Khốn khổ cảnh "nhịn tắm", xuyên đêm xếp hàng hứng nước sạch ở Hà Nội
(Dân trí) - Gia đình chị Tâm phải "nhịn tắm", dành toàn bộ lượng nước tích trữ để đi vệ sinh, sau khi ban quản lý chung cư thông báo... cắt nước sinh hoạt.
15h ngày 23/9, trong cơn mưa xối xả, người dân sinh sống tại chung cư Hateco Xuân Phương (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn kiên nhẫn "rồng rắn" đợi… hứng nước sạch.
"Ôi trời ơi, nước về rồi!", bà Quý, 52 tuổi, hét lên khi thấy xe bồn chở nước đầu tiên dừng ở sảnh chung cư. 30 phút sau, xe hết nước, cư dân tiếp tục mòn mỏi đợi chờ.
Cơn mưa dứt sau 20 phút, người dân tập trung càng thêm đông đúc, mang theo đủ loại vật dụng như xô, chậu, thùng xốp, bình nước, chai nhựa… cùng xe kéo đẩy, xuống hai sảnh giữa tòa A-B và B-C, đợi đến lượt hứng nước sạch.
Hai ngày qua, gần 1.500 hộ dân với khoảng 5.000 nhân khẩu tại chung cư Hateco Xuân Phương phải chịu cảnh không có nước sạch sử dụng sau khi Nhà máy nước Sông Đà ngừng cấp nước từ tối 21/9 do xe tải lật, nguy cơ mất an toàn nguồn nước.
Đêm đó, các hội nhóm cư dân chung cư Hateco Xuân Phương "nháo nhào" trước thông báo cắt nước bất ngờ của Ban quản lý. Do không có nước dự trữ, nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh "dở khóc dở cười", tranh thủ ngày cuối tuần về quê, hoặc sang nhà người thân quen "tạm lánh".
Chị Thanh, 33 tuổi, sống tại tòa B chung cư Hateco Xuân Phương, cho biết gia đình có 4 thành viên gồm 3 người lớn và 1 trẻ nhỏ (4 tuổi). Cuộc sống "đảo lộn" hai ngày qua vì không có nước tắm, đi vệ sinh và nấu cơm.
"Để tiết kiệm nước dự trữ, chúng tôi không dám nấu cơm mà đặt đồ ăn bên ngoài. Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2019, chung cư rơi vào tình cảnh mất nước sinh hoạt trầm trọng nhiều ngày", chị Thanh cho hay.
Miêu tả cảnh người dân xếp hàng đợi hứng nước như thời bao cấp, người phụ nữ kể thêm tình huống éo le khi nhiều hàng xóm phải đi tắm nhờ, tắm lại nước của con, không dám đi vệ sinh, thậm chí di tản về quê ít hôm.
Việc mất nước sinh hoạt khiến cuộc sống cư dân vất vả khi phải xuống tầng 1 hứng từng chậu, xô nước, rồi chật vật đưa lên tầng cao.
"Chúng tôi hi vọng tình trạng này sớm kết thúc, để cuộc sống trở lại bình thường", chị Thanh nói.
Đến chiều 22/9, sau khi có đánh giá của Trung tâm SOS và kết quả thí nghiệm chỉ tiêu nước thô đầu vào, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã thông báo cấp nước trở lại bình thường.
Tuy nhiên, trên thực tế, chiều tối 23/9, nước sinh hoạt vẫn chưa về đến chung cư Hateco Xuân Phương.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Tùng, đại diện Ban quản lý tòa nhà cho biết, phía Công ty Viwasupco nói rằng do nhà máy đang duy trì áp lực yếu, nên không đủ vận hành bơm tăng áp đẩy nước tới cho các khu vực bất lợi, cuối nguồn như chung cư Hateco Xuân Phương.
"Do lượng nước trong bể chứa không đủ bơm lên téc mái (thùng lớn, có nắp kín để chứa chất lỏng như dầu, nước) để xả nước, Ban quản lý đã dùng bơm hút trực tiếp nước trong phần dưới đáy bể lên 2 khu vực đặt bồn nước có vòi, để cư dân lấy nước tạm thời trong khi chờ có nước", ông Tùng cho hay.
Trong sáng 23/9, cán bộ kĩ thuật của Viwasupco cùng Ban quản lý tòa nhà đã kiểm tra hố van trước đồng hồ cấp nước vào dự án, nhưng… chưa có giọt nào.
Ngoài ra, theo ông Tùng, chiều cùng ngày, Ban quản lý đã mua 2-3 xe chở nước sạch, mỗi téc chứa được 3 khối nước, để cung cấp tạm thời cho cư dân.
Anh Việt Trung, 30 tuổi, đợi hơn một tiếng mới đến lượt hứng nước. Anh mang theo 4 xô nước, kiên nhẫn chờ đợi trong hàng người.
"Tôi phải sắp xếp công việc, xin nghỉ sớm xuống sảnh chung cư xếp hàng, đợi lấy nước sạch", anh Trung than thở.
Năm 2019 - năm đầu tiên chuyển đến chung cư Hateco Xuân Phương sinh sống, gia đình anh Trung trải qua một tuần không nước sạch do đúng thời điểm Viwasupco thông báo sửa chữa, khắc phục sự cố rò rỉ ống nước.
Nhà anh Trung có 5 người lớn, thêm một bé sơ sinh. Nước không đủ dùng sinh hoạt, được cất dành lúc đi vệ sinh và lau người cho em bé.
"Tôi đã quá ám ảnh với tình trạng mất nước sinh hoạt. Từ đêm qua đến nay, tôi mới hứng được 10 xô nước, không đủ đáp ứng các thành viên. Chúng tôi không biết tình cảnh này còn kéo dài đến bao giờ", anh nói.
Trong khi đó, gia đình 3 thành viên của chị Tâm cũng quyết định "nhịn tắm", dành toàn bộ lượng nước tích trữ để đi vệ sinh.
"Năm nào chung cư cũng mất nước sinh hoạt vài lần, kéo dài 2-3 ngày/lần", chị Tâm kể.
Những lần trước, cư dân được thông báo để kịp "chuẩn bị tinh thần" thì lần này hoàn toàn bất ngờ, họ bị đẩy vào thế bị động.
Với lượng nước dự trữ, Ban quản lý chung cư bơm 3 lần/ngày (5h30, 11h và 18h30), mỗi lần 30 phút. Sáng nay, do thức dậy muộn không kịp giờ bơm nước, nhà chị Tâm… không có giọt nào.
"Sống giữa Thủ đô thời hiện đại mà không khác gì bao cấp, xách từng xô nước", chị Tâm vừa nói vừa khoe "thành quả" là 2 chậu nước sau khi đợi đến lượt.
Đến 22h ngày 23/9, cư dân vẫn xếp hàng dài đợi lấy nước sạch. Trời đổ cơn mưa lất phất, chị Thanh ngán ngẩm: "Cứ cái đà này không khéo xách nước xuyên đêm".
*Tên các nhân vật đã thay đổi