Huấn hoa hồng thường xuyên “khoe tiền”, livestream cảnh đòi nợ thuê trước khi bị đưa đi cai nghiện
(Dân trí) - Trang Youtube, Facebook của Huấn có lượng người theo dõi đông đảo với gần 68 nghìn người (trang Youtube) và khoảng 472 nghìn người (trang Facebook). Không ít người tự nhận mình là “fan” hâm mộ và tung hô Huấn như một thần tượng trong cuộc sống.
Trang Youtube, Facebook của Huấn có lượng người theo dõi đông đảo với gần 68 nghìn người (trang Youtube) và khoảng 472 nghìn người (trang Facebook).
Mỗi bài Huấn hoa hồng đăng tải luôn nhận được sự tương tác và chia sẻ rất lớn. Không ít người tự nhận mình là “fan” hâm mộ và tung hô Huấn như một thần tượng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, theo dõi các video, bài viết của Huấn đều không có nội dung gì đặc biệt, ngoài việc “khoe” của, phô trương bản thân bằng cuộc sống sang chảnh, giàu có với siêu xe, tiền vàng và điện thoại đắt tiền.
Đặc biệt, Huấn thường xuyên văng tục, chửi bậy trong các video và cho rằng đây là tính cách thẳng thắn của mình ngoài đời.
Huấn cũng luôn xuất hiện bằng hình ảnh trên người đeo rất nhiều vàng để chứng minh sự giàu có của bản thân.
Không ít lần, Huấn livestream cảnh đi đòi nợ thuê, cho số đề, chia sẻ các mánh khóe đánh bạc… vô cùng phản cảm trên các trang mạng xã hội.
Trong một livestream trên trang cá nhân, Huấn hoa hồng từng khuyên fan không dùng ma túy, nhưng nay chính anh ta đã "dương tính" với chất cấm này và bị bắt đi cai nghiện.
Huấn khoe các xấp tiền mặt trên mạng xã hội
Bộ sưu tập xe máy với biển số "đẹp", "độc" được Huấn khoe trên trang cá nhân
Huấn “hoa hồng” được biết là có mối quan hệ thân thiết với hai giang hồ trên mạng xã hội có biệt danh Khá “bảnh” và Quang “ram bô” (đã bị công an bắt giữ). Ngoài ra, Huấn cũng thường xuyên đăng tải các hình ảnh chụp chung với những người xăm trổ và tự giới thiệu là những tay “anh chị số má” trong giới giang hồ.
Trước đó, chia sẻ với Dân trí, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) bày tỏ lo ngại trước hàng loạt các kênh youtube, trang facebook có nội dung lệch chuẩn, cổ súy cho các hành động vi phạm pháp luật.
Mạng ảo nhưng ảnh hưởng rất thật, các hành vi ứng xử trên mạng cũng định hình các dấu ấn cá nhân của những công dân số.
“Tôi thấy lo lắng khi có xu hướng giới trẻ coi việc sử dụng các hành vi lệch chuẩn để làm màu và sống ảo, nổi tiếng trên mạng bất chấp. Việc này sẽ dẫn đến sự lung lay các nền tảng giá trị đạo đức hay thậm chí dẫn tới việc vi phạm pháp luật và trở thành vấn đề thực sự nghiêm trọng” .
Liên quan đến các chế tài xử lý đối với các kênh video với nội dung nhảm, tiêu cực, cổ xúy lối sống không lành mạnh, Luật sư Lê Văn Hồi, giám đốc công ty Luật My Way cho rằng có thể áp dụng một số chế tài theo luật pháp hiện hành để xử lý.
Cụ thể, một số nội dung mô tả hành động bạo lực, kích động bạo lực xuất hiện trong thời gian qua có thể bị xử phạt từ 3 – 40.000.000 VND theo quy định tại điểm a, Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP do có hành vi “sản xuất phim có nội dung kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội”.
Với những video lồng ghép, quảng cáo các tệ nạn như: cá cược bóng đá, lô đề, xóc đĩa… là những sản phẩm, dịch vụ bị cấm quảng cáo, trường hợp cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt từ 40 - 50.000.000 VND theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 50 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP do có hành vi “Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác.”
Hiệp Nguyễn
Ảnh: Facebook