Hội nghị về Big Data và AIoT tổ chức tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Trường Thịnh

(Dân trí) - Hội nghị quốc tế lần thứ nhất International Conference on Intelligence of Things - ICIT 2022 được tổ chức thành công tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất vào ngày 17-19/8/2022.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi và đổi mới quan trọng mà Internet vạn vật (IoT) thúc đẩy chuyển đổi số trong cuộc sống con người. Cùng với những thành công ấn tượng của các mô hình IoT, mọi thứ giờ đây đòi hỏi khả năng thông minh khi kết nối với Internet. Vì vậy, việc tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào cơ sở hạ tầng IoT được xem là một giải pháp đầy triển vọng, định nghĩa thế hệ tiếp theo của IoT, tức là trí thông minh của vạn vật (IoT2/AIoT).

Hướng đến chủ đề này, Hội nghị quốc tế lần thứ nhất International Conference on Intelligence of Things - ICIT 2022 đã được tổ chức lần đầu tiên tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất vào ngày 17-19/8/2022.

Tham dự hội nghị lần này có Giáo sư Gottfried Vossen - Đại học Muenster, Đức - Hội viên Hiệp hội Khoa học Máy tính Đức, GS. Sungrae Cho - Đại học Chung - Ang, Hàn Quốc; PGS. Dao Nhu Ngoc - Đại học Sejong, Hàn Quốc; PGS Laihyuk Park - Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul, Hàn Quốc; PGS Woongsoo Na - Đại học Quốc gia Kongju, Hàn Quốc; GS. Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Câu lạc bộ các trường đại học, Học viện ICT Việt Nam; TS Trần Thế Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đà Nẵng cùng với hơn 100 giáo sư, các nhà khoa học từ các nước trên thế giới như Australia, Đức, Mỹ, Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… Các bài của Keynote Speech và các báo cáo khác của các nhà khoa học trong hội nghị xoay quanh các chủ đề được quan tâm nhất hiện nay về Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo và Internet kết nối vạn vật (AIoT).

Kỷ yếu của Hội nghị ICIT 2022 gồm 40 bài báo được chọn lọc từ trên 100 bài nộp, đã được xuất bản trên Lecture Notes on Data Engineering and Communications Technologies, Springer (https://link.springer.com/book/9783031150647).

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa 5 khoa có đào tạo về lĩnh vực Công nghệ thông tin của các trường: Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chính Minh và Trường Đại học Quy Nhơn. Năm Khoa sẽ cùng nhau phát triển hợp tác về các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức hội nghị, hội thảo, và phát triển hợp tác quốc tế.

Hội nghị về Big Data và AIoT tổ chức tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất - 1
Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa 5 khoa có đào tạo về lĩnh vực Công nghệ thông tin của các trường.
Hội nghị về Big Data và AIoT tổ chức tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất - 2
GS. Sungrae Cho (Steering Committee) - Đại học Chung - Ang, Hàn Quốc.
Hội nghị về Big Data và AIoT tổ chức tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất - 3
Giáo sư Gottfried Vossen - Đại học Muenster, Đức - Hội viên Hiệp hội Khoa học Máy tính Đức.
Hội nghị về Big Data và AIoT tổ chức tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất - 4
Hình ảnh trong phiên báo cáo tại Hội nghị ICIT 2022.

Ngoài ra, Hội nghị ICIT cũng là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Hội nghị về Big Data và AIoT tổ chức tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất - 5

PGS.TS Lê Hồng Anh - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Đồng Trưởng ban tổ chức hội nghị ICIT 2022.

PGS.TS Lê Hồng Anh - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Đồng Trưởng Ban tổ chức hội nghị ICIT 2022, nói về những thành tựu đạt được sau gần 20 năm xây dựng và ý nghĩa của hội nghị đối với sự phát triển về đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học của Khoa Công nghệ thông tin.

"Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mỏ - Địa chất hiện tại có cơ sở rất tốt cho sự phát triển trong tương lai với 3 chương trình đào tạo đại học, 1 chương trình chất lượng cao nhằm thu hút sinh viên giỏi, 1 chương trình đào tạo thạc sĩ, chất lượng sinh viên đầu vào nói chung ngày càng được nâng cao. Trong giai đoạn tới khoa sẽ tiếp tục mở thêm các chương trình mới sẽ gắn liền với xu hướng phát triển CNTT, tăng các học phần có sự tham gia của doanh nghiệp, xây dựng các chương trình đào tạo liên kết dạng 3+1 hay 2+2 với các trường đối tác quốc tế tại Anh, Úc... Đặc biệt sẽ xây dựng vườn ươm khởi nghiệp cho giảng viên và sinh viên, là nơi để các ý tưởng, các kết quả nghiên cứu có thể triển khai và ứng dụng trong thực tế.

Tầm nhìn đến năm 2030 khoa sẽ thành một khoa mạnh về đào tạo CNTT, một trong những cơ sở hàng đầu về CNTT ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học trái đất, năng lượng, môi trường, kinh tế...

Tổ chức Hội nghị ICIT 2022 lần thứ nhất là một sự kiện đặc biệt đối với khoa CNTT trong năm, là một sự kiện đánh dấu 20 năm xây dựng và phát triển. Ý tưởng của ICIT là kết nối các khoa CNTT ở 3 miền đất nước, tạo ra một diễn đàn khoa học uy tín về lĩnh vực đang rất được quan tâm. Tham gia sáng lập và tổ chức thành công hội nghị với quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất về tích hợp trí tuệ nhân tạo và IoT, đã khẳng định sự trưởng thành của Khoa cả về năng lực chuyên môn cũng như quản lý, tổ chức hội nghị, kết nối các khoa CNTT của các trường đại học trong nước. Các chủ đề chính của Hội nghị về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT và các ứng dụng cũng là hướng phát triển chính trong nghiên cứu và đào tạo của khoa. Sau thành công của hội nghị đầu tiên, ICIT sẽ tiếp tục được cải tiến và phát triển để mang tầm quốc tế và chất lượng cao hơn nữa trong những lần tiếp theo. Khoa CNTT, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đang và tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển của hội nghị".