Lá kiểng giá trăm triệu đồng, liệu có giống "cơn sốt" lan đột biến?
(Dân trí) - Sau khi tìm hiểu và biết được mức giá kiểng lá, nhiều người đặt ra nghi vấn, liệu kiểng lá có giống cơn sốt lan đột biến trước đây?
Năm năm trước, trào lưu chơi kiểng lá xuất hiện tại Việt Nam, phát triển mạnh trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mọi người dành thời gian ở nhà nhiều nên bắt đầu quan tâm không gian sống xung quanh.
Hành trình kiểng lá bắt đầu du nhập từ Thái Lan, Philippines, Ecuador (Nam Mỹ) về Việt Nam. Một số dòng cây kiểng lá phổ biến như Trầu Bà Lụa (Scindapsus Pictus Argyraeus); Cây Môn Nhung Đen (Alocasia Black Velvet); Trầu Bà Lá Xẻ Đột Biến (Monstera Borsigiana VariegataAlbo); Cây Đuôi Công Táo (Calathea Makoyana); Cây Trầu Bà Nhung Sọc Trắng (Syngonium Wendlandii); Cây Môn Quan Âm (Alocasia Amazonica)…
Những cây này thường được trồng trong nhà, văn phòng hoặc trong sân vườn nhằm làm đẹp không gian sống và cải thiện chất lượng không khí cũng như tâm trạng của người trồng.
Theo tìm hiểu, mức giá kiểng lá từ vài trăm nghìn đến vài trăm triệu đồng đối với những dòng đột biến, hiếm, số lượng ít ỏi hoặc nhân giống khó. Có những bộ sưu tập của những tay chơi lâu năm lên đến hàng tỷ đồng.
Nhiều người đặt ra nghi vấn, giá đắt đỏ của kiểng lá, liệu có giống cơn sốt của lan đột biến?
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Rau quả, Trưởng ban Hoa, cây cảnh, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho biết, hiện tượng thổi giá kiểng lá đã xuất hiện cách đây khoảng hơn một năm, (sau hiện tượng lan đột biến). Đây cũng là cách thức đẩy giá một số cây cảnh trang trí lên cao của một nhóm người kinh doanh.
Họ mong muốn giá những cây mà họ quảng cáo sẽ lên cao một cách bất thường (giống như như lan đột biến), tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của nó không lớn như hiện tượng lan đột biến.
Ngay khi có sự việc bất thường này, một số nhà báo, chuyên gia đã đưa ra nhận định và cảnh báo người sản xuất kinh doanh, người chơi không chạy theo vòng cuốn của cơn sốt này.
"Một vài người đã dùng mạng xã hội để lan truyền thông tin về giá trị rất cao của kiểng lá, nhưng trên thực tế hầu như không có giao dịch thực nào lên tới hàng tỷ đồng/cây kiểng lá, cũng như giá trị thực của cây kiểng lá không như đồn thổi", PGS.TS Đặng Văn Đông nói.
Theo vị chuyên gia, qua bài học của lan đột biến, người dân bắt đầu tỉnh táo và "không để bị mắc lừa". Ngoài ra, kiểng lá có những tính trạng bên ngoài giống như đột biến gens, chưa chắc đã phải là đột biến thực sự và việc nhân giống vô tính những cây này cũng không quá khó.
Ông Đông phân tích, về mặt khoa học, để xác định một dòng kiểng lá có đột biến gens hay không, phải xác định cấu trúc của bộ gene cây đó mới biết nó đột biến từ đâu.
Thông qua quan sát, người chơi chưa thể xác định một cây kiểng có đột biến hay không. Mặt khác, mặc dù nó lạ, hiếm ở Việt Nam, nhưng có thể đã được phổ biến tại một nước nào đó trên thế giới.
"Cây kiểng lá đẹp, độc đáo hiện nay trên thị trường cũng chỉ tăng 5 - 10 lần so với loại kiểng tương tự, tức là khoảng 1 vài triệu đến vài chục triệu đồng/chậu (trừ đó là loại bonsai, có nhiều năm tuổi). Tuy nhiên do cây kiểng có thể nhân bằng vô tính (giâm, chiết, ghép, nuôi cấy mô…) nên giá cây sẽ có xu hướng giảm, để về với giá trị thực của nó", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho hay.
Vị chuyên gia nói thêm, người chơi kiểng lá nói riêng, chơi các loại hoa, cây cảnh khác nói chung, cần tỉnh táo.
Đặc biệt những người muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nên cảnh giác, tìm hiểu kỹ hoặc tìm đến các chuyên gia/nhà vườn có kinh nghiệm nhờ tư vấn, làm rõ các vấn đề như, cây đó có thực sự quý hiếm hay không?
Cây đó có khó hay dễ nhân giống/ trồng chăm sóc không? Giá cả thị trường trong nước và quốc tế thế nào? Từ đó hãy bỏ số tiền lớn đầu tư để tránh những rủi ro không đáng có.