Khủng hoảng tuổi già ở Trung Quốc và mong muốn sống chung cùng con cái

Hải Phong

(Dân trí) - Chính phủ Trung Quốc đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng một phần lớn dân số già đang phải sống một mình.

Trung Quốc có hơn 100 triệu người từ 60 tuổi trở lên đang sống cùng bạn đời hoặc sống một mình. Nhiều người trong số họ được coi là "người già bị bỏ lại phía sau", đặc biệt nhiều ở các vùng nông thôn nơi hệ thống an sinh xã hội còn kém, thanh niên trong tuổi lao động đi lên thành thị để kiếm việc làm.

Để đối phó với tình trạng dân số đang già đi, Trung Quốc mới công bố một biện pháp khuyến khích thanh niên trưởng thành sống cùng hoặc sống gần cha mẹ.

Khủng hoảng tuổi già ở Trung Quốc và mong muốn sống chung cùng con cái - 1

Chính phủ Trung Quốc đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng một phần lớn dân số già đang phải sống một mình.

Trong chính sách này, các nhà chính sách sẽ đưa ra các ưu đãi cho những ai chấp nhận sống cùng hoặc sống gần bố mẹ già để có cơ hội chăm sóc bố mẹ tốt hơn. Các ưu đãi bao gồm nhà ở và một số chi phí tiện ích khác.

Đây là một trong hơn 20 biện pháp nhằm giải quyết mối đe dọa về già hóa dân số trong tương lai. Tuy nhiên, biện pháp này đã bị chỉ trích là phi thực tế trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao ở các thành phố và tình trạng thiếu việc làm ở các vùng nông thôn.

Tuổi thọ cao và tỷ lệ sinh giảm khiến xã hội Trung Quốc đang già đi nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Theo điều tra dân số của Trung Quốc được thực hiện vào cuối năm 2020, 264 triệu người, hay 18,7%, trong số 1,4 tỷ dân số của nước này ở độ tuổi từ 60 trở lên.

Các gia đình đã trở nên nhỏ hơn nhiều. Số người sống trung bình trong một hộ gia đình đã giảm xuống còn 2,6 người, so với 3,1 người trong năm 2010.

Khủng hoảng tuổi già ở Trung Quốc và mong muốn sống chung cùng con cái - 2

Tuổi thọ cao và tỷ lệ sinh giảm khiến xã hội Trung Quốc đang già đi nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Giáo sư Zhu Qin, từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Dân số và Phát triển tại Đại học Fudan, cho biết sự sụt giảm số người trong gia đình là do số lượng người cao tuổi sống một mình tăng vọt.

Thượng Hải, miền đông Trung Quốc, nơi có tỷ lệ người cao tuổi lớn thứ hai trong tổng số các tỉnh và thành phố ở Trung Quốc, có hơn 40% cư dân từ 60 tuổi trở lên sống một mình, giáo sư Zhu nói.

Nhận xét về biện pháp mới của chính phủ, ông nói: "Trong những năm qua chính quyền địa phương đã xây dựng rất nhiều viện dưỡng lão nhưng người cao tuổi ở Trung Quốc quen với sự thoải mái khi sống cùng gia đình hơn, nơi họ nhận được sự giúp đỡ có chất lượng từ người thân.

Vì vậy, biện pháp này giống như việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm