Quảng Trị:

Kiến trúc sư trẻ bỏ thành phố về quê… nuôi vịt biển

(Dân trí) - Tốt nghiệp trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, có công việc và thu nhập khá, nhưng chàng kiến trúc sư trẻ đã quyết định tạm gác lại nghề mơ ước để về quê mở trang trại chăn nuôi, tạo việc làm cho mình và nhiều người khác.

Bỏ công việc ở thành phố về lập trại chăn nuôi

Về thăm làng biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi luôn nghe những lời trầm trồ, thán phục của người dân nơi đây về chàng trai Nguyễn Hữu Giáp (29 tuổi, trú tại thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh). Anh cũng là Bí thư chi đoàn trẻ tuổi, năng động được đoàn viên tín nhiệm.

Người dân tại làng chài nghèo khó này luôn ngợi khen về nghị lực không khuất phục gian khó của chàng trai trẻ dám từ bỏ công việc ở thành phố, với nguồn thu nhập đáng kể để trở về quê hương gắn bó với vật nuôi, quyết tâm làm giàu trên đồi cát bỏng của xã biển bãi ngang.

Nguyễn Hữu Giáp chăm sóc cho đàn lợn rừng
Nguyễn Hữu Giáp chăm sóc cho đàn lợn rừng

Điều đặc biệt ở Nguyễn Hữu Giáp là anh mở đầu xây dựng sự nghiệp ngay trong thời điểm các tỉnh miền Trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển. Người dân vùng biển bãi ngang nơi Giáp sinh sống rơi vào khó khăn hơn khi các loài hải sản gần bờ bị chết, mọi hoạt động đánh bắt đều bị đình trệ. Hơn nữa, Giáp là kiến trúc sư lĩnh vực Kiến trúc đô thị, một ngành không liên quan gì đến nông nghiệp.

Giáp cho biết, anh ra trường năm 2013, lưu lại ở TP Hồ Chí Minh được 1 năm, sống bằng nghề kiến trúc anh đã được đào tạo. Thời điểm đó, thu nhập của anh cũng được 10-15triệu/tháng.

Thế nhưng, anh là đứa con duy nhất và cũng đã có vợ con ở quê, hoàn cảnh không cho phép anh ở thành phố. Vậy là một lần nữa anh buộc phải đưa ra quyết định hệ trọng của cuộc đời là về quê với gia đình.

Trở về quê, anh muốn tạo dựng nên sự nghiệp riêng, muốn làm giàu ngay trên mảnh đất anh sinh ra và lớn lên. Trong con người Giáp luôn chứa đựng khát vọng tự lập thân, lập nghiệp, đi lên bằng chính đôi chân của mình, chấp nhận mọi khó khăn.

Cuối tháng 4/2016, thảm họa môi trường biển ập đến. Làng chài Tân Mạch, xã Vĩnh Thái nói riêng và người dân miền biển các tỉnh miền Trung đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngư dân treo lưới, xếp thuyền hàng tháng trời không đánh bắt. Nguồn thu nhập bị giảm sút, đời sống dần rơi vào khó khăn.

Loài vịt biển thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên, khí hậu của vùng biển Quảng Trị
Loài vịt biển thích ứng tốt với điều kiện tự nhiên, khí hậu của vùng biển Quảng Trị

Trong tình cảnh ấy, Giáp bỗng nảy ra một ý tưởng sinh kế lâu dài về một trang trại chăn nuôi trên cát. Ban đầu, ý tưởng anh đưa ra đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người thân và bạn bè, nhưng anh vẫn âm thầm vay tiền bên ngoài, cùng số vốn hai vợ chồng tích lũy bấy lâu để lập nghiệp. Trước quyết tâm của anh, gia đình cũng đã đồng thuận hỗ trợ anh về tài chính đề anh thực hiện khát vọng tìm kiếm kế sinh nhai, làm giàu trên miền cát.

Khi lập trang trại chăn nuôi vào tháng 5/2016, Giáp đã mò mẫm thử nghiệm với nhiều loài vật nuôi. Giáp tận dụng triệt để diện tích trang trại tới 4 ha giữa một trảng cát khá bằng phẳng, sát bờ biển. Bước đầu anh thử sức với dê nhưng sớm nhận ra đây là loài không thích nghi với vùng đất cằn khô quê mình.

Anh tiếp tục tìm tới lợn rừng và cũng nghiệm được rằng dù loài này có nhiều ưu điểm nhưng vốn bỏ ra nhiều, thị trường tiêu thụ bấp bênh và mất nhiều thời gian chăm sóc. Tiếp đến là loài nhím, dù được đánh giá là mang lại hiệu quả cao, dễ nuôi nhưng Giáp cũng không chọn loại vật nuôi này để phát triển.

Mang vịt biển về nhân rộng trên vùng quê nghèo

Khi đã có trong tay đàn dê 35 con, đàn lợn rừng 150 con, mang lại nguồn thu nhập khá, nhưng Giáp muốn tạo ra nét khác biệt, riêng có của vùng. Tình cờ xem chương trình thời sự, Giáp đã nghe thấy và “bén duyên” với loài vịt biển. Đây là loại gia cầm mà Giáp cho rằng rất phù hợp để nuôi thành đàn ở vùng biển bãi ngang.

Bản thân Giáp thầm nghĩ, loại vịt này nuôi được ở miền Bắc, miền Nam và đặc biệt là các đảo trong cả nước, còn miền Trung vẫn còn ít mô hình thì chắc chắn sẽ nuôi được ở vùng ven biển quê mình.

Sau 2 lứa vịt biển đã mang lại cho Giáp lợi nhuận gần 100 triệu đồng
Sau 2 lứa vịt biển đã mang lại cho Giáp lợi nhuận gần 100 triệu đồng

Theo anh Giáp, qua tìm hiểu, anh biết vịt biển là loại có sức đề kháng tốt, có thể ăn được đồ đạm (là cá tươi, các phể phẩm hải sản ở vùng biển, các tạp chất trong nước biển…) mà không bị đau bụng như vịt thường và cũng có thể uống được nước biển. Loài vịt này cũng chỉ nuôi trong 8 tuần là có thể xuất bán với cân nặng trên dưới 2,7 kg/con và giá bán tầm 45.000 đồng/kg.

Mang ý tưởng về nuôi vịt biển đi trình bày tại buổi tư vấn “Chuyển đổi nghề nghiệp trong thanh niên miền biển” do Huyện đoàn Vĩnh Linh tổ chức, Giáp đã thuyết phục được Ban tổ chức và ngành chức năng “đầu tư” cho mình. “Thông qua cầu nối của Huyện đoàn, Phòng NN-PTNT đã đầu tư cho tôi vịt biển giống, trong khi Ngân hàng CSXH cho vay gần 100 triệu để… khởi nghiệp với lãi suất ưu đãi nhất”, Giáp cho biết.

Tháng 2/2017, 2.000 con vịt đầu tiên được nuôi trên vùng biển. Đây cũng là lần đầu tiên mô hình vịt biển xuất hiện tại Quảng Trị. Sau hơn 2 tháng nuôi lứa vịt biển đầu tiên, các tiểu thương miền Bắc đã về mua hết, một phần anh để lại phân phối ở thị trường Quảng Trị.

Anh Giáp cho hay, chu kỳ nuôi của vịt biển kéo dài nhiều lắm khoảng 2,5 tháng. Sau khi trừ chi phí, cứ 1.000 con anh thu lãi gần 40 triệu đồng.

Vịt biển được nuôi trong khoảng 2,5 tháng là xuất bán. Đây là loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Vịt biển được nuôi trong khoảng 2,5 tháng là xuất bán. Đây là loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao

Với lợi nhuận ấy, anh có thêm động lực để nuôi tiếp lứa thứ 2 với 500 con và cũng thu lãi hơn 20 triệu đồng. Nhờ vậy, Giáp đã tạo thêm công việc cho một số người dân địa phương với nguồn thu nhập ổn định. Hiện anh đang nuôi thêm khoảng 1.500 con chia làm 3 đợt.

Nhiều cá nhân, tập thể cũng sống ở miền biển đến tham quan học hỏi mô hình chăn nuôi của Giáp và anh đang nuôi ý định xây dựng chuỗi liên kết. Giáp sẽ làm cầu nối mua giống và sẽ tiêu thụ nguồn sản phẩm với điều kiện tuân thủ kỹ thuật, quy trình nuôi do anh đưa ra.

Giáp cho rằng, mục tiêu anh hướng đến trong tương lai là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm vịt biển, như có thể đưa vào siêu thị hoặc mở đại lý phân phối chứ không dừng lại việc bán nhỏ lẻ như hiện nay.

Giáp luôn mong muốn xây dựng thương hiệu riêng cho vịt biển và đầu tư chuyên sâu vào đó. Anh ao ước có một ngày khi người ta nhắc đến Vĩnh Thái, Quảng Trị là nhớ đến vịt biển, đó cũng là loại vật nuôi, sản phẩm đặc trưng.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm