Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở Hà Nội

(Dân trí) - Cứ mỗi tối thứ 6 hàng tuần, lớp học hát xẩm miễn phí trên phố Hoàng Cầu, Hà Nội lại nhộn nhịp tiếng thanh la, đàn nhị, đàn bầu hòa cùng làn điệu xẩm nhẹ nhàng.

Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở Hà Nội

Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở Hà Nội - 1

Lớp học hát Xẩm thu hút nhiều người quan tâm.

Hát xẩm là loại hình nghệ thuật rất kén người nghe. Người có khả năng cảm nhận nhạc xẩm và kiên trì, nhiệt huyết theo đuổi loại hình nghệ thuật này, đặc biệt là ở giới trẻ lại càng ít. Hát xẩm đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền bởi nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân là do việc truyền dạy bằng cách truyền khẩu là chủ yếu, nên rất khó khăn trong việc sao lưu, bảo tồn.

Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở Hà Nội - 2

Trong hát xẩm phách gọi là sênh sứa/cặp kè.

Sớm nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn của nghệ thuật hát xẩm, Trung tâm nghệ thuật Thăng Long đã tổ chức lớp học hát xẩm miễn phí.

Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở Hà Nội - 3

Đàn nhị là nhạc cụ không thể thiếu khi hát Xẩm.

Cứ mỗi tối thứ 6 hàng tuần, lớp học hát xẩm miễn phí trên phố Hoàng Cầu, Hà Nội lại nhộn nhịp tiếng thanh la, đàn nhị, đàn bầu hòa cùng làn điệu xẩm nhẹ nhàng. Không chỉ có những học viên cao tuổi, lớp học đón nhận sự tham gia của nhiều thanh niên trẻ có đam mê với loại hình dân ca này.

Tính đến nay, lớp học hát xẩm miễn phí trên phố Hoàng Cầu, Hà Nội đã hoạt động được gần 1 năm. Hàng trăm học viên ở nhiều lứa tuổi được truyền cho kiến thức và tình yêu với nghệ thuật hát xẩm.

Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở Hà Nội - 4

Anh Hoàng Hữu Hùng là một trong những thầy cô trực tiếp giảng dạy tại lớp học này chia sẻ: “Dù công việc của tôi khá bận rộn nhưng tôi vẫn dành thời gian để giao lưu, học hỏi chia sẻ cùng học viên yêu thích hát xẩm. Mong muốn của tôi là phổ biến đến tất cả mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ về bộ môn này.

Xẩm là nghệ thuật truyền thống quý báu, chứa đựng nhiều giá trị tinh thần của cha ông ta để lại. Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy bộ môn này”.

Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở Hà Nội - 5

Trống mảnh, một loại nhạc cụ dùng trong hát Xẩm.

Tiếng lành đồn xa, các lớp học hát xẩm miễn phí của Trung tâm Nghệ thuật Thăng Long ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Những học viên theo đuổi bộ môn hát xẩm đều canh cánh trong mình trách nhiệm gìn giữ một phần quan trọng của văn hóa dân tộc. 

Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở Hà Nội - 6

Những học viên lớn tuổi của lớp học hát Xẩm.

Kể về duyên gắn bó với hát xẩm, anh Nguyễn Khánh Toàn (Bắc Ninh) cho biết: “Tôi đã quan tâm và học hát xẩm được ba tháng. Xẩm là bộ môn khó hát, nhưng khi đã theo đuổi thì cảm thấy đây là loại hình dân ca độc đáo. Các thầy cô trực tiếp giảng dạy lớp học miễn phí này cũng rất trẻ tuổi, nhưng nhiệt huyết và tình yêu dành cho xẩm đã truyền lửa cho chúng tôi rất nhiều”.

Hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở Hà Nội - 7

Những người trẻ tuổi đam mê hát xẩm, đồng thời cũng là giảng viên tại lớp học này.

Với sự đam mê và sự cố gắng không mệt mỏi của những người tâm huyết với lớp xẩm miễn phí, xẩm Hà thành đã và đang hồi sinh, lan tỏa mạnh trong đời sống tinh thần người dân. Không dừng lại ở đó, những người yêu xẩm còn đưa loại hình âm nhạc này phát triển hơn mỗi ngày với hy vọng trong tương lai gần hát Xẩm sẽ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nguyễn Bắc - Ngọc Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm