Khám phá cách thưởng thức trà của người Thổ Nhĩ Kỳ
(Dân trí) - Trà không chỉ là thức uống phổ biến của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn được giới sành điệu bình chọn có hương vị trà ngon đặc trưng. Người Thổ dùng trà trong tất cả các bữa ăn từ sáng đến chiều tối.
Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều quán trà cóc, giống như quán cà phê cóc ở Việt Nam vậy. Vài cái bàn, ít cái ghế ở vỉa hè, hoặc trong một không gian nhỏ... đâu đâu cũng có quán trà, ấm cúng và gần gũi.
Cây trà Thổ Nhĩ Kỳ được trồng ở phía đông bờ Biển Đen, nơi có khí hậu ôn hòa. Phong tục uống trà của người Thổ xuất hiện vào thời kỳ cuối của đế chế Ottoman (cuối thế kỷ 19).
Trà Thổ Nhĩ Kỳ thường pha trong hai ấm xếp chồng lên nhau gọi là “caydanlik”- một loại ấm đặc biệt được thiết kế riêng cho việc pha trà. Tầng trên dùng để chứa trà và tầng dưới dùng để đun nước sôi. Bạn phải kiên nhẫn chờ 30 phút để cho nước ở phần ấm dưới sôi lên.
Sau đó, rót nước sôi vào ấm trên (phần chứa trà). Khi trà chìm trong nước và dần lặn xuống đáy thì sẽ lấy được nước trà đặc. Khi thưởng thức, người uống sẽ tự chọn cách pha trà tùy theo sở thích cá nhân: hoặc uống đặc, hoặc pha loãng. Tách trà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những thiết kế có hình dáng đặc trưng nhất thế giới, nhìn cách điệu như bông hoa Tulip.
Người Thổ Nhĩ Kỳ thích dùng trà đen pha với đường. Nhưng họ không mấy khi cho đường trực tiếp vào chén. Họ ngậm một viên đường trong miệng trước rồi sau đó mới nhấm nháp trà. Đường tan trực tiếp trong miệng, tạo ra vị trà rất đặc biệt.
Thưởng trà Thổ Nhĩ Kỳ không thể thiếu Turkish Delight (còn gọi là lokum). Đây được xem là món kẹo ‘’quốc hồn quốc túy’’ và từng xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích. Nó có mùi vị huyền diệu, phổ biến khắp vùng Balkan và Trung Đông.
Người Thổ Nhĩ Kỳ vốn chuộng ngọt nên họ sáng tạo ra rất nhiều vị kẹo dẻo với nhiều cách chế biến khác nhau với màu sắc đa dạng và vô vàn loại nhân: đậu phộng, hạt dẻ, hạnh nhân… Delight mềm mại như thạch dẻo, khi ăn cảm nhận hương thơm tinh tế của hoa hồng, chanh, bạc hà…
H8: Xưa kia, lokum chỉ dành cho giới quý tộc bởi nguyên liệu chủ yếu là nhựa cây nhũ hương ở vùng Địa Trung Hải, có công dụng chữa bệnh nên khá đắt tiền. Ngày nay, đa số kẹo có được độ dẻo từ bột bắp nên giá thành đã bình dân hơn nhiều và bày bán khắp nơi như đặc sản.
Vào mùa này, để du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ, ít ai biết rằng khách Việt Nam có visa Mỹ, 26 quốc gia trong khối Schengen (Châu Âu) và UK (còn thời hạn) có thể lên mạng xin cấp visa điện tử (E-visa) vào Thổ Nhĩ Kỳ, không cần làm thủ tục xin visa tại Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ.
Phạm Nguyễn