Lạ hơn tiểu thuyết: Ca ghép đầu đầu tiên của thế giới
(Dân trí) - Giữa lúc cuộc Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm vào những năm 1950, nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin đã chuyển mũi nhọn sang y học với mục đích dùng nó như một công cụ để cải tiến công nghệ và đưa Liên bang Xô viết vượt lên dẫn đầu phương Tây.
Bên ngoài thủ đô Moscow, Stalin cho thành lập những phòng thí nghiệm y học bí mật để khám phá và phát triển những khái niệm khoa học mới. Các nhà khoa học được khuyến khích thí nghiệm tự do nhằm tìm ra những bí mật để kéo dài cuộc sống.
Họ thực hiện rất nhiều thí nghiệm trên động vật. Các bộ phận nội tạng được lấy ra khỏi người chết và bảo quản bằng những máy móc hiện đại. Người ta giết các con chó sau đó làm chúng sống lại.
Chú chó 2 đầu - Thành quả của Nhà khoa học Vladimir Demikhov.
Tuy nhiên, nhà khoa học Vladimir Demikhov đã chứng minh được ông có thể biến điều viễn tưởng này thành sự thực bằng cách cấy ghép tim và phổi của một con chó sang một con chó khác. Những thí nghiệm của ông đã đặt nền móng cho thành công y học nghiên cứu về con người trong tương lai, nhưng công trình của ông không bao giờ được thế giới thừa nhận. Trước đó 16 năm, ông đã chuẩn bị cho ca ghép tim người đầu tiên.
Vào một đêm năm 1954, Demikhov tiến hành một thí nghiệm khiến cả thế giới kinh ngạc. Ông chọn 2 con chó - một to và một nhỏ, sau đó cùng đội bác sĩ phẫu thuật trên 2 con chó thâu đêm. Demikhov tiết lộ thành quả của mình vào sáng ngày hôm sau: Một con chó vẫn sống sau khi được ghép đầu.
Ông đã gắn đầu và phần thân trên của con chó con vào cổ của con chó lớn, rồi nối các mạch máu với khí quản. Nhờ thành quả này mà Demikhov được nhà nước Xô Viết tung hô nhiệt liệt. Bên kia chiến tuyến, thí nghiệm của ông đã thu hút sự quan tâm của một nhà khoa học Mỹ trẻ và đầy tham vọng: Robert White.
Robert White sinh năm 1926 tại bang Minnesota. Giống Demikhov, White đã từng tham gia Thế chiến thứ 2. Sau khi chiến tranh kết thúc, White học tại trường Havard với mong muốn trở thành một bác sĩ não khoa.
Đối với người Mỹ, trong lúc cuộc chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” thì sự xuất hiện thông tin về những con chó có 2 đầu ở Nga khiến họ khó có thể quay lưng được. Để bằng bạn bằng ta, họ bắt đầu khởi động chương trình nghiên cứu ghép đầu của chính mình.
Năm 1960, chính phủ Mỹ rất háo hức trong cuộc chạy đua y học với người Nga và họ đã giúp White lập một phòng thí nghiệm chuyên dụng tại bệnh viện County ở Cleveland (bang Ohio). White đặt quyết tâm biến nó trở thành trung tâm nghiên cứu não hàng đầu thế giới.
Tiếp bước người đã tạo cảm hứng cho mình, White đã thực hiện ca ghép đầu khỉ. Để giữ chiếc đầu khỉ hoạt động, dòng chảy của máu từ người của con khỉ B được truyền sang đầu của con khỉ A qua một hệ thống các ống nhựa. Khi đầu của khỉ A được gắn vào đầu của khỉ B, White nối các mạch máu với nhau nhưng bỏ qua dây cột sống vì không thể nối được các mạch thần kinh khi chúng đã bị vỡ.
Sơ đồ ca ghép đầu khỉ của nhà khoa học White.
Sau khi cuộc phẫu thuật kết thúc, chú khỉ tỉnh thuốc mê và có thể cử động các cơ mặt. Nó có thể ăn và cử động đầu. Dĩ nhiên, với dây cột sống bị cắt lìa, nó sẽ bị liệt từ cổ trở xuống nhưng về cơ bản thì cuộc phẫu thuật đã thành công.
Đàm Loan
Theo Mymultiplesclerosis