Khám phá xác ướp từ thế kỷ 19 được phát hiện tại Sài Gòn
(Dân trí) - "Xác ướp xóm Cải" được phát hiện cách đây hơn 25 năm. Theo nhiều nghiên cứu, đây là xác một người phụ nữ mất năm 1869, có thể là người thân thuộc với hoàng tộc triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ.
Đầu năm 1994, khi di dời nghĩa trang để xây dựng nhà cửa ở khu vực xóm Cải, phường 8, quận 5 (TPHCM), người dân phát hiện một ngôi mộ cổ, được xây dựng kiên cố và rất to lớn. Sau khi khai quật, người ta phát hiện ra nhiều điều bí ẩn của ngôi mộ này.
Khi mới phát hiện, ngôi mộ cổ nằm xen trong khu 15 ngôi mộ bình thường khác. Khuôn viên bề thế rộng hàng trăm mét vuông với kết cấu vững chắc như một ngôi đình. Khu mộ được xây dựng như một nhà mồ có cổng ra vào bằng trụ đá và tường rào bao quanh. Kích thước chiều dài vòng thành mộ tới 10 m, ngang 6 m, cao 1,2 m, dày 0,8 m. Cổng tam quan có hình mặt tròn, trang trí búp sen trên đầu cột, cao 1,4 m được xây dựng có mái vòm cong lót giả ngói ống trang trí hình rồng.
Sân thờ trước mộ có diện tích khoảng 24 m2. Kết cấu gò mộ là khối hợp chất lớn bao gồm 2 phần: phần trước có bia mộ nằm chìm trong khối hợp chất, các chữ trên bia mộ đã bị mòn, chỉ còn đọc được 3 chữ "Kỷ Tỵ Niên" và phần sau có trang trí hoa văn, mỗi bên hông đều có vẽ hình mặt tròn lớn.
Quách gò mộ được xây dựng từ vỏ sò biển nung lên, dùng mật ong thay mật đường mía và thêm than gỗ tốt trong hợp chất vôi, cát nên rất kiên cố.
Quan tài gỗ quý bên trong lớn hơn bình thường với chiều dài 2,2m, cao gần 1m, được ghép bằng 2 lớp gỗ dày 0,8cm nên nước không thể thấm vào. Nằm trong quan tài là người phụ nữ khoảng 60 tuổi với nét mặt thanh thoát, tóc cắt ngắn chớm vai, da mịn màng và có màu hơi đỏ sạm do đã ngâm hàng trăm năm trong dầu thông.
Xác ướp được chôn theo nhiều vàng bạc, đồ vật và đặc biệt tấm phướn minh tinh có ghi nhiều chữ nhưng đã mờ, chỉ còn dòng chữ "Hoàng gia...".
Theo nhiều nghiên cứu, đây là một phụ nữ người Việt (dân tộc Kinh) thuộc tầng lớp quý tộc, khoảng 60 tuổi, cao 1,52m, tên là Nguyễn Thị Hiệu, mất vào năm 1869. Với dòng chữ "hoàng gia", có thể bà là một người thân thuộc với hoàng tộc triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ.
Hiện nay, xác ướp được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Phòng trưng bày xác ướp có gắn máy hút ẩm, máy thông gió hoạt động liên tục để giữ gìn xác ướp. Cứ cách 3 tháng, các chuyên gia bên ĐH Y dược TPHCM lại qua kiểm tra tình trạng và lau thuốc chống nấm mốc, bảo vệ mô xác ướp.
Nguyễn Quang