Hot girl nhà giàu nằng nặc đòi chuyển giới, lấy nữ bác sĩ tâm thần
Mắc chứng hưng cảm, thường xuyên hoang tưởng, cô gái con nhà giàu ở Hà Nội liên tục đòi kết hôn với nữ bác sĩ điều trị cho mình.
Thi thoảng một bệnh nhân lại nhảy lò cò, cười khành khạch rồi nói không ngừng nghỉ. Bên cạnh là 2,3 người nhà đứng trông chừng. Người phụ nữ da đen xạm, dáng lam lũ lấy tay quệt nước mắt khi chứng kiến cô con gái khoảng 20 tuổi chạy vòng quanh hàng ghế.
Bà chia sẻ, 2 năm nay, con gái bỗng phát bệnh tâm thần, có gì trong tay là ném tứ tung. Ban đầu bà nghe người ta, đi cúng bái, chữa thuốc Nam nhưng không thuyên giảm, giờ hai vợ chồng mới đưa con vào bệnh viện thăm khám lần đầu.
Mắc bệnh tâm thần, thiếu nữ thích gạ gẫm người lạ
Mỗi ngày, bác sĩ Đặng Thị Tươi - khoa Cấp tính nữ, BV Tâm thần Trung ương 1 phải tiếp xúc với không ít bệnh nhân như cô gái kể trên.
Bác sĩ Tươi chia sẻ, nhiều cô gái có dấu hiệu mắc hội chứng hưng cảm. Những ngày nắng nóng, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện điều trị tăng cao.
‘Đây là chứng bệnh đối nghịch với trạng thái trầm cảm. Đối tượng mắc bệnh thường có triệu chứng hoang tưởng tự cao rõ rệt, hưng phấn về cảm xúc, ảo giác nặng. Người bệnh cảm giác như tràn đầy nhiệt huyết, nói suốt cả ngày.
Đa số người hưng cảm đều bị rối loạn giấc ngủ, ăn uống. Một số bệnh nhân còn tăng nhu cầu hoạt động tình dục. Dần dần, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy kiệt vì hoạt động nhiều, trong khi ăn, ngủ kém’, BS Tươi nói.
Khoa Cấp tính nữ (bệnh viện Tâm thần Trung ương I)
Một trong những bệnh nhân có biểu hiện hưng cảm đặc trưng nhất mà bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị là Đ.T.H (SN 1986 - Hải Dương) hay còn gọi là hot girl Bella. Lúc nào người phụ nữ này cũng nghĩ mình là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Bên cạnh đó, có thời gian chị luôn có ảo thanh trong đầu rằng, có người muốn ám hại mình.
Hay như trường hợp nữ bệnh nhân tên V nhà ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang điều trị ngoại trú. Nữ bác sĩ nhớ lại: ‘5 năm trước, tôi chính thức về bệnh viện Tâm thần Trung ương I công tác.
Thời sinh viên, tôi đã trải qua các kỳ thực tập, nghiên cứu nên đã phần nào hiểu được tính chất công việc mình đang làm, tiếp xúc với bệnh nhân ra sao?…Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc, tôi cũng gặp không ít bất ngờ'.
Vẫn lời BS Tươi, bệnh nhân nữ tên V (Hà Nội), sinh ra trong gia đình khá giả. Mẹ mất sớm, bố sang nước ngoài định cư và lấy vợ mới. V sống ở Việt Nam với người bác ruột.
Ngày đầu tiên BS Tươi đi làm, bệnh nhân V đã có thâm niên nhiều năm điều trị chứng hưng cảm tại bệnh viện. Thấy BS Tươi, V chạy đến vồn vã: 'Em đi chuyển giới rồi BS cưới em nhé'.
Những ngày sau đó, V đặc biệt quý mến BS Tươi, hay trò chuyện, tán tỉnh. Nữ BS cũng dành nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm đến trường hợp này.
