bà Nguyễn Thị Hiên, một mối chuyên bán cá tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận, đúng là bong bóng cá giờ được dân sành ăn ở Hà Nội săn mua từng chiếc một.

“Mỗi con cá chỉ có một chiếc bong bóng. Khách mua cá to thì lúc mổ thường yêu cầu giữ lại bong bóng cá, khách mua lẻ từng khúc một thì mới thừa ra. Tuy nhiên, mỗi ngày tôi chỉ bán được khoảng chục con cá to cắt khúc nên có tầm khoảng chục cái bóng cá dư ra, còn lại toàn bong bóng cá bé. Gom lại hết chắc cũng được 1-2 lạng là nhiều”, bà Hiên cho hay.

Món bong bóng cá được cho là món khoái khẩu của người Hà Nội mặc dù giá lên đến gần nửa triệu đồng/kg
Món bong bóng cá được cho là món khoái khẩu của người Hà Nội mặc dù giá lên đến gần nửa triệu đồng/kg

Theo bà Hiên, do là hàng hiếm, nhu cầu mua ăn lại nhiều nên món bong bóng cá tại chợ này đều được dân buôn gom lại, bán cho những mối quen đã đặt từ trước. Giá bóng cá từ 40.000-50.000 đồng/lạng, tùy bong bóng cá to hay nhỏ.

Bà Hiên cũng tiết lộ, nhiều mối quen khi thấy những bộ lòng cá trắm cũng đặt mua với mức giá 10.000 đồng/bộ để về xào ăn lẫn với bóng cá.

“Săn” trứng ung về… tầm bổ!

Theo khảo sát của PV, loại trứng ung hiện được rao bán trên các trang mạng xã hội khá nhiều, với những công dụng như: Ăn trứng ung cực nhiều chất dinh dưỡng, chữa bệnh đau đầu, rối loạn tiền đình, bồi bổ cho người già và trẻ em, chưa kể công dụng thần kỳ trong trong chuyện chăn gối,... Trong khi đó, mức giá bán lại rất rẻ, chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/chục.

Chị Hồng Nhung (Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội), một người bán trứng gà ung trên mạng, tiết lộ, trung bình mỗi ngày, chị bán được 400-500 quả trứng. Một tuần nay, số lượng trứng ung bán ra tăng lên gấp đôi, thậm chí nhiều lúc chị còn cháy hàng.

Một chủ hàng bán trứng ung trên mạng khá hút khách
Một chủ hàng bán trứng ung trên mạng khá "hút" khách

Chị Nhung bật mí, trứng gà ung được lấy từ lò ấp tại các trang trại trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Những quả trứng gà ấp sau 7 ngày không hình thành phôi, không thể nở thành con bị loại ra. Chị nhập về bán, tùy nhu cầu của khách mà luộc sẵn hoặc để nguyên.

Các đầu mối lấy số lượng buôn từ 800-1.000 đồng/quả rồi về bán buôn/bán lẻ lại ăn chênh lệch. Trứng đặc lòng, gần giống trứng gà ta, hai lòng vẫn rõ, thường sẽ có giá nhỉnh hơn, bảo quản trong vòng một tuần. Nhưng cũng có những người chỉ thích ăn trứng loãng lòng, đã có mùi ung vì vị lạ miệng của nó. Riêng loại này chỉ để được 1-2 ngày.

Trao đổi với PV, anh Trần Duy Tiến, chủ một trang trại gà ở Thường Tín (Hà Nội) cho biết, trứng gà ung là loại trứng gà đã bị hỏng trong quá trình ấp nở (trứng phế phẩm).

Khi ấp trứng trong lò được 1 tuần thì sẽ tiến hành soi, nếu có phôi thì giữ lại, còn không thì loại bỏ.

GS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay, trứng ung có hai trường hợp: trứng không có phôi, khi ấp nở sẽ bị ung; trứng có phôi nhưng trong quá trình ấp nở bị nhiễm khuẩn.

Cả hai trường hợp này trứng đều bị nhiễm khuẩn dẫn đến ung hỏng và sinh ra độc tố, sinh ra khí H2S không có lợi cho cơ thể.

Sâu tre nửa triệu/kg “cháy hàng”

Anh Lê Văn Thọ ở Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), một mối chuyên buôn bán các loại đặc sản vùng Tây Bắc, cho biết sâu tre gần giống với sâu chít. Song, sâu chít dân thường để ngâm rượu còn sâu tre mọi người thường mua về chế biến.

Sâu tre khá phổ biến ở vùng núi Sơn La hoặc khu vực Mường Lát (Thanh Hóa)
Sâu tre khá phổ biến ở vùng núi Sơn La hoặc khu vực Mường Lát (Thanh Hóa)

Theo anh Thọ, mùa sâu tre bắt đầu từ tháng 9, đến cuối tháng 10 là hết. Đây là thời điểm sâu tre sinh sôi nảy nở, sâu nhiều và béo nhất. Người dân ở những vùng núi như Sơn La, Mường Lát (Thanh Hoá) thường vào các khu rừng, tìm những cây tre, nứa có biểu hiện héo ngọn, đốt tre bị co rúm, ngắn lại khác thường thì chặt những đốt ấy ra, kiểu gì cũng thấy những con sâu tre màu trắng lúc nhúc bên trong.

