Hết Tết và trăn trở của những người con lập nghiệp xa quê

PV

(Dân trí) - Năm nay, anh Hoàng Công Anh (48 tuổi, quận 1, TPHCM) quyết định đưa cả gia đình về quê ở Cà Mau từ 26 đến mùng 4 Tết, để con cái được tận hưởng trọn vẹn không khí Tết cổ truyền.

Nỗi lòng của người con xa quê 

Lên TPHCM lập nghiệp được 25 năm, sau đó anh Công Anh lại lấy vợ ở thành phố. Do công việc kinh doanh bận rộn nên mọi năm vào ngày Tết anh thường chỉ tranh thủ đưa các con và vợ về quê ngày mồng 1 đi chúc Tết họ hàng rồi lại lên thành phố luôn.

Cha mẹ anh Công Anh năm nay đều đã ngoài 70 tuổi. Nghe tin các con về ăn Tết, mẹ anh Công thấp thỏm dọn dẹp nhà cửa từ sớm, còn cha anh Công cũng đi ra đi vào ngóng các cháu… quên cả ăn. Ông bà phấn khởi, nói cười rôm rả, bảo: Tết năm nay ăn to nhất làng vì đủ đầy cả nhà.

"Mọi năm các con còn nhỏ, tôi chưa có xe riêng nên việc di chuyển vất vả thường chỉ về nhà chốc lát rồi đi ngay. Năm nay, tôi muốn cho các con được gần gũi cha mẹ, các bác, tận hưởng không khí Tết đầm ấm, theo phong tục cổ truyền, sống lại tuổi thơ của bố mẹ ở quê", anh Công Anh nói.

Hết Tết và trăn trở của những người con lập nghiệp xa quê - 1

Người đàn ông đứng tuổi đang bế cháu, chờ các con về đoàn tụ ngày Tết Ất Tỵ ở TPHCM (Ảnh: Thúy Hường).

Đêm 29, cả nhà 3 thế hệ ngồi quây quần gói bánh tét. Anh Công Anh bắc bếp lửa giữa sân để luộc bánh chờ đón giao thừa. Các con anh Công Anh lần đầu tiên được tự tay rửa lá chuối, đổ gạo gói bánh; ngồi bên bếp lửa liu riu chờ bánh chín. Cả nhà vừa nói chuyện, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ, vừa kể cho nhau nghe những khoảnh khắc đáng nhớ trong một năm.

"Lúc chia tay lên thành phố, ông bà bịn rịn, rơm rớm nước mắt vì nhớ con cháu. Đến buổi tối, khi tôi gọi điện về ông bà vẫn thui thủi ngồi nhớ các cháu. Tôi thương đến trào nước mắt. Nhiều lần tôi cũng ngỏ ý muốn đón bố mẹ ở quê lên thành phố phụng dưỡng nhưng ông bà không chịu bởi cuộc sống ở nội thành TPHCM ngột ngạt, bí bách nên các cụ không quen", anh Công Anh nói.

Cũng giống như gia đình anh Công Anh, chị Minh Tú (45 tuổi, trú tại quận 2, TPHCM, quê gốc Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, năm nay cả gia đình chị quyết định về quê Nghệ An ăn Tết từ 29. "Lúc về vui vẻ, phấn khởi bao nhiêu thì lúc chuẩn bị đồ ra sân bay về lại thành phố, nhìn bố mẹ gói ghém đồ đạc, thui thủi buồn rầu, tôi lại nghẹn ngào, không nỡ bấy nhiêu", chị Minh Tú nói.

Gia đình chị Tú có 2 chị em gái, trong khi chị gái lấy chồng và sống ở Nhật thì chị Tú sống ở TPHCM. Lấy chồng ở xa quê nên gần như Tết, hai chị em rất ít khi về nhà đón Tết cùng

bố mẹ. Ông bà lúc nào cũng thui thủi với nhau.

"Tôi rất muốn đón ông bà vào TPHCM cùng, nhưng vào  nhiều nhất được 3 tháng các cụ lại kêu buồn, chán, không quen, lại khăn gói về quê", chị Tú nói.

Hết Tết và trăn trở của những người con lập nghiệp xa quê - 2

Trẻ nhỏ cần không gian sống rộng rãi, hòa vào thiên nhiên, tự do chạy nhảy (Ảnh: Anh Khoa).

Căn nhà chị Tú trên thành phố là chung cư, hàng xóm cũng toàn người trẻ "nhà nào biết nhà đó".

