Huyện Đầm Hà: Tạo động lực thu hút đầu tư
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng huyện trở thành vùng trọng điểm sản xuất và chế biến nông sản của tỉnh, hiện Đầm Hà đang tích cực thu hút đầu tư vào các dự án lợi thế của huyện, bước đầu có những kết quả khả quan.
Trung tâm Sản xuất giống công nghệ cao và Nuôi trồng thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh tại xã Đại Bình. Ảnh: Văn Triều (Đài Đầm Hà)
Trong định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050, huyện Đầm Hà sẽ phát triển thành trọng điểm sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, hải sản lớn của vùng và của tỉnh. Cụ thể hoá theo Quy hoạch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bền vững, kinh tế biển, gắn với bảo vệ môi trường; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng huyện trở thành vùng trọng điểm sản xuất và chế biến nông sản. Để thực hiện tốt mục tiêu này, huyện xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tạo mọi động lực thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của huyện trong nông - lâm - ngư nghiệp.
Những năm gần đây, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của tỉnh, hoạt động thu hút đầu tư đã tạo ra “nét chấm phá” trong chuyển dịch kinh tế nông nghiệp của huyện, đã có nhà máy chế biến, hình thành vùng trồng chế biến nông - thuỷ sản trên địa bàn. Tiêu biểu như: Nhà máy chế biến và sản xuất gỗ tại xã Tân Bình do Công ty TNHH Thanh Lâm đầu tư, quy mô 7,5ha, tổng mức đầu tư giai đoạn I là 186 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Công ty vừa hoàn thiện đưa vào hoạt động thêm dây chuyền sản xuất viên nén gỗ, công suất 70.000 tấn/năm của nhà máy. Cùng với dây chuyền sản xuất gỗ ván ép với công suất 25.000-30.000m3 sản phẩm/năm, hiện Công ty đã khép kín và tận dụng toàn bộ vật liệu gỗ đầu vào nhà máy. Dự án Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và Nuôi trồng thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh tại xã Đại Bình của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (Tập đoàn BIM), quy mô 250ha, tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Hồng Hà, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Trung tâm, đến thời điểm này Công ty đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng hoàn thiện hạng mục ương, triển khai nuôi được 50/80ha ao nuôi, năm 2016 sản lượng gần 300 tấn...
Để tạo tiền đề, định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và thu hút vốn đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế, thời gian qua huyện đã lập các quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đầm Hà đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng huyện Đầm Hà giai đoạn 2013-2030 và tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch sử dụng đất huyện Đầm Hà đến năm 2020; các quy hoạch ngành: Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản. Trung tuần tháng 4-2016 huyện đã tổ chức hội nghị công bố các quy hoạch và xúc tiến đầu tư. Tại hội nghị, UBND huyện đã ký biên bản ghi nhớ với 5 nhà đầu tư, tổng số vốn gần 800 tỷ đồng; UBND tỉnh đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư đã được chấp thuận đầu tư trên địa bàn huyện Đầm Hà, gồm: Dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Công ty CP Thuỷ sản Việt - Úc, quy mô 200ha, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng; Dự án Nhà máy chế biến nông dược và thực phẩm Đầm Hà của Công ty CP Đông Tây, tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng; Dự án Vùng nuôi trồng thuỷ sản trên vựng Thoi Dây của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thiên Hoàng Minh, quy mô 70ha, tổng mức đầu tư 68 tỷ đồng.
Ngay sau hội nghị, huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh, các chủ đầu tư dự án tích cực triển khai các bước giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng đến vùng dự án. Hiện Dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính đang được khẩn trương hoàn thiện, đầu năm 2017 sẽ triển khai xây dựng; Dự án Nhà máy chế biến nông dược và thực phẩm Đầm Hà, chủ đầu tư đang thoả thuận các hộ dân sớm bồi thường bàn giao mặt bằng thi công nhà máy. Công ty CP Kinh doanh bò thịt Việt Nam tổ chức công bố quy hoạch chi tiết Dự án trung tâm chăn nuôi bò, giống cao sản nhập ngoại và chủ động nguồn nguyên liệu cho chăn nuôi gia súc tại thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên; quy mô 698.548m2, tổng mức đầu tư 1.248 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm.
Đồng chí Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Nhằm tạo thêm động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, huyện sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI); thực hiện tốt hơn nữa cải cách hành chính; cung cấp thông tin pháp lý, các chính sách thu hút đầu tư; chú trọng đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm cung cấp lao động trình độ cao, đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư. Song song với đó, kêu gọi đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản; chăn nuôi đại gia súc; lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm; thương mại dịch vụ cảng biển và công nghiệp phụ trợ.
Với những nỗ lực trong công tác thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào những thế mạnh là cơ sở cho huyện tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Qua đó, góp phần thiết thực để hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Đầm Hà trở thành vùng trọng điểm sản xuất và chế biến nông sản của tỉnh trong tương lai không xa.
Theo Thái Cảnh
Báo Quảng Ninh