Honeywell đồng hành cùng giáo viên Việt Nam lan tỏa tinh thần khoa học tới cộng đồng
Giáo dục luôn được coi là nền tảng cốt lõi cho sự phát triển văn minh và tiến bộ của xã hội. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, vấn đề giáo dục về các môn khoa học kỹ thuật, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Có thể nói, bên cạnh các môn khoa học xã hội, thì việc đầu tư giáo dục vào ngành STEM được coi là cách đầu tư tốt vào nguồn lực con người nhằm thúc đẩy nền kinh tế tri thức và phát triển bền vững.Mới đây, ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton cũng tuyên bố: nếu trở thành tổng thống, bà sẽ ủng hộ việc cấp thẻ xanh, hoặc cư trú vĩnh viễn, cho những sinh viên nước ngoài đạt được các bằng cấp STEM chuyên sâu tại Mỹ.
Honeywell Educators at Space Academy (HESA) - một chương trình học bổng nhằm giúp các giáo viên trung học dạy toán và khoa học trở nên hiệu quả hơn trong việc giảng dạy được đánh giá cao bởi những đóng góp tích cực giúp thúc đẩy phát triển giáo dục STEM. Trong hơn 10 năm qua, chương trình HESA đã biến các bộ môn STEM vốn được xem là khô khan thành nhiều hoạt động lý thú, giúp lan tỏa tinh thần học khoa học tới hàng triệu giáo viên, sinh viên trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Phương pháp giảng dạy mới từ những trải nghiệm mới
Khác với chương trình thông thường, HESA mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới, khác lạ nhưng vô cùng thú vị. Với 45 giờ tham gia các hoạt động trong lớp học, phòng thí nghiệm, tập trung chủ yếu vào khoa học và thăm dò không gian, các giáo viên từ nhiều quốc gia trên thế giới đã có được những trải nghiệm vô cùng quý báu trong sự nghiệp giảng dạy của mình. Các bài tập này bao gồm các hoạt động mô phỏng phi hành gia vũ trụ như mô phỏng máy bay phản lực hiệu suất cao, nhiệm vụ vũ trụ giả định, đào tạo sinh tồn trên mặt đất và trong môi trường nước, và chương trình động lực học tương tác.
Điều tuyệt vời là khi trở về từ chương trình, các giáo viên còn ứng dụng ngay kiến thức và phương pháp mới vào công tác giảng dạy tại trường học. Cô Mai Thị Kim Tuyến – giáo viên trường THCS Thành Công (Hà Nội), một trong 6 đại diện Việt Nam tại HESA 2016 chia sẻ kế hoạch cho năm học mới: “Giáo án môn Sinh học của tôi với phương pháp từ HESA đã sẵn sàng. Bên cạnh tham gia hoạt động trong câu lạc bộ STEM của trường, tôi còn đề xuất một hoạt động trong chương trình chào đón học sinh khối 6 chủ đề tìm hiểu khoa học, giúp khơi gợi đam mê và tăng khả năng hòa nhập của các em.”
Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự HESA 2015, cô giáo Nguyễn Thanh Thuyết giáo viên trường THCS Khánh Hòa (Sóc Trăng) từng chia sẻ, “HESA đã mang lại cho tôi những kinh nghiệm quý báu từ các hoạt động như lớp học chuyên sâu, phòng thí nghiệm, đào tạo tập trung vào khoa học và thăm dò không gian. Chương trình này đã truyền cảm hứng cho tôi trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy để tôi tiếp tục truyền cảm hứng cho học sinh của mình và giúp các em yêu khoa học hơn.”
Đặc biệt hơn, cô giáo Thuyết cũng chính là đại diện đầu tiên của Việt Nam nhận được học bổng của chương trình Honeywell Green Boot Camp (HGBC) – chương trình tập huấn về môi trường, năng lượng và phát triển bền vững năm 2016 tại San Diego, California, Hoa Kỳ. Đến với chương trình HGBC, cùng với các thầy cô giáo khác, cô giáo Thuyết đã được hướng dẫn thiết kế các hoạt động dạy học thông qua chủ đề môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, chất lượng nước và phát triển bền vững. Mỗi thành viên tự thiết kế bài học của mình bằng một dự án và tập hợp, chia sẻ với nhau vào cuối chương trình.
