Hành trình thả tù - trục xuất “vua trộm cướp” Hong Kong
(Dân trí) - Gã gangster Kwai Ping - hung thủ khét tiếng với biệt danh “vua trộm cướp” này vừa mãn hạn tù 16 năm sáng 18/1, đã lập tức được áp tải trong điều kiện an ninh thắt chặt từ trại giam Stanley tới sân bay quốc tế Hong Kong rồi lập tức bị trục xuất sang Mỹ.
Kwai Ping-hung (đội mũ, đeo khẩu trang) được áp tải trên chiếc xe đặc chủng rời nhà tù Stanley tới sân bay quốc tế Hong Kong sáng 18/1. (Ảnh Dickson Lee)
Tội phạm “đặc biệt nguy hiểm”
Kwai Ping-hung là một trong những tay gangster khét tiếng bị cảnh sát Hong Kong liệt vào dạng “đặc biệt nguy hiểm”. Nhà tù Stanley vốn luôn được canh phòng cẩn mật, vào lúc sáng sớm 18/1 các biện pháp bảo đảm an ninh còn được gia tăng lên cao nhất khi đoàn xe chở theo 30 nhân viên chức năng “hộ tống” Kwai Ping-hung rời nhà tù hướng ra sân bay quốc tế Hong Kong, có xe của cảnh sát giao thông dẫn và dẹp đường.
Sau đó Kwai được áp tải lên máy bay của hãng United Airlines rời Hong Kong lúc 11 giờ 21 phút, theo lịch trình tới New York lúc 13 giờ 25 phút chiều cùng ngày theo giờ địa phương. Chưa rõ số phận của gã giang hồ cộm cán này sẽ ra sao trên đất Mỹ.
Tờ Post dẫn lời một quan chức cấp cao Hong Kong cho biết: Kwai không phải là cư dân Hong Kong mà có hộ chiếu Mỹ, nên sau khi mãn hạn tù hắn bị trục xuất về Mỹ.
Thời thập niên 1980 và 1990 Hong Kong căng thẳng bởi làn sóng tội phạm tràn lan, khiến lực lượng cảnh sát luôn phải căng mình đối phó với những băng nhóm tội phạm vũ trang hùng hậu trên đường phố tại các khu ngoại ô đông dân nhất.
Nguyên nhân, theo giới chuyên môn, một phần do có một số trùm tội phạm từ Quảng Đông tràn sang, tổ chức những vụ cướp chấn động nhằm mục tiêu vào các tiệm trang sức và bán hàng xa xỉ. Bởi vậy các lực lượng chức năng Hong Kong buộc phải mở rộng cấu trúc và tăng cường vũ trang.
Trong số những gương mặt cộm cán nhất nổi lên trong giới giang hồ Hong Kong thời đó có cái tên Kwai Ping-hung (còn tên gọi nữa là Guan Derong).
Kwai sinh năm 1960 tại huyện Tam Thuỷ, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Từ tuổi niên thiếu Kwai đã “có số má” về chiến tích móc túi.
Năm 1980 Kwai từ đại lục sang Hong Kong theo con đường phi pháp và chỉ trong vòng một thập niên sau đó hắn đã bị cáo buộc 9 lần vì tội ăn cắp và những tội danh khác. Từ năm 1980 đến 1983 hắn bị giam 8 lần. Còn tính tổng cộng trong ba thập niên sau đó Kwai bị cáo buộc gây ra 20 vụ cướp có vũ khí, bao gồm cả vụ đấu súng làm bị thương 2 cảnh sát tại Mong Kok năm 2001.
Kwai Ping-hung là kẻ cướp có vũ khí bị truy nã gắt gao nhất tại Hong Kong. (Ảnh hắn bị áp tải tới toà ngày 26/12/2003).
Đại bàng gãy cánh
Kwai từng liên quan tới nhiều vụ cướp táo tợn các shop bán hàng xa xỉ từ thập niên 1980 tới những năm 2000. Năm 1984 khi đang thu án trong trại giam, Kwai thiết lập những mối liên hệ với các băng nhóm vũ trang trong đó có băng Big Circle từ đại lục sang. Năm sau Kwai được thả, gã lập tức gia nhập Big Circle và nhúng tay vào một trong những vụ cướp có vũ trang đẫm máu nhất Hong Kong.
“Vua trộm cướp” Kwai Ping-hung bị áp tải rời nhà tù Stanley.
Kwai được cho là 1 trong 7 tên cướp mang súng và mặc áo chống đạn xông vào hãng Time Watch trên phố Nathan, cướp đi số đồng hồ đắt tiền trị giá 1,8 triệu dollars Hong Kong (HK$). Sau đó chúng bắt một nữ nhân viên trẻ bán hàng làm con tin và đấu súng dữ dội với lực lượng cảnh sát bao vây bên ngoài làm 9 người, trong đó có 7 cảnh sát bị thương. Nhóm thủ phạm trốn thoát nhưng phần lớn bọn chúng sau đó đều bị lực lượng tinh nhuệ “Phi Hổ” của đặc nhiệm SDU bắt giữ, riêng Kwai vẫn lọt lưới.