Vốn quen cuộc sống có sân vườn rộng, thoáng mát với những người hàng xóm vui vẻ, cởi mở nên bố mẹ chị Tú luôn cảm thấy bí bách, ngột ngạt. Lên thành phố được vài hôm, các cụ lại nằng nặc đòi về quê cho thoáng, có không gian hít thở không khí trong lành, tập thể dục, dạo bộ với những người bạn già

Khoảng cách thế hệ không chỉ là tuổi tác mà cả môi trường sống

Cuộc sống hiện đại, những gia đình như anh Công Anh, chị Tú - con cái không sống cùng bố mẹ ngày càng nhiều và phổ biến.

Hết Tết và trăn trở của những người con lập nghiệp xa quê - 3

Người già mong được sống trong không gian rộng mở, trong xanh, giao lưu cùng bạn bè (Ảnh: Minh Trang).

Họ lập nghiệp ở xa, ngày Tết mới có dịp đoàn tụ. Đây cũng được xem là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong năm, gắn kết gia đình, thế hệ đầu bạc có được niềm vui sum vầy cùng con cháu, bữa cơm gia đình, con trẻ có được những khoảng trời tuổi thơ đúng nghĩa với không gian rộng mở để chơi đùa Kỳ nghỉ trôi qua, ai cũng tiếc nuối nhưng người già phải chấp nhận con cháu trở về những thành phố lớn.

Khoảng cách thế hệ không chỉ là tuổi tác, mà còn là những nhu cầu về môi trường sống khác nhau. Ông bà đã quen nhà sân rộng, môi trường sống gần gũi có tình làng nghĩa xóm.

Để có nhà sân vườn, con cái phải là những người thành đạt để mua được căn nhà to, nhưng cũng không thể mua được những người hàng xóm chan hòa gần gũi. Những khu kín cổng cao tường không thể giữ chân ông bà được lâu. Con cái muốn phụng dưỡng cha mẹ nhưng tiền là chưa đủ. Khoảng cách thế hệ, khoảng cách lối sống đang đè nặng lên trăn trở của những người con thành đạt.

Trong thời đại công nghệ phát triển, người trẻ càng có nhiều cơ hội tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ, văn minh, điều này vô tình trở thành chất xúc tác làm cho khoảng cách thế hệ giữa các thành viên trong gia đình đã xa lại càng thêm xa.

Không ít người con cố gắng thuyết phục bố mẹ bằng mọi cách lên thành phố sống để tiện chăm sóc, phụng dưỡng nhưng không hiểu rằng việc khác biệt về môi trường sống có thể tạo ra khoảng cách thế hệ, đảo lộn cuộc sống của bố mẹ.

Với những người thành đạt họ có lựa chọn tìm một không gian phù hợp với cha mẹ, có thể không sống chung nhưng sống gần cha mẹ, thuận tiện qua lại giữa hai bên để hài hòa, vừa đảm bảo công việc vừa tròn đạo làm con.

Anh Công Anh cho biết, sau khi ăn Tết với bố mẹ ở quê, vợ chồng anh đặt mục tiêu tìm một không gian, môi trường sống phù hợp với bố mẹ vừa có sân vườn rộng thoáng, hàng xóm cởi mở, vừa tiện cho con cháu di chuyển từ TPHCM về thăm không chỉ lễ Tết mà có thể thường xuyên.

"Đó sẽ là một ngôi nhà, môi trường sống đủ gần để kết nối với TPHCM giúp vợ chồng tôi đi làm việc không quá xa nhưng cũng đủ để tránh xô bồ, chật chội và có không gian cho tất cả thế hệ gia đình", anh Công Anh nói.

Chị Tú cho biết, những ngày Tết sum vầy có cơ hội được lắng nghe tâm tư, nỗi lòng của bố mẹ.

Người phụ nữ này hiểu rằng, không phải cứ mời bố mẹ lên sống ở những căn nhà tiện nghi, hiện đại với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt trên thành phố là hạnh phúc, là đủ đầy; mà hơn cả là phải có không gian sống để ông bà cảm thấy hòa hợp, thoải mái, con cái cũng không thấy bí bách, ngột ngạt.

"Tôi và chồng sẽ tìm mua một căn nhà phù hợp với mong muốn nhu cầu của cả bố mẹ và con cháu; một ngôi nhà - một môi trường sống xóa mờ khoảng cách thế hệ, để các con cháu trở về với tuổi thơ, ông bà được sống thoải mái, hạnh phúc mỗi ngày", chị Tú nói.

Ông bà, bố mẹ hay xin được gọi là những người thuộc thế hệ đi trước, những người thuộc thế hệ cũ, họ được sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh khác với thế hệ hiện tại. Lắng nghe những nhu cầu, mong muốn của bố mẹ - thế hệ trước không phải là điều ai cũng có thể làm được. Yêu thương, lắng nghe, thấu hiểu mới có thể xóa mờ khoảng cách thế hệ.

Phương Nga