“HESA và HGBC mang lại cho tôi rất nhiều điều bổ ích. Một là góc nhìn mới về giảng dạy: Không chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài cũng có nhiều học sinh chưa hứng thú với khoa học, nên giáo viên phải là người truyền cảm hứng chứ không chỉ kiến thức suông. Hai là, từ góc nhìn đó, tôi được hướng dẫn thiết kế hoạt động dạy học theo dự án, làm sao để gần gũi, thiết thực, cung cấp cho các em cả những kĩ năng mềm cần thiết. Ba là, được tiếp xúc với các giáo viên khắp thế giới giúp tôi hiểu rõ hơn bức tranh giáo dục hiện nay để nhìn lại bản thân, biết rằng mình cần học hỏi thêm nữa”, cô Thuyết nhấn mạnh.
Cô giáo Nguyễn Thanh Thuyết (hàng dưới, bên phải) tại Honeywell Green Boot Camp 2016
Cô Thuyết cũng hào hứng chia sẻ thêm, “Tôi đang dịch và biên soạn 50 giáo án tham khảo từ những giáo viên tham gia HGBC 2016 để ứng dụng trong năm học tới. Nhưng vì mới bắt đầu, nên thời lượng “thử nghiệm” sẽ chiếm khoảng 1/3 tiết dạy; về sau, khi học sinh quen dần, tôi sẽ tăng tỉ lệ lên. Còn một điều tôi rất thích là bộ dụng cụ được Honeywell tặng, tôi nhất định triển khai ngay, bao gồm Solar Energy Car (Ô tô năng lượng mặt trời), Water Challenge (Thử thách với nước), Energy Vampire (Ma cà rồng năng lượng).”
Lan tỏa tinh thần STEM tới cộng đồng
Không chỉ dừng lại ở việc học và trải nghiệm từ chương trình HESA hay HGBC, các giáo viên Việt Nam đã vô cùng tích cực trong việc lan tỏa tình yêu các bộ môn STEM hay ứng dụng những kiến thức bổ ích để chia sẻ, truyền tải và khơi gợi niềm đam mê cho chính học sinh của mình, giúp phát triển tài năng của thế hệ tương lai.
Cô Thanh Thuyết có lập một Fanpage chia sẻ kinh nghiệm từ những chương trình cô tham dự và thông tin các chương trình học bổng cho giáo viên. Cô Kim Tuyến cũng trở thành cộng tác viên của Học viện Khám phá (Discovery Academy), với nhiệm vụ tổ chức các hoạt động khoa học thú vị, bổ ích cho trẻ nhỏ.
Cô Mai Thị Kim Tuyến cùng các em nhỏ khám phá khoa học
Ở Việt Nam, giáo dục STEM vẫn còn là khái niệm tương đối xa lạ với đại chúng. Nếu xét từ các yêu cầu của giáo dục theo mô hình STEM thì giáo dục phổ thông của Việt Nam còn một số hạn chế như nặng về kiến thức hàn lâm và nhẹ về yêu cầu ứng dụng thực hành; các môn toán, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ chưa coi trọng yêu cầu hình thành và phát triển năng lực, chưa xây dựng cách tiến cận các bộ môn xuyên suốt; từ đó chưa thấy hết vai trò của việc ứng dụng các môn học trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại. Hơn bao giờ hết, giáo dục Việt Nam cần những người “truyền lửa” để lan tỏa tinh thần STEM tới cộng đồng nói chung và các giáo viên, học sinh nói riêng.
Nhiệm vụ ngoài không gian
“Khi rời khỏi đây, bạn là một đại sứ của Honeywell, hãy làm sao truyền được tinh thần của chương trình đến học sinh của mình và những giáo viên khác” cũng chính là thông điệp của Honeywell và được coi là động lực cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thầy cô nhằm lan tỏa tinh thần STEM tới cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang khát nhân lực làm khoa học.
“Những người được hưởng lợi nhất của chương trình chính là hàng nghìn, hàng vạn học sinh tham gia vào các lớp học của các giáo viên, và nói rộng ra là xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Đây chính là cam kết đồng hành phát triển bền vững cùng Việt Nam của Honeywell mà chúng tôi luôn hướng tới”, bà Mai Trang Thanh – Chủ tịch Honeywell khu vực Đông Dương chia sẻ.