Liên tiếp sau đó là những vụ đột nhập táo tợn mang lại cho nhóm cướp vũ trang của Kwai những lô hàng xa xỉ trị giá tới hàng triệu dollars Hong Kong (HK$). Năm 1989 Kwai chạy sang Canada, tại đó hắn bị bắt vì tội sở hữu vũ khí trái phép nhưng trốn thoát sau khi được bảo lãnh tại ngoại.
Kwai lại tiếp tục gây án, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ Kwai cùng 2 đồng bọn cướp lô hàng trị giá 10 triệu HK$ của hãng Precision Watch tại Swire House trên phố Chater ở trung tâm. Đấu súng nổ ra làm một cô gái 23 tuổi qua đường thiệt mạng, 6 người khác bị thương trong đó có 1 cảnh sát.
Cảnh sát áp tải Kwai Ping-hung ra khỏi toà nhà ở Yau Ma Tei năm 2003.
Ngày 22/5/2001, Kwai cùng 3 tòng phạm bị cảnh sát mặt thường phục chặn lại trong một chiến dịch chống trộm cướp tại đường Waterloo gần Peace Avenue thuộc khu vực Ho Man Tin. Đấu súng đẫm máu nổ ra, 2 cảnh sát trúng đạn. Nhóm cướp của Kwai đã nổ 3 phát súng nhưng toà án “không thể xác định có phải chính Kwai bóp cò hay không” (?) Kwai lại thoát tội và vẫn “ngựa quen đường cũ”.
Trước tình hình đó, tháng 7/2001 người đứng đầu cơ quan chức năng có tên trùng với bộ phim hành động về giới tội phạm “Organised crime and triad bureau” (Tội phạm có tổ chức và Bộ Ba) thời đó là ông Andy Tsang Wai-hung (cũng là người sau này trở thành Uỷ viên lực lượng cảnh sát Hong Kong) đã treo giải thưởng kỷ lục 2 triệu HK$ cho ai bắt được Kwai.
Đồng thời Interpol cũng phát hành lệnh truy nã đỏ, đề nghị lực lượng cảnh sát thế giới giúp tìm ra kẻ tội phạm được liệt vào dạng “đặc biệt nguy hiểm” này.
Kwai Ping-hung bị áp tải tới toà Eastern Magistrates tại Sai Wan Ho dưới sự giám sát an ninh nghiêm ngặt tháng 12/2003.
“Sự nghiệp giang hồ đầy số má” của Kwai bị chấm dứt đột ngột sau vụ đột kích lớn đêm Giáng sinh 2003 huy động tới 120 người của các lực lượng chức năng Hong Kong, bao gồm cả một số thành viên đội “Phi Hổ”, bắt sống Kwai cùng 6 đồng bọn trong khi chúng đang ngủ say tại căn hộ của Kwai tại Man King thuộc khu Yau Ma Tei.
Cũng trong chiến dịch cất vó kéo dài 3 giờ nhưng không tốn một viên đạn nào này, đặc nhiệm SDU còn thu giữ được một kho vũ khí lớn nhất trong gần 30 năm qua gồm: 7 lựu đạn, một súng trường tự động AK-47, 8 khẩu súng ngắn và hơn 800 băng đạn. Chiến công này được mô tả là “món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất cho người dân Hong Kong” và đặt dấu chấm hết cho cái gọi là kỷ nguyên những tên tội phạm có vũ trang coi thường mạng sống, biến đường phố thành đấu trường thi thố vũ khí.
Vào các tháng 2 và 5/2005, Kwai bị kết án tổng cộng 24 năm tù vì các tội danh: sử dụng vũ khí chống người thi hành công vụ; sở hữu trái phép vũ khí, đạn dược và chất nổ. Nhưng có tin hắn được giảm 1/3 mức án vì “chấp hành tốt” nên chỉ phải ngồi tù 16 năm.
Thông tin từ toà án cũng cho hay, Kwai kết hôn tại Mỹ năm 1995, một năm sau di cư sang đó. Vợ chồng Kwai ly hôn sau khi có 2 con.
Ông Andy Tsang Wai-hung thông báo về giải thưởng 2 triệu HK$ để bắt giữ Kwai.
Kwai có biệt danh “vua trộm cướp” mới và được xếp vào “bộ ba tội ác” cùng 2 tên tội phạm khét tiếng “tiền bối” là Yip Kai-foon (biệt danh “răng chó” và “ngỗng) cùng “gã xài tiền lớn” Cheung Tze-keung.
Yip đã chết tại bệnh viện năm 2017 ở tuổi 55. Cheung từng chủ mưu vụ bắt cóc doanh nhân bất động sản Hong Kong Walter Kwok Ping-sheung và Victor Li Tzar-kuoi – con trai tỷ phú Li Ka-shing, người giàu thứ 23 thế giới – gây chấn động dư luận thời thập niên 1990, đòi hơn 1 tỷ HK$ tiền chuộc. Hắn đã bị xử bắn tại Quảng Châu năm 1998 ở tuổi 43.
Cảnh sát tìm thấy “kho” vũ khí bất hợp pháp trong cuộc đột kích bắt sống Kwai đêm Giáng sinh 2003. (Ảnh: AP)
Cuộc đời đầy số má của “bộ ba” này đã dẫn tới ý tưởng làm - bộ phim về tội phạm Hong Kong “Trivisa”, đoạt giải Phim Hay nhất tại liên hoan phim Hong Kong lần thứ 36 năm 2017.
Linh Lê
Theo SCMP, Hong Kong News