Kỳ lạ ngôi làng ở Hà Nội cả phụ nữ, trẻ em đều “nghiện” ăn thịt chuột
(Dân trí) - Ở Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) hầu như từ người già đến người trẻ, đàn ông, phụ nữ đều xem thịt chuột đồng là món ăn khoái khẩu.
Hàng năm cứ vào tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, người dân xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội lại vào mùa đi “săn” chuột đồng. Đây cũng là thời điểm vụ mùa mới thu hoạch xong, chuột béo và đặm thịt nhất.
Chuột sau khi được bắt về, sẽ được người dân làm sạch, thui rơm vàng sau đó mang chợ bán. Canh Nậu cũng là một trong số ít nơi ở Hà Nội có khu chợ chuột độc đáo. Chợ bắt đầu họp từ lúc 4h chiều và kết thúc vào lúc sẩm tối. Tại đây, các con chuột thui rơm, béo vàng được bày bán la liệt, xếp đều tăm tắp trên các mẹt cho khách lựa chọn.
So với mọi năm, giá chuột đồng năm nay không có nhiều biến động, trong đó 1kg chuột có giá dao động từ 100-120 nghìn đồng/kg.
Bà Sản, một người bán thịt chuột nhiều năm ở Canh Nậu cho biết, ban đầu việc bắt chuột chủ yếu để bảo vệ mùa màng. Về sau, người dân chế biến ra nhiều món ăn, thịt chuột trở thành đặc sản, được nhiều người ưa chuộng vì thế phong trào săn chuột cũng trở nên rầm rộ. Ở Canh Nậu có những đội săn chuột chuyên nghiệp, vào mùa có thể bắt được cả tạ chuột mỗi ngày.
“Không ai biết nghề săn chuột có từ khi nào, chỉ nhớ chợ Canh Nậu có những hàng đã bày bán thịt chuột hàng chục năm qua”, bà Sản nói.
Theo bà Sản, khác với chuột cống, chuột đồng là những con có thân mình tròn, nhỏ không có mùi hôi trong đó ngon nhất là những con 2-3 lạng. Trung bình mỗi ngày bà Sản bán từ 20-30kg thịt chuột, cao điểm có thể lên tới gần tạ chuột.
Quy trình chế biến chuột rất đơn giản, chuột được đưa về, người dân sơ chế chuột bằng cách nhúng qua nước sôi từ 70-80 độ C, sau đó vặt lông, mổ sạch bụng và thui rơm vàng.
“Chuột đồng khi chế biến các món ăn có vị ngọt, thơm và béo ngậy rất đưa cơm. Ở Canh Nậu hầu như từ người già đến người trẻ, đàn ông đến phụ nữ đều xem thịt chuột là món ăn khoái khẩu”, bà Sản nói.
Vừa thoăn thoắt sơ chế thịt chuột cho khách, bà Hương, một tiểu thương bán thịt chuột ở Canh Nậu cũng cho biết, mỗi ngày bà bán khoảng 20kg thịt chuột và chỉ bán 2 tiếng là hết hàng. Nhiều hôm khách đông, lượng tiêu thụ nhiều, không có chuột để cung cấp.
“Hiện nay, trên những cánh đồng quanh khu vực trong làng rất khó tìm được chuột để bắt, nên những nhóm thợ săn phải lặn lội sang các khu vực lân cận như Quốc Oai, Thanh Oai… để tìm hàng. Chính vì thế, so với vài năm trước, giá chuột cũng đắt đỏ hơn nhiều”, bà Hương nói.
Theo tiểu thương này, khách mua thịt chuột ngoài người dân Canh Nậu còn có nhiều thực khách ở các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Hải Dương… cũng tìm đến mua hàng. Chuột có thể chế biến thành nhiều món như: thịt chuột xào xả ớt, chuột luộc, hấp, quay… nhưng ngon và dễ chế biến là món thịt chuột nấu giả cầy. Những miếng thịt chuột được chặt thành từng khúc nhỏ, ướp riềng, mẻ, mắm tôm. Khi ăn có vị thơm, béo ngậy, ngọt đậm đà rất đặc trưng.
“Nhiều khách chưa ăn thịt chuột bao giờ nên nhìn thấy là kinh sợ chứ đã ăn rồi là nghiện. Ở Canh Nậu, chuột được xem là món ăn đặc sản, giá đắt hơn cả thịt lợn, thịt gà… Chỉ có những gia đình điều kiện mới được thưởng thức thường xuyên. Trong làng, nhà nào có cỗ bàn, mở tiệc thịt chuột thì phải là những gia đình giàu có, đại gia”, bà Hoa nói.
Vừa chọn mua 1kg thịt chuột về chế biến bữa ăn chiều, chị Minh, người dân xã Canh Nậu cho biết, gia đình chị ai cũng thịt ăn món chuột hấp lá chanh nên vào mùa tuần nào cũng cũng phải mua vài kg. Kinh nghiệm của chị là chọn những con vừa tầm, từ 2-3 lạng, mình tròn đầu nhỏ ăn vừa mềm vừa không bị ngán.
“Thịt chuột ăn thơm, béo ngậy rất ngon mà dễ chế biến. Thỉnh thoảng có thời gian, hai vợ chồng cũng rủ nhau ra đồng săn chuột nhưng đợt này vào mùa bận rộn nên ra chợ mua cho nhanh”, chị Minh nói.
Hà Trang - Trọng Trinh