Khánh Hòa:
Kỳ lạ nghề moi ruột cây tìm “vàng” ở xứ trầm hương
(Dân trí) - Từ thân cây dó bầu, dân “soi trầm” sẽ phá xác, gọt bỏ phần thân và chỉ lấy phần lõi có trầm hương bên trong. Không ít người ở xứ trầm Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã nhanh chóng phất lên thành “đại gia xứ trầm” nhờ nghề này.
Trầm hương có từ đâu?
Những ngày nửa sau tháng 3, người dân xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nhộn nhịp đổ về bãi đất trống ở gần trung tâm xã để mua cây dó bầu - loại cây duy nhất cho trầm hương.
Đây là những cây dó bầu được chở từ Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) vào “xứ trầm” bán. Những cây dó bầu tựa như cây cao su, dài hàng chục mét, đường kính gốc thường chừng một gang tay.
Sở dĩ người dân mua cây dó bầu bởi vì bên trong cây có trầm hương. Khi cây dó bầu được khoảng 10 năm tuổi, người ta sẽ tạo vết thương trên thân cây như đục, khoan, chém... Tiếp đó, người ta sẽ bôi một loại dung dịch đặc biệt lên "vết thương", trong đó có 2 thứ không thể thiếu là nước mưa và gỉ sắt để giúp cây nhanh chữa lành vết thương, tạo trầm.
Sau khoảng 2 năm tạo trầm thì cây dó bầu sẽ được cắt bán, có khi lên tới chục cây với giá 2-3 triệu đồng. Tuy nhiên, có những cây dó bầu có nhiều trầm thì giá có khi lên đến vài chục triệu đồng mỗi cây.
Theo ông N.V.T, một chủ lò trầm ở xã Vạn Thắng, trung bình 2-3 ngày sẽ có một xe tải chở 40-50 tấn cây dó bầu từ Hà Tĩnh vào xã này bán. Sở dĩ phải mua cây dó bầu từ tỉnh bạn bởi do nhu cầu nguồn hàng lớn và muốn tìm thêm sự đa dạng cho sản phẩm trầm hương.
“Cây dó bầu ở Phúc Trạch được đánh giá có nhiều trầm nên bà con ở đây ai cũng muốn mua. Điều đặc biệt, nhiều cây dó bầu ở vùng này được trồng lên và tạo trầm tự nhiên do sâu bọ đục khoét, chứ không phải do con người tác động. Cây dó bầu được trồng rải rác ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và nhiều vùng ở Tây Nguyên, còn tại Khánh Hòa thì trồng ở miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh”, ông T. cho biết.
Moi ruột cây tìm “vàng”
Nhiều năm trước, người dân ở xứ trầm Vạn Ninh (Khánh Hòa) thường băng rừng lội suối, tìm về các vùng rừng núi âm u ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để tìm kiếm trầm kỳ, tức là trầm hương và kỳ nam. Nếu chuyến đi trúng trầm hương, người ta có thể đổi đời, kiếm tiền tỷ.
Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn trúng trầm kỳ, thậm chí có người phải bỏ mạng vì bị thú rừng, rắn, rết… tấn công. Sự khắc nghiệt của nghề này khiến nhiều phu trầm ở Vạn Ninh phải từ bỏ nghề tìm trầm. Thay vào đó, vài năm trở lại đây, phu trầm chuyển sang nghề “soi trầm”, tức là động tác gọt bỏ phần thân cây dó bầu để lấy phần lõi trầm đem bán.
Theo người dân xã Vạn Thắng, hiện mỗi kg trầm sau gia công đạt mức thấp nhất 500.000 đồng/kg, cao nhất lên tới 14 triệu đồng/kg. “Các hộ soi trầm có khi lãi một tháng 20-30 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn nhưng cũng có không ít chủ lò lâm phải cảnh thua lỗ do chọn trật cây dó bầu, soi ra ít có trầm”, một chủ lò tên T. tâm sự. Nhiều chủ lò trầm tiết lộ rằng, muốn thành công trong nghề “soi trầm” thì nhất định phải có một ít kiến thức về trầm hương.
Được biết, hiện trên địa bàn huyện Vạn Ninh có hàng chục lò “soi trầm” nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Vạn Thắng, Vạn Bình, Vạn Long… Mỗi lò “soi trầm” có trung bình từ 5-10 lao động, mỗi lao động “soi trầm” được trả 200.000-250.000 đồng/ngày. Tại “xứ trầm” Vạn Ninh, nhiều người dân địa phương đã đứng ra thu mua trầm hương thương phẩm và chuyển đi bán lại cho thương lái TP HCM trước khi nhập sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
Hình ảnh nghề moi ruột cây tìm “vàng” ở xứ trầm hương Vạn Ninh (Khánh Hòa), ghi nhận ngày 22/3:
Thủy Nguyên