Khu vườn 3.000 gốc xương rồng độc lạ của ông bố ở Khánh Hòa
(Dân trí) - Từ vài giống ban đầu, anh Toàn đã tự sưu tập, nhân giống thành vườn hoa xương rồng hơn 3.000 gốc, nở rực rỡ quanh năm.
Người đàn ông cải tạo đất cằn thành vườn hoa xương rồng
Anh Nguyễn Phước Hoàng Toàn (SN 1985) là chủ nhân của khu vườn hoa xương rồng có hơn 3000 gốc ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Anh Toàn cho biết, hồi năm lớp 10, trong một lần đến nhà bạn thân chơi, thấy ba của người bạn đó đang say sưa chăm hoa xương rồng nên rất ngạc nhiên và nhanh chóng say mê vẻ đẹp của loài cây đó.
Nhìn không rời mắt những bông hoa bung nở rực rỡ trên thân cây xương rồng gai góc, chàng trai trẻ mạnh dạn xin vài chậu về trồng. Hàng ngày, anh dành thời gian chăm sóc cây, háo hức chờ đợi bông hoa đầu tiên nở.
Từ những chậu cây đầu tiên đó, năm 2000, anh bắt đầu mày mò tìm hiểu để trồng và nhân giống các loại xương rồng chuyên hoa. Bảy năm sau, anh đã sở hữu trong tay một khu vườn tràn ngập hoa xương rồng đẹp mắt.
Anh Toàn cho hay, ngoài các giống xương rồng hiện hữu, cổ điển trong nước thì trên thế giới còn rất nhiều loài xương rồng cho hoa có màu sắc hiếm và độc lạ.
Để thỏa mãn đam mê sưu tầm, anh tìm cách đặt hàng qua mạng, nhập khẩu các giống xương rồng ngoại về vườn của mình. Tuy nhiên, thời điểm đó, việc nhập khẩu hoa từ nước ngoài về Việt Nam khá khó khăn.
Có khi, anh phải kết hợp với những người có cùng đam mê để đặt bằng được một mầm hoa nhỏ xíu bằng đầu ngón tay về nước rồi kỳ công chăm sóc, nghiên cứu cho cây phát triển, ra hoa và nhân giống.
Hiện vườn hoa xương rồng của anh Toàn có khoảng 3000 gốc các loại, chủ yếu các dòng chuyên cho hoa và một số giống cụ thể như: Echinopsis, Lobivia, Chamaecereus, Trichocereus, Rebutia,...
Mỗi dòng hoa xương rồng anh Toàn trồng lại có nhiều màu sắc khác nhau, từ màu đơn như trắng, xanh, đỏ, vàng, cam,... cho đến những màu kép đủ loại do anh tự lai tạo.
Kinh nghiệm chăm sóc hoa xương rồng
Thời gian đầu trồng xương rồng chuyên cho hoa, anh Toàn gặp nhiều khó khăn về việc tìm nguồn giống. Trong khi các vườn xương rồng trong nước chỉ có một số giống cũ, không đa dạng thì việc nhập giống ngoại cũng gian nan.
Bên cạnh đó, vốn là "tay ngang" chưa có kinh nghiệm nên anh không biết cách chăm sóc, xử lý khi cây có vấn đề. Bởi vậy, vài năm đầu trồng loài cây gai góc này, anh liên tục thất bại. Cây không chỉ èo uột, héo úa, "mãi không ra hoa" mà còn bị sâu bệnh, chết hàng loạt.
Để cải thiện tình hình và nâng cao kỹ thuật, anh Toàn tìm đến các nhà vườn, người đi trước có kinh nghiệm học hỏi cách chăm sóc, nhân giống, trị bệnh… cho cây. Sau này, anh tự lên mạng mày mò, tìm hiểu kiến thức từ các trang nước ngoài.
"Đối với các giống xương rồng lạ, nhập ngoại, tôi tự tìm kiếm thông tin, cách chăm sóc, trị bệnh… trên các trang web, mạng xã hội nước ngoài. Tôi cũng phải sử dụng công cụ dịch để hiểu các tài liệu mà mình thu thập được", người đàn ông 37 tuổi kể.
Dần dần, anh Toàn tích lũy kinh nghiệm, nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống xương rồng ở trong và ngoài nước. Thậm chí, ông bố một con còn đầu tư sưu tầm, nhập thêm nhiều loài xương rồng chuyên hoa về trồng và nhân giống.
Anh cho hay, xương rồng là loài cây chịu hạn, sống nơi hoang mạc nên việc chuẩn bị về đất trồng và dinh dưỡng khá đơn giản. Anh chỉ cần kiếm giá thể khô thoáng, thoát nước tốt như tro trấu, xỉ than tổ ong và một ít đất trộn phân bò.
"Về không gian, xương rồng cần được trồng ở nơi có nhiều ánh sáng. Loài cây này chịu hạn tốt nhưng không chịu được ẩm và nước nhiều nên cần làm mái che, lấy sáng bằng nilon hoặc tôn sáng màu. Giải pháp này giúp cây tránh gặp mưa nhiều, hạn chế nấm bệnh và úng nước", gia chủ chia sẻ.
Tuy trồng và chăm sóc xương rồng khá vất vả nhưng anh Toàn xem đó như niềm vui, đam mê giúp bản thân thư giãn, giải tỏa đầu óc mỗi ngày. Ngoài ra, anh cũng được kết nối thêm những người bạn mới có cùng sở thích ở mọi vùng miền trên cả nước.
Vườn hoa xương rồng cũng trở thành nguồn thu nhập ổn định giúp ông bố một con duy trì và lo toan cho cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình.