Quảng Nam:

Kiếm tiền triệu mỗi ngày từ nghề khai thác rong mơ

(Dân trí) - Nghề “săn” rong mơ đã có ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) từ mấy chục năm nay, mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Vào thời gian này, đa số những người dân làm biển tại đây đều sử dụng thuyền đi hái rong mơ thay vì đánh bắt cá tôm. Chuyến đi hái rong thường kéo dài từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Sau khi rong đầy thuyền, ngư dân sẽ kéo vào bờ rồi phơi khô, chờ thương lái đến thu mua.

Ngư dân phơi rong biển
Ngư dân phơi rong biển

Vùng biển rong mơ phát triển thường cách bờ khoảng 2 hải lý. Theo người dân cho biết, thường thì mùa hái rong mơ sẽ bắt đầu từ giữa tháng 5 đến gần giữa tháng 6 thì hết. Nhưng mùa rong mơ năm nay bắt đầu muộn, nên đến đầu tháng 6 mới có. Tuy muộn, nhưng sản lượng rong mơ nhiều hơn so với mọi năm đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Rong mơ phải phơi dưới trời nắng to mới đều và đẹp
Rong mơ phải phơi dưới trời nắng to mới đều và đẹp

Mồ hôi nhễ nhại, tay thoăn thoắt liên tục đảo rong dưới cái nắng chói chang, bà Nguyễn Thị Huệ (thôn Thuận An, Tam Hải, Núi Thành) cho biết: “Mùa này hải sản rất ít, mà ghe thuyền của chúng tôi đều là thuyền nhỏ nên nếu đánh bắt cá cũng chẳng được bao. Vì vậy, đa số người dân ở đây đều dựa vào việc khai thác rong mơ kiếm sống. Sau khi phơi khô, rong sẽ được thương lái thu mua với giá 6 ngàn/kg và xuất ra nước ngoài. Mỗi chuyến hái rong mơ hai vợ chồng kiếm được khoảng 1 triệu đồng”.

Nghề khai thác rong mơ đã mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình
Nghề khai thác rong mơ đã mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình

Độ sâu rong phát triển thường từ 3m trở lên, ngư dân phải lặn xuống đáy biển nhổ từng cụm rể rồi thả cho rong nổi tự nhiên trên mặt nước.

Chính vì vậy, mỗi thuyền hành nghề hái rong phải có từ hai lao động, thường là những người thân trong gia đình. Một người lặn xuống hái, một người chèo thuyền thúng đi theo sau vớt lên trước khi rong bị trôi xa theo dòng nước.

Nghề hái rong mơ cũng mang lại thu nhập khá cho nhiều ngư dân
Nghề hái rong mơ cũng mang lại thu nhập khá cho nhiều ngư dân

Ngư dân Trần Minh (xã Tam Hải, Núi Thành) trước đây hành nghề đánh cá gần bờ. Khoảng gần 1 tháng nay ông cùng con trai chỉ ra biển hái rong mơ làm thu nhập chính. Lao động từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, ngày nhiều nhất cha con ông vớt được gần 3 tạ rong, trừ chi phí xăng dầu có thể kiếm về hơn 2 triệu đồng.

Mỗi chuyến hái rong cần từ 2 lao động trở lên, người lặn xuống hái và người chèo thuyền thúng theo vớt
Mỗi chuyến hái rong cần từ 2 lao động trở lên, người lặn xuống hái và người chèo thuyền thúng theo vớt

“Sau khi hái đầy thuyền chúng tôi đưa vào bờ phơi khô, nếu nhiều thì phải thuê người phơi. Tuy nhiên, phải trời nắng to thì rong mới khô đều và đẹp được. Rong mà gặp phải mưa thì coi như bỏ. Thế nên, lúc nào cũng phải có người túc trực thường xuyên để nếu thấy mưa thì gom lại dùng bạt che đậy thật kỹ. Công việc tuy vất vả, nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể trong thời điểm khó khăn”, ông Minh chia sẻ.

Tại Tam Hải có khoảng 100 hộ dân làm nghề hái rong mơ
Tại Tam Hải có khoảng 100 hộ dân làm nghề hái rong mơ

Cây rong mơ không chỉ đem lại thu nhập cho ngư dân đi biển, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác trong vùng đa số là phụ nữ.

“Nhiều chị em trong vùng chúng tôi mùa này không có việc làm, nên thường đi phơi rong thuê cho các chủ thu mua. Tiền công tính theo từng giờ, mỗi giờ họ trả 20 ngàn đồng. Thường một ngày, chúng tôi kiếm được khoảng 80.000-120.000 đồng, cũng đỡ đần chi tiêu hằng ngày”, chị Lê Thị Hoa cho biết.

Rong phơi khô trước được gom lại chờ thương lái thu mua
Rong phơi khô trước được gom lại chờ thương lái thu mua

Ông Nguyễn Tấn Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, Núi Thành) cho biết, hiện nay nghề khai thác rong mơ tại địa phương đang vào giữa vụ, trên địa bàn xã Tam Hải có khoảng 100 hộ dân làm nghề hái rong mơ mang lại thu nhập khá.

“Tuy nhiên, việc hái rong mơ không hợp lý có thể làm mất chỗ sinh sản của nhiều loại hải sản. Địa phương cũng đã đưa ra khuyến cáo cho người dân khi khai thác rong mơ phải chừa khoảng 20cm phần gốc rong mơ cho các loại hải sản sinh sôi”, ông Hùng nói thêm.

N.Linh