Kỹ năng cần thiết dạy trẻ nhỏ khi bị lạc

(Dân trí) - Phòng tránh trẻ lạc là một trong những bài học khởi đầu cần thiết ba mẹ cần sớm lưu tâm. Và điều tốt nhất bạn có thể làm là dạy con những kỹ năng an toàn khi đứng trước tình huống xấu này.

Vào những dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, các gia đình thường dành thời gian đưa trẻ nhỏ đến những khu vơi chơi, giải trí có nhiều hoạt động thú vị dành cho trẻ. Tuy nhiên, cũng chính tại những địa điểm phức tạp này sẽ tồn tại nhiều mối nguy hiểm mà các gia đình không lường trước, trong đó có việc lạc mất trẻ.

Trẻ bị lạc có rất nhiều nguyên nhân, có thể do sự lơ là mất cảnh giác của ba mẹ hay do bé bị cám dỗ nơi chốn đông người và lạc lúc nào không hay. Theo các chuyên gia tâm lý, ba mẹ nên dạy bé một số kỹ năng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng để bé biết cách tự bảo vệ mình.

Dạy trẻ bình tĩnh, đứng yên tại chỗ

Khi trẻ nhỏ bị lạc, theo bản năng, điều đầu tiên chúng làm là sẽ cố gắng đi tìm ba mẹ. Tuy nhiên, việc đi lại nhiều càng ba mẹ sẽ khó tìm thấy trẻ hơn. Vì vậy, trong bất kỳ tình huống nào, nguyên tắc đầu tiên phải dạy trẻ là đứng yên tại chỗ, đừng cố đi tìm bố mẹ.

Bạn cũng cần dạy con luyện tập hét thật to tên ba mẹ hoặc chỉ đơn giản là “Bố ơi!”, “Mẹ ơi!” vì như thế bố mẹ mới có thể nghe thấy và tìm bé được. Hãy trang bị cho trẻ những vật dụng có thể hỗ trợ cho trẻ khi bị lạc. Ví dụ cái còi để trẻ thổi lên hay cái cờ để đứng trên cao vẫy.

Ngoài ra, ba mẹ hãy giải thích cho bé hiểu rằng, lúc bị lạc, trẻ cần phải bình tĩnh, không khóc thét lên, kẻ xấu sẽ phát hiện có thể dụ dỗ, dẫn trẻ đi mất.


Trẻ nhỏ cần được trang bị những kỹ năng cần thiết khi bị lạc ba mẹ (Ảnh minh họa: Internet)

Trẻ nhỏ cần được trang bị những kỹ năng cần thiết khi bị lạc ba mẹ (Ảnh minh họa: Internet)

Ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ

Chuyên gia khuyên ba mẹ nên dạy bé ghi nhớ tên, địa chỉ nhà ở, số điện thoại của ba mẹ. Khi bị lạc, trẻ có thể liên lạc hoặc cung cấp thông tin cho mọi người, cơ quan chức năng để tìm được về với ba mẹ. Tuy nhiên, vì trí nhớ của trẻ nhỏ chưa được tốt nên bạn hãy cài vào ba lô, túi áo của con mảnh giấy ghi tên, địa chỉ, điện thoại của mình. Dặn trẻ giữ mảnh giấy này cẩn thận và hãy đưa cho người lớn để liên lạc gọi ba mẹ đến đón trẻ sớm.

Tìm sự giúp đỡ của người tin cậy

Nếu lạc ở trung tâm mua sắm hay khu vui chơi, sau khi đứng tại chỗ chờ một lúc lâu không thấy ba mẹ, trẻ hãy đến nói với bà mẹ có con nhỏ và xin giúp đỡ, bởi đây là sự lựa chọn an toàn nhất. Bên cạnh đó, trẻ có thể xin trợ giúp từ chú bảo vệ hoặc cô bán hàng để thông báo lên loa. Ba mẹ hãy dạy con biết đến những nơi an toàn hay những người đáng tin tránh nguy cơ trẻ gặp phải người có ý đồ xấu và chuyển trở ngại lạc đường thành rủi ro lớn như bị bắt cóc.


Hãy dạy trẻ biết tìm sự giúp đỡ của người tin cậy khi bị lạc (Ảnh minh họa: Internet)

Hãy dạy trẻ biết tìm sự giúp đỡ của người tin cậy khi bị lạc (Ảnh minh họa: Internet)

Dạy trẻ cách đối phó với người lạ

Hiện nay có rất nhiều trường hợp giả làm người quen của ba mẹ để bắt cóc hoặc có những hành vi xấu với trẻ. Vì vậy, để tránh trường hợp trẻ bị dụ dỗ, phụ huynh cần dạy con không được tiếp xúc và tin lời người lạ.

Để trẻ hiểu rõ hơn vấn đề, ba mẹ có thể đóng giả định một số tình huống khác nhau hoặc lồng ghép vào những câu chuyện để bé dễ hình dung ra khi gặp người lạ. Điều này giúp cho trẻ biết cách phản ứng và hành động đúng nhất. Giới hạn cho trẻ những người mà trẻ có thể tin tưởng như ba, mẹ, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột của trẻ. Ngoài ra, không đi theo hoặc nghe lời của bất cứ ai khác, kể cả người nhận là bạn của ba mẹ, thậm chí biết cả tên bố mẹ.

Về phần bố mẹ

Khi đi cùng trẻ tới những nơi công cộng hay đông người, ba mẹ hãy cố gắng giữ trẻ ở trong tầm quan sát của mình. Trường hợp trẻ bị lạc, ba mẹ cần bình tĩnh tránh hoảng loạn khiến tâm trí phân tâm, không đưa ra được nhanh quyết định sáng suốt. Sau khi tìm được trẻ, mau chóng lấy lại thăng bằng cho trẻ bởi ít nhiều trẻ cũng sang chấn tâm lý như stress, khủng hoảng, ám ảnh. Tuyệt đối không trách móc hay mắng nhiếc trẻ vì trẻ bị lạc không phải là tội lỗi.

Nhữ Trang