Khủng hoảng khi mẹ chồng muốn "giữ" cháu, không cho đi học mầm non
(Dân trí) - Con 4 tuổi, bà nội vẫn không cho đi học mầm non. Ở nhà, bà cho xem tivi, cháu không nói, không tương tác... Người mẹ khủng hoảng, lo lắng con bị tự kỷ.
Tại buổi nói chuyện "Dạy con giữa muôn lối" diễn ra vào ngày 30/5 tại TPHCM, nhiều phụ huynh đề cập đến mâu thuẫn, xung đột trong gia đình dẫn đến những khủng hoảng trong việc giáo dục con trẻ.
Nhiều câu chuyện đau lòng từ xung đột trong dạy con dẫn đến những hậu quả đau lòng như cha mẹ bỏ nhau, con nghiện ngập, oán trách... được kể ra.
TS giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền kể trong một buổi nói chuyện của mình cách đây không lâu, một người mẹ, là một giáo viên cấp 3 chờ mình đến cuối giờ. Cô khóc như mưa, không nói nên lời. Sau gần nửa tiếng đồng hồ, cô cất tiếng trong nước mắt: "Chị ơi, em nghĩ con em bị tự kỷ".
Cô kể, chồng đi làm xa, cô sống với mẹ chồng. Đứa con 4 tuổi, chưa từng được đi học mẫu giáo vì má chồng kiên quyết không cho bé đi học. Giữ cháu ở nhà nhưng bà cũng không chơi, không nói chuyện với cháu, chỉ bật tivi cho cháu xem, bây giờ đứa bé vẫn không nói. Cô con dâu từ thuyết phục, năn nỉ, khóc lóc, van xin... mẹ chồng cho cháu đi học mầm non nhưng không thành.
Không đề cập việc cháu bé tự kỷ hay không nhưng theo bà Huyền, rõ ràng cháu không nói, chậm nói do xem tivi nhiều, thiếu tương tác hai chiều.
Bà Huyền nói với cô giáo: "Đó là con em. Em có muốn cứu con em hay không? Nếu đúng như vậy, bây giờ đã là trễ, và không được quyền trễ hơn trong việc cứu con".
Cô Huyền đề nghị cô giáo cần gọi chồng về, có một cuộc nói chuyện
thẳng thắn. Cha mẹ, ông bà không ai trong gia đình có quyền tước mất sự phát triển của con. Nếu trước đã thuyết phục mọi cách mà không được, thì bây giờ là lúc phải đưa ra quyết định, phải lựa chọn. Không phải lúc nào cũng có thể vẹn toàn được mọi thứ, giải pháp hài lòng tất cả mọi người cực kỳ khó.
Bà Huyền cũng kể trường hợp một người bạn sống cùng bố mẹ chồng trong một biệt thự lớn ở Q.9. Sinh cô con gái đầu lòng, được ông bà cưng hết mức. Đứa trẻ nhút nhát, ít nói, không tự lập..., chưa cần nói gì, đã được ông bà đáp ứng ngay.
Sau khi đã thuyết phục, nhẹ nhàng, thương lượng nhưng ông bà nội không thay đổi. Hai vợ chồng đã quyết định đưa con rời khỏi nhà, ra ngoài thuê nhà để ở.
Ths Tô Thị Hoàng Lan, ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ, nhà chị sống trong đại gia đình, cũng từng gặp khó khăn trong nuôi dạy con với chính mẹ ruột của mình khi ngoại thường xót, cưng chiều, làm hộ cháu.
Như việc chị muốn con đi học đúng giờ, đến trường tập thể dục, học tính kỷ luật. Nhưng buổi sáng, con ngủ dậy hay lề mề và khóc gọi bà ngoại. Bà xót cháu, nói đi trễ cũng được, trễ thì bà đưa đi. Chị nhận thấy, nếu lâu dài như vậy sẽ không ổn một chút nào.
Từ đó, những việc riêng của con cần làm, chị Lan khóa cửa phòng lại. Những việc bà can thiệp mà cô thấy hệ lụy không tốt, chị trao đổi với mẹ, hỏi bà có thể chăm cháu suốt đời được không? Và phân tích cho bà hiểu, bà cần để mình dạy con tính tự lập, nếu không khi ra bước ra đời, cháu sẽ không chủ động, không biết làm gì, mọi người sẽ khó chịu với cháu thì chính cháu sẽ chịu thiệt thòi.
Hiểu rằng không phải ai cũng có kiến thức, có chuyên môn về giáo dục, tâm lý để giải quyết các xung đột trong gia đình trong giáo dục con. Nhưng theo ThS Hoàng Lan, tất cả mỗi người làm bố, làm mẹ có thể học hỏi, tìm hiểu thêm các kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con khoa học để tiếng nói của mình trong gia đình trọng lượng hơn.
Có bà mẹ bày tỏ sự bất lực khi đi tìm dung hòa, tiếng nói chung trong giáo dục con. Nhất là phía gia đình nhà chồng, từ bố mẹ đến anh chị chồng, chỉ cần mình góp ý, lên tiếng là họ nổi khùng, làm cho sự việc càng trở nên tệ hại hơn.
Các chuyên gia nhấn mạnh, mong muốn thay đổi giá trị về giáo dục trẻ của người khác là điều rất khó. Điều tốt hơn mỗi người có thể làm là tự thay đổi, điều chỉnh trong khả năng của mình.
TS Thu Huyền bày tỏ, nếu phụ huynh muốn cả hai, vừa muốn nhờ ông bà chăm cháu, giúp đỡ mình, lại muốn họ không can thiệp vào việc dạy con mình là điều không thể. Không phải lúc nào cũng có thể vẹn toàn được mọi thứ, giải pháp hài lòng tất cả mọi người là cực kỳ khó. Nên có những trường hợp, phải lựa chọn và đánh đổi.
Lê Đăng Đạt