Giọng buồn bã, bác sĩ Tươi nói: ‘Bố V ở nước ngoài nên suốt thời gian dài, hầu như chỉ có người bác đưa V đến thăm khám, điều trị. Có lẽ tuổi thơ không hạnh phúc đã khiến bệnh tình của V thêm trầm trọng. Vài năm trở lại đây, V đã ổn định hơn, chỉ điều trị ngoại trú’.
Theo lời bác sĩ Tươi, không chỉ riêng V, một số bệnh nhân hưng cảm cũng thích tán tỉnh người khác, bất kể cùng giới hay khác giới. Tuy nhiên, họ luôn nghĩ rằng, người đó thích chứ không phải họ thích người ta.
Chồng ngoại tình, nữ đại gia nửa đêm 'nấu cháo' điện thoại với bác sĩ
Công tác tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 trên 20 năm, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Vân (SN 1974) - Trưởng khoa Bán cấp tính nữ cho hay, cuộc sống hiện đại, áp lực công việc, gia đình khiến nhiều người dễ mắc chứng trầm cảm.
Các ca trầm cảm dù nặng hay nhẹ vào điều trị tại khoa, bác sĩ Vân thường dùng phác đồ thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý để chữa trị.
Bác sĩ Vân tư vấn cho trường hợp mắc bệnh trầm cảm
Một trong các ca bệnh chị điều trị nhiều năm nay là người phụ nữ giàu có. Khi tìm đến bác sĩ, bệnh nhân có biểu hiện tiều tụy, mất tập trung, liên tục nghĩ đến việc tự tử.
Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng trầm cảm. Tìm hiểu căn nguyên khởi phát bệnh, bác sĩ Vân được biết, người này có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc.
Những cuộc cãi vã triền miên cộng với việc phát hiện chồng ngoại tình làm chị suy sụp. Bên cạnh đó, con cái đến tuổi vị thành niên, tâm lý thay đổi, sợ con đua đòi, hư hỏng, bệnh nhân lúc nào cũng trong trạng thái lo âu tột độ.
Để giúp bệnh nhân giải tỏa buồn bực trong lòng, mỗi ngày chị Vân thường dành cả tiếng đồng hồ tâm sự với chị như người bạn.
Hôm nào không gặp bác sĩ ở viện, bệnh nhân này lại gọi điện ‘nấu cháo’. Cuộc gọi có khi kéo dài vài tiếng đồng hồ.
Thậm chí 2 - 3 giờ sáng, bệnh nhân này mất ngủ cũng gọi đến than thở với bác sĩ. Sau này, có nhiều đêm bác sĩ Vân phải tắt máy và gọi lại cho bệnh nhân vào hôm sau.
‘Những lúc bệnh nhân cần lời động viên, chia sẻ, tôi rất sẵn lòng, tuy vậy, nếu thức đêm kéo dài, bản thân mình cũng ngã bệnh, không thể tỉnh táo khám chữa bệnh được. May mắn sau nhiều năm điều trị tích cực, bệnh nhân này đã ổn định tinh thần, chỉ tái khám theo định kỳ’, bác sĩ Vân kể.
Theo bác sĩ Vân, những bệnh nhân trầm cảm cần được quan tâm, chia sẻ sâu sắc từ người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Vì chỉ cần 1 hành động nhỏ, 1 phút lơ là có thể xảy ra chuyện thương tâm.
Giọng man mác buồn, bác sĩ Vân kể, cách đây vài tháng, có trường hợp bệnh nhân trầm cảm nặng, được người nhà đưa vào nhập viện. Nhập viện xong, người nhà rời viện để về quê lấy thêm giấy tờ.
Chẳng ngờ, người bệnh u uất, tưởng người nhà bỏ rơi mình nên bí mật treo cổ trong phòng lúc 3 giờ sáng. Mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
‘Người mắc bệnh trầm cảm có ý định tự sát rất mãnh liệt. Có thể biểu hiện bên ngoài họ vẫn cười nói bình thường nhưng bên trong suy nghĩ là tìm cái chết. Bởi vậy, khi phát hiện bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh trầm cảm cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và điều trị kịp thời’, nữ bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Theo Vietnamnet