Diễn đàn "Sát nhân giấu mặt"

Hệ lụy từ câu 'like'

Các “anh hùng bàn phím” thiếu sự quan tâm đến nỗi đau, đến cảm xúc của người khác nên đã để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc. Lỗi một phần là ở chúng ta, những người đã “like”, đã “comment” để tạo “chất xúc tác” cho những anh hùng rơm này tồn tại và biến nhiều người thành nạn nhân.

 

Hệ lụy từ câu 'like' - 1

Nhóm bạn trẻ từng hẹn nhau trên facebook ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) để tỉ thí bị phạt hành chính. (Ảnh: facebook)

Bệnh từ “like” và “comment”

“Anh hùng bàn phím” thường có những bức xúc trong cuộc sống, những xung đột nội tâm không được giải quyết nên họ tìm đến mạng xã hội để giải tỏa và nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của nhiều người. Từ đây, họ ngộ nhận rằng, đây là kênh họ nhận được sự chia sẻ, sự hạnh phúc và sung sướng nhất. Vì vậy, sự lệ thuộc mạng xã hội đối với người dùng diễn ra một cách âm thầm nhưng hệ lụy rất sâu sắc.

“Chúng ta không chỉ dừng lại ở phê bình họ mà cần tạo lập ra những chương trình hành động để các bạn trẻ có những ý tưởng, những kĩ năng sử dụng mạng xã hội một cách thông minh nhất. Để các bạn có kĩ năng thể hiện bản lĩnh, cái tôi trên mạng xã hội mà không đi theo hướng tiêu cực”.

Trước hết, đó là những thói quen trên mạng xã hội dần dần trở thành hành vi nghiện mà người dùng không hề biết. Họ lệ thuộc hoàn toàn vào mọi hoạt động của mạng xã hội, bị chi phối bởi thế giới trên mạng xã hội, dẫn đến có những hành vi lệnh chuẩn mà chính bản thân họ không kiểm soát được.

Họ có những ý kiến, những quan điểm nhận được nhiều like, comment và tự động cho mình là người nổi bật, đáng được chú ý, quan tâm của nhiều người. Từ đó họ phấn đấu có những ý kiến, quan điểm hay, kể cả “ném đá” ai đó, vấn đề nào đó để thu hút nhiều chú ý, nhiều “like” và xem đây là hướng đi trong thế giới ảo.

Với một số cá nhân, họ chọn phản ứng, “ném đá” một hành động nào đó mà họ nhận thấy sẽ có nhiều chú ý, nhiều phản hồi đồng thuận. Khi nhận được sự đồng thuận, được chia sẻ của nhiều người, họ nghĩ mình nói cũng đúng nên nhu cầu khẳng định mình, tái khẳng định mình, nhu cầu làm nổi,… đẩy họ trở thành “anh hùng bàn phím”.

 - ảnh 1

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

Vũ khúc bắt chước

Những “anh hùng bàn phím” thiếu sự quan tâm đến nỗi đau, đến cảm xúc của người khác là điều rất tệ hại, đáng xem xét. Sự lây lan, độ lan tỏa thiếu sự kiểm soát của người dùng nó không chỉ dừng lại ở ngày hôm nay, mà có nguy cơ lan tỏa nhiều hơn nữa nếu như họ không kiểm soát được hành vi sử dụng của mình. Đó chính là hiện tượng vũ khúc của những hành vi bắt chước trong thế giới mạng ngày nay.

Ban đầu bản thân họ cảm thấy không vấn đề gì đáng để xem xét, đáng để phản hồi, đáng để ném đá nhưng tự dưng thấy có một số người phản hồi, ném đá, họ cũng cảm thấy vui vui nên tự động làm theo một cách rập khuôn. Đây là hành vi bắt chước, hành vi lệ thuộc vào đám đông.

Hết đám đông này đến đám đông khác bắt chước nhau sẽ tạo nên một hiệu ứng lây lan, bắt chước hành vi “like”, “comment” một cách vô tư, thoải mái mà đôi lúc họ không kiểm soát được.

Bản thể của hành vi “like” và “comment” thuộc về phản xạ của con người. Khi “like”, “comment” có những cảm xúc tích cực thì người ta tiếp tục lựa chọn hành vi đó. Tuy nhiên, bên cạnh những cảm xúc tích cực mang lại, vẫn có những cảm xúc tiêu cực.

Các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội không có tội, bản thân mạng xã hội cũng không có tội. Cái đáng tiếc ở đây là khi chúng ta sử dụng nó không hợp lý, không có kỹ năng để kiểm soát mạng xã hội dẫn đến chúng ta lệ thuộc vào nó.

Mạng xã hội cần trong cuộc sống nhưng không có nghĩa nó làm thỏa mãn hết nhu cầu trong cuộc sống của chúng ta. Hãy giúp cho các bạn trẻ nhận ra rằng mạng xã hội là cần thiết như chính cuộc đời thật, những hoạt động xã hội mới mang lại nhiều niềm vui, nhiều ý nghĩa trong cuộc sống của họ. Cần phải có những chuyên đề hướng dẫn cho các bạn sử dụng mạng xã hội một cách thông minh để biến nó thành công cụ phục vụ cuộc sống. Biến nó thành ngôi nhà thứ hai rất an toàn, hướng đến cộng đồng.

Theo Tiền Phong