Quảng Bình:
Hủ tục rùng rợn qua ký ức của người dân tộc vùng biên viễn
(Dân trí) - Là một bản làng dân tộc nơi biên giới của tỉnh Quảng Bình, đời sống người dân tại bản K’ai còn rất nhiều khó khăn, dân trí thấp. Nơi đây cũng tồn tại nhiều giai thoại về hủ tục “mẹ chết chôn con theo” với những câu chuyện rùng rợn.
Hủ tục rùng rợn
K'ai là bản làng dân tộc nằm ở vùng biên giới thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi sinh sống của người Mày, Khùa... Toàn bản hiện có 86 hộ dân với 390 nhân khẩu. Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng, những năm qua đời sống của người dân cũng đang dần được nâng lên. Tại K’ai, đồng bào đã biết trồng lúa nước, từ đó người dân được no ấm hơn.
Đến với K’ai, chúng tôi đã trực tiếp được dân bản và các chiến sỹ biên phòng kể lại những câu chuyện về hủ tục rùng rợn đã tồn tại ở bản làng này nhiều năm trước. Vừa rót ly nước mời những vị khách phương xa, Trưởng bản K‘ai Cao Xuân Xiêm bắt đầu trầm lắng kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện “mẹ chết chôn con theo”.
Theo ông Xiêm, trước đây người Mày quan niệm rằng, đứa bé mới chào đời thì thuộc về người mẹ. Nếu chẳng may người mẹ qua đời thì “hồn ma” mẹ sẽ về bắt đứa bé đi, ai mà nuôi đứa trẻ đó cũng bị “hồn ma” mẹ phạt vạ. Người đàn bà nào dám cho đứa trẻ đó bú mớm là chống đối với quan niệm của bản, rồi cũng bị “hồn ma” mẹ “ám” cả đời.
“Theo phong tục trước đây của người Mày, nếu mẹ chết thì dân bản sẻ tiến hành chôn cả mẹ lẫn con dù đứa trẻ còn sống. Cháu bé sẽ được buộc chặt vào người mẹ rồi dân bản tiến hành cúng bái và lấp đất chôn cất”, ông Xiêm chia sẻ.
Những đứa trẻ thoát “án tử”
Em Hồ Dưỡng (SN 2010) là một trong những người từng suýt trở thành nạn nhân của hủ tục rợn người này. Vào ngày 4/12/2010, mẹ của Hồ Dưỡng là chị Hồ Thị Lon khi vừa sinh ra Dưỡng đã không may bị tử vong.
Khi chị Lon mất, dù không mong muốn nhưng vì sợ bị dân bản quở trách, anh Hồ Hoàng (cha của Dưỡng) đã phải chấp nhận kết liễu cuộc đời đứa con máu mủ.
Thấy dân bản ra ngoài mua dây thừng, các đồ khâm liệm cho chị Lon và Dưỡng, ông Cao Xuân Xiêm (lúc này chưa phải Trưởng bản) đã chạy tới trạm biên phòng và UBND xã Dân Hóa nhờ giúp đỡ. Các cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và cán bộ xã Dân Hóa tức tốc có mặt tại gia đình anh Hồ Hoàng để giải cứu Hồ Dưỡng.
Những nhân chứng kể lại câu chuyện về hủ tục rợn người ở bản K’ai
Ông Đinh Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Dân Hóa, người từng vận động dân bản để giải cứu em Hồ Dưỡng cho biết, dù cán bộ xã và bộ đội biên phòng khuyên can nhưng người dân vẫn khăng khăng đòi chôn đứa trẻ. Đại diện Đồn Biên phòng Cha Lo và UBND xã sau đó phải cam kết đứng ra nuôi nấng Hồ Dưỡng và “thề độc” sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu “ma mẹ” bắt vạ dân bản mới chấp nhận.
“Cháu Dưỡng nay cũng đã 7 tuổi rồi, bộ đội biên phòng đã cưu mang, nuôi nấng cháu 2 năm. UBND xã cũng tạo điều kiện làm các chế độ hỗ trợ cho cháu, hiện Dưỡng đang sống và học tập ở làng SOS Đồng Hới” – ông Tiến nói.
Hồ Dưỡng không phải là đứa trẻ duy nhất được cứu sống. Nhiều năm về trước, chị Hồ Thị Phúc cũng may mắn được cứu khi mẹ đẻ của chị qua đời lúc chị vừa lọt lòng.
Bà Hồ Thị Xa, (mẹ nuôi của chị Phúc) không thể nhớ rõ ngày mà bà cứu chị Phúc thoát khỏi “án tử” của hủ tục, bà chỉ nhớ chị Phúc năm nay cũng đã ngoài 40.
“Hồi đó tui biết chuyện bản cúng bái để chôn sống một đứa trẻ vì mẹ nó bị “ma bắt” khi sinh nên đến xem. Nhìn thấy đứa nhỏ bị buộc vào người mẹ tui thương. Rứa là tui cầu xin Già làng cho đứa bé được sống nhưng không ai đồng ý vì sợ. Tui phải nói nếu “ma bắt” thì bắt gia đình tui họ mới chịu”, bà Xa nhớ lại.
Đưa chị Phúc về nuôi, gia đình bà Xa đã phải rời khỏi bản K’ai đến một bản khác để sinh sống. Chị Phúc nay cũng đã lấy chồng, sinh con.
Trao đổi với Dân trí, Trung úy Hoàng Quý Hòa, cán bộ Trạm Biên phòng K’Vàng, kiêm phụ trách bản K’ai cho hay, với sự tuyên truyền của chính quyền cũng như lực lượng biên phòng, các hũ tục tại bản K’ai và những bản khác trên điạ bàn đang dần được xóa bỏ.
“Chúng tôi cũng đã nỗ lực để tuyên truyền, giúp dân bản tiếp cận nhiều hơn với xã hội văn minh. Suy nghĩ của người dân giờ cũng đã thay đổi nhiều. Giờ ai có bệnh cũng đều đến trạm y tế thăm khám chứ không còn mời thầy mo đến cúng bái nữa”, anh Hòa cho hay.
Tiến Thành