Insurtech: công nghệ vì khách hàng

(Dân trí) - Bằng việc đưa ứng dụng công nghệ vào quá trình vận hành, các công ty bảo hiểm nhân thọ đang mạnh mẽ tăng cường kết nối với khách hàng, đơn giản hóa quy trình, giảm thiểu tối đa thủ tục giấy tờ…

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ rằng, công nghệ bảo hiểm Insurtech (là từ ghép của 2 từ Insurance - Bảo hiểm và Technology - Công nghệ), đang thay đổi ngành bảo hiểm. Sự thay đổi này không phải từ mục đích “phục vụ cho việc bán” của các công ty bảo hiểm, mà cốt lõi là mang đến cho khách hàng những lợi ích vượt trội, giúp cho việc so sánh, lựa chọn sản phẩm nhanh chóng hơn và thủ tục bồi thường cũng tiến tới đo bằng phút, bằng giây.

Ông Ngô Trung Dũng đang trao đổi với các sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM về chủ đề Công nghệ Bảo hiểm – Insurtech: Cơ hội và thách thức đối với ngành bảo hiểm nhân thọ trong kỷ nguyên 4.0.
Ông Ngô Trung Dũng đang trao đổi với các sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM về chủ đề Công nghệ Bảo hiểm – Insurtech: Cơ hội và thách thức đối với ngành bảo hiểm nhân thọ trong kỷ nguyên 4.0.

Có ý kiến cho rằng công nghệ Insurtech sẽ giúp một số doanh nghiệp bảo hiểm bớt “quấy rầy” khách hàng. Điều này có thể thực hiện không, thưa ông?

Đúng là Insurtech đang giúp ngành BH nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Doanh nghiệp có thêm nhiều công cụ nghiên cứu thị trường, đánh giá thị trường, tìm hiểu đúng nhu cầu của khách hàng. Insurtech giúp kết nối hồ sơ dữ liệu khách hàng với sản phẩm phù hợp nhất, tránh việc doanh nghiệp hay đại lý phải liên hệ từng người có thể làm cho một số khách hàng có cảm giác không mấy dễ chịu.

Cụ thể khách hàng đang được hưởng lợi từ Insurtech như thế nào?

Hiện nay, trong bối cảnh nhiều khách hàng không có thời gian tìm hiểu hết và có tâm lý e ngại hợp đồng bảo hiểm dài, kèm theo nhiều quy định, điều kiện, thuật ngữ…, Insurtech có thể giúp xóa tan trở ngại này. Hiện nay, thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm đơn giản hơn, thân thiện hơn, mức phí thấp được bán trên các kênh online giúp khách hàng sở hữu được hợp đồng bảo hiểm chỉ trong vòng vài thao tác.

Ông Ngô Trung Dũng (giữa) và đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang trình bày về những bước đột phá khi áp dụng công nghệ trong chăm sóc khách hàng.
Ông Ngô Trung Dũng (giữa) và đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang trình bày về những bước đột phá khi áp dụng công nghệ trong chăm sóc khách hàng.

Một số DN đã áp dụng công nghệ để thực hiện giao dịch điện tử, số hoá toàn bộ quy trình, giao dịch không dùng giấy tờ, tạo ra những công cụ giúp khách hàng dễ dàng quản lý thông tin hợp đồng, đặc biệt giúp cải thiện tốc độ trả lời khiếu nại, giải quyết quyền lợi BH. Thời gian giải quyết quyền lợi không còn đo bằng tuần mà đã giảm xuống bằng ngày, bằng giờ, thậm chí là bằng phút, bằng giây.

Các DN bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam có xu hướng tích hợp càng nhiều đối tượng rủi ro bảo hiểm vào một đơn bảo hiểm, kèm theo đó phải có các điều kiện, quy định…, nên sản phẩm càng ngày càng trở nên không thân thiện. Ông có thể cho biết Insurtech có thể giúp cải thiện khâu thiết kế sản phẩm như thế nào?

Trên thế giới đã xuất hiện những loại hình sản phẩm bảo hiểm mới, chẳng hạn bảo hiểm trên cơ sở sử dụng (usage based insurance). Theo đó, các doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và cuộc sống của từng cá nhân khách hàng, ví dụ gắn thiết bị viễn tin (telematics) vào xe để thu thập và truyền dữ liệu vận hành xe, bao gồm quãng đường, vận tốc, phong cách lái (tăng giảm tốc, phanh xe, vào cua, chuyển hướng…) để tính ra mức phí tương ứng. Hay những sản phẩm bảo hiểm “tắt - mở”, cho phép khách hàng được chọn một số ngày cụ thể mang tính đặc thù họ cần được bảo hiểm trong năm.

Gần 400 sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM đã đến tham dự buổi nói chuyện chuyên đề về Insurtech do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức gần đây tại TP.HCM.
Gần 400 sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM đã đến tham dự buổi nói chuyện chuyên đề về Insurtech do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức gần đây tại TP.HCM.

Đột phá hơn nữa là trên thị trường đã có những sản phẩm bảo hiểm có độ tương tác cao với người tham gia bảo hiểm, cho phép tính phí trên các thông tin sức khoẻ cá nhân, mức độ vận động từ các thiết bị mang theo người. Khách hàng nào rèn luyện sức khỏe tốt sẽ được hưởng mức phí thấp hay được hoàn lại một phần tiền phí để “tưởng thưởng”.

Trong các báo cáo tổng kết của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hiện đã có số liệu nào thể hiện cho sự đóng góp của Insurtech đối với sự phát triển ngành bảo hiểm nhân thọ chưa, thưa ông?

Hiện nay, Hiệp hội cũng mới chỉ có những số liệu chung về doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu phí bảo hiểm của ngành. Tuy nhiên, trên thế giới đã có những số liệu khá rõ ràng. Năm 2018, tổng phí bảo hiểm khai thác qua Insurtech khoảng 187 tỉ USD, chiếm khoảng 4% tổng phí toàn cầu. Dự báo đến năm 2023, con số này sẽ vượt ngưỡng 400 tỉ USD, chiếm khoảng 7% tổng phí bảo hiểm toàn cầu, cho thấy cơ hội lớn mà Insurtech sẽ mang lại cho ngành. Tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, các thống kê của các DN sẽ có sự điều chỉnh để chúng ta có thể đánh giá chính xác hơn về vai trò của cuộc cách mạng mang tên Insurtech đối với sự phát triển của ngành.

Xin cảm ơn ông!