Kết thúc buồn của "chàng 80 tuổi, nàng 72 tuổi" quen qua mạng, từng gây sốt

Cẩm Tiên

(Dân trí) - Hơn hai tuần trôi qua kể từ khi ông Phùng Nghinh qua đời, bà Ái Yến vẫn sống trong nỗi nhớ khôn nguôi bởi mỗi góc nhà, mỗi món đồ trong căn nhà tại quận 5 (TPHCM) đều mang dấu ấn của người bạn đời.

Ông Vũ Phùng Nghinh (80 tuổi) và bà Lê Thị Ái Yến (72 tuổi) ở quận 5, TPHCM, là nhân vật trong câu chuyện "Chuyện tình chàng 80 - nàng 72: Làm quen qua mạng ngỡ tưởng một cú lừa hóa ra lại là chân ái" từng xuất hiện trên VTV, nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, sau khi phóng sự này được đăng tải không lâu, cụ ông trong câu chuyện qua đời trên giường bệnh, để lại câu chuyện tình đẹp dang dở ở tuổi xế chiều.

Gặp vợ ở tuổi xế chiều như "trúng độc đắc"

Trước khi gặp bà Yến, ông Nghinh đã góa vợ 10 năm, còn bà lại từng trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cuộc đời đưa đẩy, hai con người từng chịu nhiều tổn thương lại tìm thấy nhau ở tuổi xế chiều, nhờ tìm kiếm niềm vui qua... mạng xã hội.

Kết thúc buồn của chàng 80 tuổi, nàng 72 tuổi quen qua mạng, từng gây sốt  - 1

Ông Nghinh, bà Yến tìm thấy nhau sau nhiều tổn thương (Ảnh: Facebook nhân vật).

Cuộc gặp gỡ đầu tiên để lại chút thất vọng khi bà Yến thấy ông Nghinh không giống trên ảnh nhưng cái bắt tay chân thành của ông đã khiến suy nghĩ của bà thay đổi.

"Trời hôm ấy mưa lớn, tôi không nỡ để anh đội mưa đưa về, nên quyết định ở lại nhà ông. Cả đêm hai chúng tôi trò chuyện và nhận ra hai người còn là đồng nghiệp cũ, cùng dạy môn Toán. Tôi nghĩ, đây là duyên trời định", bà kể lại.

Bà Yến cho biết khi nhìn thấy hình ảnh ông Nghinh cầm micro hát, bà bị thu hút. Còn với ông Nghinh, ông cảm mến người bạn đời khi thấy bà cầm vợt bóng bàn. Sự đồng điệu trong đam mê ca hát và thể thao đã nối hai trái tim lại gần nhau.

Chỉ sau vài lần gặp gỡ, bà thẳng thắn đề nghị kết hôn, ông Nghinh đồng ý ngay. Hai tuần sau, họ chính thức trở thành vợ chồng.

Suốt gần 4 năm bên nhau, ông bà như đôi chim non không rời, khiến nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Họ cùng chơi bóng bàn, tập hát, tham gia nhiều hoạt động văn nghệ tại các câu lạc bộ người cao tuổi ở địa phương. Ông Nghinh tự hào gọi vợ là "giải độc đắc" của đời mình.

Kết thúc buồn của chàng 80 tuổi, nàng 72 tuổi quen qua mạng, từng gây sốt  - 2

Ông bà luôn đồng hành cùng nhau trong các chuyến du lịch từ Bắc chí Nam (Ảnh: Facebook nhân vật).

Thế nhưng, niềm vui ấy không kéo dài mãi. Căn bệnh tuổi già đã đưa ông Nghinh đi xa, còn bà Yến vẫn chưa quen những tháng ngày đơn độc.

Nỗi ám ảnh còn lại

"Ám ảnh lắm. Thật sự ám ảnh", bà Yến lặp lại câu nói ấy nhiều lần trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, như thể đó là cách duy nhất để bà diễn tả cảm xúc của mình.

40 ngày ông Nghinh nằm viện, bà Yến vẫn luôn cận kề chăm sóc cho ông cho đến lúc ông qua đời.

"May mắn là giây phút cuối cùng, tôi vẫn ở bên anh ấy. Chỉ còn 3 phút nữa là hết giờ thăm bệnh thì anh ra đi lúc 15h57. Anh ấy ra đi nhẹ nhàng và thanh thản lắm. Anh vẫn nói sống được tới chừng này là đã toại nguyện lắm rồi", bà nghẹn ngào kể.

Khi ông Nghinh về với đất, ngôi nhà từng đầy ắp tiếng cười của hai người bỗng trở nên lạnh lẽo hơn với bà Yến. Bà kể: "Ở nhà tôi vẫn treo hình chụp cùng anh. Nhìn ảnh thì không sao, nhưng cứ nhìn đến những đồ vật anh ấy từng làm là tôi không chịu nổi.

Cái giường anh tự đóng, tôi bảo mua cái mới, anh cũng không cho, bảo làm vậy cho đặc biệt. Mười mấy năm tôi ở đây có sơn sửa gì đâu, nhưng anh về thì lại bảo: "Để anh sơn lại cái nhà cho sáng sủa đi em". Nhìn những bức tường, tôi lại cảm giác như anh vẫn đang đứng đấy, trèo thang, tỉ mẩn sơn từng chút cho tổ ấm của chúng tôi. Anh ấy chịu khó lắm".

Kết thúc buồn của chàng 80 tuổi, nàng 72 tuổi quen qua mạng, từng gây sốt  - 3

Cả hai là cặp đôi đồng điệu trong các hoạt động văn nghệ (Ảnh: Facebook nhân vật).

Nhắc đến những ngày tháng bên nhau, bà Yến không giấu được niềm hạnh phúc khi nhớ về cách ông Nghinh chăm sóc bà. "Chúng tôi sống hạnh phúc lắm, lúc nào cũng có nhau. Mỗi tối hai vợ chồng hay nằm bên nhau tập hát, sợ quên lời. Tôi quen được chồng chiều chuộng, nên giờ khi ông không còn, tôi thấy hụt hẫng vô cùng", bà bộc bạch.

Những ngày đầu sau tang lễ, bà Yến cho biết không dám ở nhà một mình, phải có con cháu sang ở cùng. Bà nói: "Tuổi già, tôi và anh ấy chỉ cần ghé lưng vào nhau đã thấy ấm áp. Bây giờ, nằm một mình, cảm giác trống trải không chịu nổi".

Hơn hai tuần trôi qua, nỗi đau vẫn còn đọng lại, như chính những kỷ niệm đẹp suốt hơn 4 năm chung sống đang quấn lấy trái tim bà. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ vắng bóng người bạn đời, bà Yến chọn cách mạnh mẽ đối diện với cuộc sống mới khi không còn "một nửa" bên cạnh.