Sâu tre có giá bán nửa triệu đồng/kg nhưng không phải lúc nào cũng có hàng
Sâu tre có giá bán nửa triệu đồng/kg nhưng không phải lúc nào cũng có hàng

Sâu này khá hiếm, không phải cây tre nào cũng có. Song, nếu tìm trúng đốt tre có sâu thì mỗi đốt có thể chứa đến nửa ký sâu.

Trước đây, sâu tre được bà con mang về làm thức ăn cho gia đình. Nhưng giờ nhu cầu mua sâu tre của người dân thành thị tăng lên, sâu tre được bán cho các nhà hàng, quán ăn làm món đặc sản khá nhiều.

Là món ăn đặc sản, chỉ khai thác được ngoài tự nhiên theo mùa nên sâu tre ở Hà Nội có giá tới nửa triệu đồng/kg, nhưng lượng hàng anh Thọ gom từ các mối quen vẫn không đủ để bán. Khách muốn mua phải đặt trước một tuần.

Đặc biệt, loại sâu này là hàng tươi sống, rất khó vận chuyển, không cẩn thận sâu sẽ chết nên khi có hàng, anh thường sang tay luôn cho khách đã đặt, đảm bảo sâu tới tay khách tươi ngon lại tránh bị hao hụt.

Theo các chuyên gia trong ngành, các loại côn trùng, sâu bọ, trong đó có sâu măng khi đã chết thường sinh ra độc tố hoặc trên cơ thể côn trùng có thể bị nhiễm nấm độc, có protein lạ... rất dễ gây dị ứng, ngộ độc cho con người khi ăn với những biểu hiện như mẩn ngứa, chóng mặt, buồn nôn... Vì vậy, cần cẩn trọng hơn khi ăn, tránh ăn những loại côn trùng lạ, màu sắc sặc sỡ.

Bèo tây cũng trở thành đặc sản Hà Thành!

Đối với người dân miền Bắc, xưa nay bèo tây chỉ là loài cây mọc dại, được dùng làm thức ăn cho động vật như lợn, gà, vịt hay để lọc sạch nước. Nhưng ngày nay các bà nội trợ lại săn tìm chúng như một loại rau sạch.

Những cây bèo tây được các bà nội trợ chế biến thành rất nhiều món: cọng non để ăn sống, nhúng lẩu, xào tỏi như rau muống; ngó để làm nộm, gỏi, dưa chua, xào thịt; hoa cũng có thể dùng để luộc, nấu canh… Tại nhiều nhà hàng, những món ăn từ bèo tây cũng đắt tiền không kém nhiều loại rau khác.

Béo tây vốn là loại cây khá phổ biến ở nông thôn tuy nhiên ít khi được sử dụng trong bữa ăn gia đình
Béo tây vốn là loại cây khá phổ biến ở nông thôn tuy nhiên ít khi được sử dụng trong bữa ăn gia đình

Chị Minh Hà (Ba Đình – Hà Nội), cứ cuối tuần về quê chị lại mang lên một bịch rau bèo tây non để cất tủ lạnh ăn dần. Theo lời chị Hà, bèo tây có vị ngọt thơm, cảm giác mát mát, dai giòn sần sật mà lại không sợ độc hại. Bởi loại rau này được sống trong những ao hồ sạch sẽ. Chưa kể, việc sơ chế chúng rất đơn giản.

Mỗi lần lấy bèo tây về ăn, chị chỉ cần cắt khúc ngắn tầm 10cm rồi ngâm qua nước muối pha loãng. Sau đó bóp cho ráo nước là có thể đem nấu canh chua, làm nộm hay xào với thịt lợn, thịt bò, tôm.

Thời gian gần đây, nhiều bà nội trợ ở Hà Nội thường tìm mua bèo tây về nấu canh chua hoặc xào với thịt lợn, bò...
Thời gian gần đây, nhiều bà nội trợ ở Hà Nội thường tìm mua bèo tây về nấu canh chua hoặc xào với thịt lợn, bò...

Theo Ths.BS Đặng Huyền Nga (Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội) cho biết: “Theo y học cổ truyền, bèo tây có tên gọi là lục bình, có vị nhạt, tính mát, có tác dụng chữa sưng tấy, viêm đau như sưng bắp chuối bẹn, tiêm bị áp xe, chín mé, sưng nách, viêm tinh hoàn, viêm khớp ngón tay, viêm hạch bạch huyết,...

Đây cũng là loại là loại chứa nhiều acid amin, giàu vitamin và các loại khoáng vi lượng khác. Tuy nhiên bèo tây lại có vị ngứa nên từ trước đến giờ ít ai ăn. Do vậy, các bà nội trợ cần sơ chế cẩn thận trước khi chế biến thành món ăn để tránh bị ngứa”.

H.T

(Tổng hợp)