"Hô biến" lá dừa nước miền Tây thành giỏ hoa, con vật ở Hà Nội, kiếm tiền triệu mỗi ngày
(Dân trí) - Cứ 17h chiều mỗi ngày, bên lề đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội), nhiều người lại thích thú ngắm nhìn, tìm mua những sản phẩm từ lá dừa nước vừa đẹp mắt vừa độc đáo của anh Nguyễn Mạnh Thắng.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng (41 tuổi, quê Nam Định) đã gắn bó với nghề đan lá dừa suốt 13 năm qua. Dù nhiều lần vì lí do này lí do khác phải chuyển nghề nhưng cuối cùng anh vẫn lựa chọn công việc thủ công mà mình yêu thích.
Như một cơ duyên, anh bắt đầu gắn bó với nghề làm chuồn chuồn, cánh bướm, cào cào từ con đường Thanh Niên, Hà Nội. Sau này quầy hàng ấy theo anh rong ruổi khắp các con đường, ngõ phố của Thủ đô, có lúc còn vào đến Nghệ An. Anh kể: Khi mới làm nghề, còn trẻ còn nhiệt huyết nên mỗi ngày anh đan hơn 100 sản phẩm từ con vật đến hoa, đồ trang trí.
"Lúc đó, những năm 2006 - 2007, giá sản phẩm dao động từ 5.000 - 10.000 đồng thôi mà nếu làm chăm chỉ, cứ 3 ngày là tôi đủ tiền mua 2 chỉ vàng. Ngày đó giá vàng khoảng triệu rưỡi/chỉ. Hàng làm đến đâu hết đến đó nên tôi cứ làm ngày làm đêm."
Nguyên liệu chính anh Thắng sử dụng là lá dừa nước được bạn bè anh trong miền Tây gửi ra. "Trong đó, nguồn nguyên liệu này quá dồi dào, nên họ toàn cho không. Tôi chỉ mất tiền cước vận chuyển là chính. Loại lá này nếu giữ ẩm đúng cách thì tươi màu được vài tuần thậm chí cả tháng."
Để đáp ứng thị hiếu khách hàng, mỗi ngày anh đều mày mò sáng tạo thêm những sản phẩm bắt mắt. Những giỏ hoa hồng kì công, cắt chữ 'I love You' dành cho các bạn trẻ; những chiếc mũ lá, giỏ đựng, đèn lồng,... dành cho trẻ em.
Các sản phẩm từ lá dừa sẽ giữ được màu tươi từ 4 - 5 ngày. Sau đó chúng sẽ phai màu dần, ngả về màu trắng như nón lá. Anh Thắng hoàn toàn không ngâm, tẩm nguyên liệu vào hóa chất.
Hiện nay, mỗi con vật từ lá dừa được anh bán với giá 15.000 đồng/ con còn hoa hồng có giá 20.000 đồng/bông. Những bó hoa kì công hơn có giá dao động 100.000 - 150.000 đồng.
Dịp Lễ, Tết cao điểm, mỗi ngày anh Thắng bán được hơn 100 sản phẩm/ngày, thu về hơn 1 triệu đồng tiền lãi. Cũng từ quầy hàng rong ruổi khắp phố phường, anh được nhiều nơi mời về làm sản phẩm từ lá dừa cho các sự kiện lớn nhỏ, hoặc dạy các lớp mỹ thuật ngoài giờ cho học sinh mầm non, tiểu học.
Chị Nguyễn Thị Hà, một khách hàng của anh Thắng chia sẻ: "Mình từng ghé miền Tây và thấy rất nhiều người bán các sản phẩm từ lá dừa nhưng đây là lần đầu tiên mình thấy quầy hàng này tại Hà Nội. Những con chuồn chuồn, cào cào khiến mình nhớ về tuổi thơ thường làm đồ chơi bằng cỏ. Nhưng những sản phẩm này được làm từ lá dừa nước tươi nên màu đẹp hơn, bắt mắt hơn. Anh bán hàng cũng rất khéo tay, tỉ mỉ khiến con vật có hồn."
Những sản phẩm này đặc biệt thu hút với trẻ em. Anh Thắng cho biết: "Nhiều phụ huynh đến đây tìm mua rồi nhờ mình dạy làm vì ở nhà con họ rất thích. Những sản phẩm này lại không độc hại, bảo vệ môi trường nữa."
"Nhiều người bảo tôi hâm, sao không giữ nghề mà ai hỏi cũng nhiệt tình chỉ dạy. Nhưng tôi thấy, mình tôi làm chẳng hết việc thì chia sẻ cho mọi người cũng không thiệt thòi gì. Nhất là với trẻ em thì tôi dạy hoàn toàn miễn phí. Thấy các con làm được, thích thú là tôi vui lắm. Các con làm được con chuồn chuồn thì lại muốn học thêm con cào cào rồi tự sáng tạo, mày mò. Tôi thấy đó cũng là cách kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ." - anh Thắng tâm sự.
"Hiện nay, nguồn nguyên liệu không có sẵn nên nhiều lúc cũng khó khăn. Tôi đang bắt đầu thử nghiệm làm thêm sản phẩm bằng lá cọ, mo cây cau Vua sẵn có tại Hà Nội. Những chiếc mo cau nhặt về tôi có thể cắt thành đôi dép hay cái túi, thay cho túi nilon. Tôi cũng hy vọng làm ra những sản phẩm thiết thực từ nguyên liệu tự nhiên để bảo vệ môi trường mà giá thành thì siêu rẻ." - anh Thắng chia sẻ dự định.
Toàn Vũ-Hà Trang