Hội sành ăn canh từng giờ, “soi" từng phút để “săn” hải sản “khuyết tật”
(Dân trí) - So với hải sản nguyên con thì hàng “khuyết tật” khan hiếm hơn mà giá rẻ chỉ bằng 1/2 lại đảm bảo độ tươi ngon, giàu dinh dưỡng nên được nhiều bà nội trợ “săn lùng”.
Hải sản dù vẫn tươi sống, bơi khỏe nhưng do bị gãy càng, chân nên được người bán loại ra, gọi là hàng “khuyết tật” và rao bán với giá rẻ chỉ bằng 1/2, 1/3 hàng nguyên con.
Mặt hàng này tuy giá rẻ hơn rất nhiều, hình dạng không nguyên vẹn nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, không khác gì hải sản tươi sống nguyên con. Bởi vậy, nhiều bà nội trợ tìm cách “lùng mua” bằng được để có thể thưởng thức hải sản “hạng sang” mà vẫn tiết kiệm ngân sách.
Anh Nguyễn Huy Tùng - chủ một cửa hàng hải sản tươi sống ở quận Long Biên cho biết, mặc dù vẫn sống, bơi khỏe nhưng do bị thương không quá trình vận chuyển nên cua, ghẹ “khuyết tật” được loại riêng ra để bán với giá rẻ.
“Hải sản gãy chân, càng hay bị thương nếu không bán được thì sẽ nhanh chết. Mà khách đến thưởng thức hải sản tại quán thường không thích mặt hàng không còn nguyên vẹn nên mình thường loại những con gãy chân, càng ra để bán lẻ. Bán ngay khi hải sản mới bị thương thì chất lượng vẫn đảm bảo tươi ngon mà còn gỡ lại được chút vốn”, anh Tùng nói.
Bình thường, cua gạch có giá 550.000 - 650.000 đồng/kg thì hàng bị thương chỉ còn 300.000 - 380.000 đồng/kg. Ghẹ nguyên con khoảng 250.000-300.000 đồng/kg thì loại gãy càng, mất chân giá khoảng 150.000 đồng/kg.
Để đảm bảo chất lượng thịt, một số thương lái thường hấp chín hải sản ngay khi phát hiện hàng bị thương và rao bán với giá 50.000 - 100.000 đồng/con (tùy loại).
Với mặt hàng “ngoại” như tôm Alaska hay cua Hoàng đế, loại “khuyết tật” cũng có giá thành rẻ rất nhiều nên được nhiều người “săn đón”. Chị Hoàng Tâm bán hải sản ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai cho hay, cua ghẹ tôm “khuyết tật” không nhiều, không phải lúc nào cũng sẵn có. Một số loại hải sản vẫn nguyên vẹn khi đánh bắt nhưng do quá trình vận chuyển không cẩn thận dễ làm gãy càng, chân.
“Nếu thấy có hải sản bị thương là mình rao bán ngay. Chỉ đăng khoảng 15-20 phút là bán hết vì nhiều người mua lắm, giá rẻ mà chất lượng thì tươi ngon không kém hàng nguyên con. Có người còn đặt trước để khi nào có hàng “khuyết tật” thì gọi họ nhưng hiếm lắm.
Cua, ghẹ bình thường thì còn hay có chứ cua Hoàng đế hay tôm Alaska thì thi thoảng thôi. Vì những loại này đánh bắt khó, khâu vận chuyển kì công nên phải hạn chế rủi ro, không là lỗ vốn”, chị Tâm nói.
Cũng theo tiểu thương này, tùy vào tình trạng bị thương của hải sản mà giá thành khác nhau. Hàng bị thương nặng hay gãy nhiều chân, càng thì giá càng rẻ. Dù là mặt hàng “khuyết tật” nhưng những loại hải sản này còn đắt hàng hơn nhiều so với đồ tươi sống nguyên vẹn.
Chị Thanh Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cuối tuần trước chị mới mua được một con cua Hoàng đế thiếu càng với giá 800.000 đồng/kg. Con cua nặng 3kg, tính ra hết 2.4 triệu đồng.
“Nhà mình thích ăn hải sản lắm nhưng món đắt tiền thì lâu lâu mới dám ăn một lần thôi. Ban đầu mình cũng nghĩ tiền nào của nấy, sợ hàng rẻ thì chất lượng không đảm bảo nên không mua. Sau thử mua một lần thì thích luôn. Vì nó vẫn là hàng tươi sống, chỉ là bị gãy chân, càng nên người ta bán rẻ thôi. Giá thì rẻ hơn nhiều mà hàng vẫn ngọt thịt, tươi ngon. Mình toàn phải theo dõi những người bán hải sản suốt, thấy họ đăng cái là mua ngay nếu không người ta tranh nhau hết”, chị Ngọc nói.
“Tàu ngầm” trong các hội nhóm “chợ hải sản online”, chị Mai Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) khoe hay mua được hải sản “khuyết tật”, giúp cả nhà đổi món thường xuyên mà không lo tốn tiền.
“Bình thường tôm Alaska sống toàn vài triệu/con nhưng săn được hàng thương binh thì giá rẻ lắm. Ăn thưởng thức để biết vị ngon nên mình không quan tâm đến chuyện tôm còn nguyên càng hay không mà giá giảm tới 1/2, 1/3 thì tội gì không mua.
Mà hàng khuyết tật này cũng hiếm, thời gian không cố định nên mình toàn mò mẫm trong các hội nhóm rồi xem trên facebook các cửa hàng, người bán hải sản. Hôm nào thấy họ bán là mình mua ngay”, chị Mai Anh chia sẻ.
Chị cũng tiết lộ cách chọn mua loại hải sản “khuyết tật” vừa ngon vừa rẻ. Nên chọn hải sản còn sống nhưng bị gãy càng, chân thay vì mua hàng “ngộp, hấp hối”. Vì hải sản khi đã chết, nếu không biết cách bảo quản thường sẽ bị biến chất, teo thịt hoặc thịt rất bở.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên chọn mua ở những địa chỉ uy tín hoặc quen biết để được “bao ăn”, bao đổi trả nếu hải sản không đạt chất lượng. Hải sản sau khi mua nên được hấp ngay để giữ nguyên hương vị.