Khi toàn khu vực châu Á - TBD chung tay đẩy lùi dịch sốt rét
Các tổ chức và chính phủ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng: Loại bỏ hoàn toàn căn bệnh sốt rét trước năm 2030.
Những tín hiệu khả quan
Trong hơn 15 năm qua, cộng đồng quốc tế thực hiện rất nhiều chương trình hỗ trợ nhằm đẩy lùi căn bệnh sốt rét ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thông qua các hoạt động cung cấp thuốc men, màn chống muỗi, tập huấn và nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị y tế tại địa phương. Những bước tiến này đã giúp giảm đáng kể gánh nặng khám chữa bệnh so với trước đây, đồng thời ngăn chặn hơn 80 triệu trường hợp mắc bệnh và hơn 100,000 ca tử vong trong khu vực.
Duy trì đà phát triển này, các tổ chức cũng như chính phủ trong khu vực đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng: Loại bỏ hoàn toàn căn bệnh sốt rét vào năm 2030. Phát súng mở màn đầu tiên chính là thành lập Hội liên hiệp phòng chống sốt rét (APLMA) vào năm 2014 nhằm tăng cường nỗ lực chống lại căn bệnh sốt rét, bảo vệ lợi ích quốc gia và mục đích cuối cùng là loại bỏ bệnh sốt rét vĩnh viễn.
Song song với các nỗ lực mang tầm quốc tế, các chính quyền địa phương nỗ lực đảm bảo nguồn ngân sách hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu chung này. Kể từ năm 2012, các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương đã tăng 44% mức ngân sách quốc gia dành cho bệnh sốt rét; ước tính tốc độ tăng ngân sách từ đây đến năm 2020 sẽ tiếp tục được duy trì ở mức 40%.
Song song đó, các quốc gia ở khu vực tiểu vùng sông Mekong cũng tăng 230% mức đầu tư cho bệnh sốt rét. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu loại bỏ sốt rét trong khu vực và đồng chủ trì APLMA trong những năm đầu tiên. Đồng thời Việt Nam cũng đang thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình thông qua mức gia tăng 300% ngân sách quốc gia cho việc phòng chống sốt rét chỉ trong quãng thời gian từ năm 2012 đến năm 2014.
Hướng đến một cộng đồng đoàn kết và hành động vì mục tiêu chung
Dựa theo Báo cáo toàn cầu về bệnh sốt rét năm 2017, tiến trình đầy lùi và chấm dứt dịch sốt rét đang chững lại và có những diễn biến phức tạp. Năm 2016, ước tính có khoảng 216 triệu ca nhiễm sốt rét trên toàn thế giới, tăng 5 triệu ca so với cùng kỳ năm 2015.
Các chủng sốt rét kháng thuốc cũng bắt đầu xuất hiện ở Tiểu vùng sông Mekong đe dọa đến việc ngăn chặn những ca tử vong do sốt rét, giảm thiểu mức độ hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện có và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của các quốc gia bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia nhận định để đánh bại hoàn toàn căn bệnh sốt rét, chúng ta không thể chỉ dựa vào chất lượng chăm sóc chăm sóc y tế và màn chống muỗi– nó phải phối hợp những yếu tố chính trị đa quốc gia để cùng hành động vì một mục tiêu chung.
Mỗi một quốc gia xuất hiện dịch sốt rét cần phải hành động quyết liệt, thành lập những lực lượng chuyên biệt để cùng phối hợp và xoá sổ hoàn toàn mầm bệnh. Cùng với nhau, chúng ta có thể nhìn thấy được một tương lai không còn bệnh sốt rét ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Điều chúng ta phải làm chính là hành động ngay bây giờ.