Kỳ lạ rắn bạch tạng “mắt đỏ” dài 2m, để chơi không bán của dân chơi Ninh Bình
(Dân trí) - Sở hữu con rắn toàn thân màu trắng, mắt và lưỡi màu đỏ, dài hơn 2m, nặng hơn 2kg được nhiều đại gia hỏi mua và trả giá 100 triệu đồng nhưng anh Phạm Văn Điệp ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) vẫn chưa muốn bán.
Thời gian gần đây, thú chơi động vật đột biến bạch tạng được nhiều người ưa chuộng, tìm mua. Chính vì thế, nhiều chú chim chào mào, rắn, gà… bạch tạng được săn lùng, trả giá lên tới hàng trăm triệu…
Gà 9 cựa đột biến gen trắng muốt “hiếm có bậc nhất” giá 5 triệu/ con
Anh Nguyễn Văn Phương (xã An Lâm, huyện Nam Sách, Hải Dương) hiện sở hữu trang trại sinh vật cảnh rộng hàng nghìn m2 với nhiều loài quý hiếm như: chim công, chim trĩ 7 màu, chim trĩ hoàng đế…
Nổi bật trong số đó là đàn gà 9 cựa đột biến gen với khoảng 30 con được anh kiên trì nhân giống trong nhiều năm. Theo đó, đàn gà có lông màu trắng muốt hay còn gọi là gà bạch tạng, chân có từ 7 – 8 cựa độc đáo. Hiện trên thị trường, chỉ duy nhất có gia đình anh Nguyễn Văn Phương là nhân giống và sở hữu loại gà 9 cựa đột biến này.
Chủ trang trại này cho biết, cách đây 3 năm, vào khoảng năm 2014 vì yêu thích, đam mê giống gà 9 cựa, anh một mình lặn lội lên tận bản Cỏi (Xuân Sơn, Phú Thọ) để lùng mua những con gà thuần chủng về nhân giống. Thời gian đầu, gà sinh sản bình thường tuy nhiên, sau đó anh vô tình phát hiện một lứa gà con có màu lông đột biến trắng tinh, trông rất đẹp mắt.
Hiện tại, sau ba năm nhân giống từ số lượng ban đầu ít ỏi, đến nay anh Phương đã có trong tay đàn gà đột biến gen lên tới 30 con. Do có hình dáng độc đáo và màu lông khác biệt nên khá nhiều dân chơi sinh vật cảnh ngỏ lời mua đứt với giá cao nhưng anh chưa đồng ý bán mà muốn để lại gây giống. Chủ trang trại này dự tính trong năm nay sẽ đưa ra thị trường một số con gà đột biến với giá vào khoảng 5 triệu đồng/con trưởng thành và 1 triệu đồng/gà con.
Rắn hổ mèo bạch tạng quý hiếm “trả 150 triệu không bán”
Anh Phạm Văn Điệp (SN 1984, Ninh Bình) cho biết, con rắn bạch tạng độc đáo này thuộc loại rắn hổ mèo, hay còn gọi là rắn long thừa, rắn hổ vện, rắn ráo trâu. Khác với các con rắn khác, toàn thân rắn có màu trắng bạch tạng độc đáo, lưỡi và mắt có màu đỏ tươi. Con rắn có chiều dài 2m với trọng lượng trên 2kg.
Cách đây 4 năm, vào năm 2013, khi đi kiểm tra trại rắn, anh Điệp bất ngờ phát hiện một con rắn con mới nở có màu trắng bạch tạng hiếm có. Ngay sau đó, anh Điệp tiến hành tách đàn và chăm sóc theo chế độ riêng. Ngoại trừ màu sắc bên ngoài khác biệt, con rắn sinh trưởng và phát triển bình thường giống như các con khác trong đàn.
Cũng theo anh Điệp, anh mở trại rắn từ năm 2008, nhưng đây là lần đầu tiên bắt gặp trường hợp rắn đột biến với màu sắc độc đáo như vậy.
Được biết, từ khi trại rắn của anh Điệp xuất hiện rắn bạch tạng, khá nhiều đoàn khách ở khắp mọi nơi tìm đến chụp ảnh, chiêm ngưỡng. Trong đó, một thương lái Trung Quốc đã trả giá 150 triệu để mua đứt con rắn quý hiếm này song anh Điệp chưa đồng ý bán.
Chào mào bạch tạng giá 300 triệu của ông "vua chim màu Việt Nam
Trong giới chơi sinh vật cảnh ở Việt Nam, Chương Tailor không phải là một cái tên xa lạ. Vị đại gia trong ngành thời trang nổi tiếng với bộ sưu tập chim cảnh quý lên tới 62 con với tổng giá trị vào khoảng 10 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong số này nhiều con chim hoàng khuyên, chào mào, chích choè than bạch, chích choè lửa bông kiếm trắng, họa mi bạch tạng, chim rẽ quạt bạch tạng… được xem là “độc nhất vô nhị”, ở Việt Nam chỉ mình anh có.
Trong số này, nổi tiếng nhất là “nữ hoàng” chào mào từng gây xôn xao dư luận bởi vẻ đẹp và giọng hót hay thi đấu dàn rất hay.
Theo đó, “nữ hoàng” sở hữu một bộ lông trắng từ đầu đến vai, chân hồng mỏ hồng vô cùng ấn tượng “Bình thường săn được một chú chim bạch tạng đã khó, để tìm được một chú chim như “nữ hoàng” thì phải có duyên lắm. Thông thường, nếu bị đột biến gien dạng này (bạch tạng), toàn bộ lông của chim sẽ trắng hết. Nhưng chỉ trắng riêng phần đầu không thì rất đẹp và hiếm "kịch độc", anh Chương nói. Được biết, giá của chú chào mào bạch tạng này cũng không dưới 300 triệu.
Thú chơi "bạch xà" kiểng khác người ở Cà Mau
Anh Trần Trung Kiên ngụ tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau có một thú chơi khác người: chơi trăn kiểng. Ngoài giờ làm, về đến nhà là anh lao vào chăm sóc đàn “bạch xà”, hay còn gọi là trăn trắng, trăn đột biến.
Năm 2012, anh Kiên mua hai con trăn màu vàng từ một người cậu ruột. Bất ngờ, sau hai năm chăm sóc cặp trăn vàng này đã sinh sản ra 11 con trăn đột biến màu trắng. Nhận thấy công việc bận rộn, không thể chăm sóc cho đàn trăn đột biến này nên anh Kiên đã quyết định bán lại hết cho một thương lái từ TP.HCM với giá 6 triệu đồng/con.
Đến năm 2016, cặp trăn vàng bố mẹ lại tiếp tục sinh sản đợt 2 và cho ra 9 con trăn đột biến màu trắng. Lần này, anh Kiên quyết không bán mà giữ lại để các anh em trong gia đình chăm sóc. Đến nay, 9 con trăn này đã đạt trọng lượng khoảng 10 kg.
Anh Kiên cho biết thêm, đối với loại trăn đột biến giá trị của nó nằm ở hoa văn, màu sắc, lạ mắt hơn so với trọng lượng cơ thể. Trăn gấm đột biến mới nở sẽ có giá 6-7 triệu đồng/con; trăn đột biến có trọng lượng từ 4-5kg là trên 10 triệu đồng; trên 15kg là 20-30 triệu đồng, còn nếu là trăn bạch sẽ có giá khoảng từ 25–40 triệu đồng/con.
Lí giải vì sao trăn đột biến lại có giá cao như vậy, nhiều hộ nuôi và thương lái thu mua trăn cho biết trăn đột biến có giá cao bởi thị trường của loài vật này chủ yếu là nước ngoài và người nuôi chơi kiểng nên rất được ưa chuộng, trong khi đó mặt hàng này trong nước lại rất hiếm.
Hiệp Nguyễn
Tổng hợp