Hy hữu: Người phụ nữ sinh nở tới 2 lần trong vòng... 26 ngày

(Dân trí) - Sau khi sinh người con đầu lòng được 26 ngày, Arifa Sultana (20 tuổi, Bangladesh) kinh ngạc thấy mình bị vỡ nước ối và vội vã đến bệnh viện ở quận Jessore. Các bác sĩ choáng váng khi phát hiện ra vẫn còn... 2 em bé trong bụng mẹ.

Arifa Sultana, 20 tuổi, đến từ Bangladesh, đã quen dần với việc làm mẹ sau khi có đứa con đầu lòng vào tháng trước. Nhưng 26 ngày sau, cô kinh ngạc thấy mình bị vỡ nước ối, và vội vã đến bệnh viện ở quận Jessore. Các bác sĩ choáng váng khi phát hiện ra vẫn còn 2 em bé trong bụng mẹ.

Lý giải cho điều kỳ lạ này là Arifa Sultana có tới 2 tử cung - một trường hợp rất hiếm gặp. Các chuyên gia đặt ngược lại câu hỏi là tại sao lại không thể phát hiện ra điều này trước đó khi có tới 3 nhịp tim của 3 đứa trẻ.

Sheila Poddar, một bác sĩ phụ khoa đã điều trị cho Arifa, nói với AFP: "Cô ấy không nhận ra mình vẫn đang mang thai cặp song sinh. Cô ấy bị vỡ ối và lao tới bệnh viện 26 ngày sau khi em bé đầu tiên chào đời".

Bác sĩ Poddar đã tiến hành sinh mổ khẩn cấp tại Bệnh viện Đại học Y khoa Khulna. Một bé trai và một bé gái khỏe mạnh, không gặp biến chứng nào mặc dù không hề được theo dõi trong suốt thai kỳ. Cả ba đứa trẻ đã được về nhà cùng cha mẹ vào ngày 26/3 vừa rồi.

Hy hữu: Người phụ nữ sinh nở tới 2 lần trong vòng... 26 ngày - 1

Arifa Sultana, 20 tuổi và chồng cô, Sumon Biswas, đến từ Bangladesh đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra họ sẽ có thêm 2 đứa con chỉ 26 ngày sau khi đứa con đầu lòng chào đời.

 

Tiến sĩ Podder cho biết đây là lần đầu tiên cô trải qua sự cố hiếm gặp này. Cô nói: "Em bé đầu tiên được sinh ra từ một tử cung, và hai em bé sau là từ một tử cung khác".

Theo một phòng khám y khoa, trường hợp tử cung đôi đã là cấu tạo ngay từ khi sinh ra và thường không gây ra triệu chứng bất thường nào cho cơ thể. Phụ nữ có tử cung đôi vẫn có thể sinh con thành công nhưng có thể làm tăng khả năng sảy thai hoặc sinh non. Trường hợp này xảy ra với tỷ lệ 1/3000 phụ nữ. Tuy nhiên cả hai tử cung đều mang bào thai thì chỉ có tỷ lệ 1/5 triệu.

Bác sĩ Dilip Roy, phụ trách y tế của Jessore thực sự bị "sốc"  khi nghe về trường hợp này bởi chưa từng thấy như vậy trong sự nghiệp y tế 30 năm của mình.

Ông cũng đặt nghi vấn về trình độ của các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Khulna vì không phát hiện ra bào thai thứ hai. Tử cung đôi có thể được chẩn đoán khi kiểm tra vùng chậu đơn giản nếu bác sĩ nghi ngờ có điều bất thường.

Arifa cho biết cô rất hạnh phúc với 3 đứa trẻ nhưng thực sự lo lắng không biết phải nuôi nấng chúng ra sao vì gia đình cô rất nghèo. Chồng cô là một người lao động bình thường, kiếm được chưa đầy 70 đô la một tháng ở Bangladesh nhưng tỏ rõ quyết tâm sẽ dành cho con những điều tốt nhất: "Đây là điều kỳ diệu vì các con tôi đều khỏe mạnh. Tôi sẽ cố hết sức để chúng được hạnh phúc."

Vào năm 2006, một phụ nữ Anh có tử cung đôi cũng đã sinh 3 đứa con khỏe mạnh. Đây là trường hợp đầu tiên được biết đến giống như Arifa. Cô Hannah Kersey, ở Northam, Devon, sinh ra một cặp sinh đôi giống hệt nhau từ một trứng được cấy vào một bên tử cung và sinh tiếp một em bé từ trứng khác ở tử cung còn lại.

Phương Chi

Theo Dailymail