Hiệu quả công tác bình đằng giới, bắt đầu từ nâng cao vai trò của phụ nữ

Tuệ Minh

(Dân trí) - Để thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, vai trò của người phụ nữ cần được nâng cao trong các hoạt động chính trị, kinh tế, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo...

Nâng cao vai trò phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế

Trong những năm qua, Đảng và nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới. Hệ thống chính sách, pháp luật liên quan bình đẳng giới đã được ban hành với mục đích giúp thu hẹp khoảng cách giới, giúp chị em phụ nữ được tiếp cận và thụ hưởng những thành quả phát triển. 

Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội và thông tin và truyền thông tại Việt Nam được xem là điểm sáng. Trong đó, chị em được tham gia, nắm vai trò ngày càng quan trọng ở nhiều cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội.

Hiệu quả công tác bình đằng giới, bắt đầu từ nâng cao vai trò của phụ nữ - 1

Nâng cao vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế, xã hội góp phần đạt được hiệu quả trong công tác bình đẳng giới (Ảnh: Th Dương).

Ngoài ra, thế giới đánh giá cao việc Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực trong thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Để đạt được kết quả cao trong công tác bình đẳng giới, việc nâng cao vai trò của phụ nữ đã và đang được quan tâm.

Tại Việt Nam, ngày càng nhiều phụ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quốc hội, với tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng không ngừng tăng qua các nhiệm kỳ.

Cụ thể, tại các bộ và cơ quan ngang bộ, 59% lãnh đạo chủ chốt là nữ, còn con số này ở chính quyền địa phương là 74,6%. Đáng chú ý, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% - cao hơn mức trung bình trên toàn cầu. 

Trong lĩnh vực kinh tế, chị em phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình. Số liệu tính đến năm 2024 cho thấy, có 28,2% tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp.

Cách làm hay góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ

Tại các địa phương trên cả nước, ngoài đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, nhiều nơi có cách làm hay để chị em phụ nữ góp phần phát triển kinh tế, hướng tới nâng cao vị thế của người phụ nữ. 

Tại huyện Tràng Định, Lạng Sơn, nhiều năm qua, địa phương này đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông… trong phát triển kinh tế.

Bằng cách giúp phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách, các chị em có cơ hội phát triển mô hình sinh kế trồng rừng. Các hoàn cảnh khó khăn lập thành tổ hợp tác trồng quế, hồi...

Chị em phụ nữ được tham gia các lớp tập huấn, chương trình đào tạo ngắn ngày để xây dựng ý tưởng kinh doanh và làm giàu, cải thiện cuộc sống gia đình.  

Huyện Tràng Định còn vận động phụ nữ áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho chị em dân tộc thiểu số đã được mở ra, góp phần cập nhật kiến thức mới trong sản xuất nông nghiệp cho bà con.

Thực tế cho thấy, việc nâng quyền kinh tế cho chị em phụ nữ là một cách hiệu quả thực hiện bình đẳng giới. Khi người phụ nữ có sự tự chủ kinh tế sẽ có tiếng nói trong gia đình, được xã hội coi trọng.

Hiệu quả công tác bình đằng giới, bắt đầu từ nâng cao vai trò của phụ nữ - 2

Phụ nữ ở Tràng Định, Lạng Sơn tích cực tham gia phát triển kinh tế (Ảnh: Hồng Anh).

Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án... về công tác bình đẳng giới. Trong đó, những phụ nữ khuyết tật, dân tộc thiểu số, cao tuổi, đơn thân... được chú trọng quan tâm. 

Nhờ được tiếp cận nguồn lực, chị em phụ nữ mạnh dạn thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã... tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng như hiện nay, ứng dụng công nghệ cao trong đó có trí tuệ nhân tạo vào công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới là cách được một số địa phương áp dụng.

Thông qua các phần mềm, ứng dụng, chị em tiếp cận được các nội dung tuyên  truyền, phổ biến Luật bình đẳng giới, nâng cao nhận thức toàn diện của cộng đồng về vấn đề này...

Để công tác bình đẳng giới đạt hiệu quả cao nhất, chính chị em phụ nữ cần sự nỗ lực, nắm lấy cơ hội, đặc biệt trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

Từ phía gia đình và thầy cô cần trao cho phụ nữ và các em gái tinh thần khát khao, vươn lên, khẳng định mình, đảm nhận vai trò lãnh đạo, đứng đầu doanh nghiệp. Khi tự mình nắm bắt được cơ hội sẽ mang đến cho bản thân một hướng đi mới, khẳng định được vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.

Những thành công mà chị em làm được sẽ chứng minh phụ nữ có năng lực, có thể đảm nhận các vai trò quan trọng, phát huy hết khả năng của bản thân. Từ những bước đi đó, xã hội sẽ xóa bỏ được những định kiến về giới.

Những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới đã được thế giới ghi nhận. Theo chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới năm 2023, Việt Nam xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.