Hành trình đưa Dốc Nhà Làng trở thành "điểm đến nghệ thuật" của Đà Lạt
(Dân trí) - Con dốc nhỏ xưa cũ, gắn bó với người dân bản địa được tô điểm bằng những bức họa về chính Đà Lạt, mang đến sức sống mới và lan tỏa tình yêu thương dành cho thành phố hoa.
Đà Lạt mang trong mình một vẻ đẹp riêng của xứ cao nguyên sương khói, cỏ cây xanh tươi và người dân sống dịu dàng. Nơi đây như một điểm đến bình yên cho những vị khách du lịch từ những đô thị quanh năm nóng nực và khói bụi.
Dốc Nhà Làng - điểm đến nghệ thuật mới của du lịch Đà Lạt
Nhắc đến Đà Lạt, du khách thường nghĩ đến đồi thông, những vườn hoa hay biệt thự cổ kính. Nhưng những năm trở lại đây, các bạn trẻ đã dần khám phá ra những điểm đến mới của thành phố sương, đường hầm tàu hay gần đây, những bậc thang, con dốc nhỏ hun hút chỉ cao nguyên mới có.
Thời gian gần đây, dốc Nhà Làng trở thành điểm đến văn hoá mới nhờ vào tổ chức nghệ thuật Phố Bên Đồi cùng Sơn KOVA, và các nhà tài trợ khác, chung tay thực hiện Phố nghệ thuật tại đây. Con dốc nằm ngay giữa trung tâm, được gọi bằng cái tên Nhà Làng thân thương dù đã đổi tên từ những năm 1950, gắn bó với người dân Đà Lạt. Một địa điểm xưa khi được lựa chọn trở thành “điểm đến nghệ thuật”, được thắp sáng bằng những bức họa vẽ về thiên nhiên và con người Đà Lạt thật sống động.
Hơn một tháng trời lựa chọn những tác phẩm đậm chất Đà Lạt và vượt gió sương để thể hiện
Con dốc dài hơn 200m là nơi thể hiện những bức họa về Đà Lạt. Rất nhiều nghệ sĩ độc lập, nhóm họa sĩ hay những người không chuyên phải lòng thành phố sương đã tham gia vào cuộc thi tuyển chọn để tác phẩm của mình được lựa chọn, truyền tải lên những bức tường, hàng rào, cầu thang dọc dốc Nhà Làng.
Cuối cùng, hơn 30 tác phẩm nghệ thuật đã được lựa chọn, từ cảnh những bông hoa cúc, dã quỳ, đỉnh núi Langbiang xanh mướt tới ngôi trường nữ sinh Bùi Thị Xuân, bác sĩ Yersin hay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - những người đã dành phần lớn cuộc đời để yêu thương và góp phần xây dựng nên một thành phố xinh đẹp.
Khó khăn ban đầu đến từ việc dựng giàn giáo cao nhiều tầng ở một khu vực địa hình dốc và hẹp, lại là đường đi công cộng như dốc Nhà Làng. Anh Viên (TP HCM) - trưởng đội họa sỹ tham gia vẽ tranh dốc Nhà Làng cho biết, đội ngũ thực hiện phần lớn từ các tỉnh miền Trung và TP HCM về Đà Lạt tham gia, không quen địa hình và gặp nhiều khó khăn để dựng giàn giáo. “May mắn là được các đơn vị doanh nghiệp xây dựng của thành phố, có kinh nghiệm giúp đỡ để công trình có thể dựng lên an toàn”, anh cho biết.
Và khó khăn lớn nhất của các họa sĩ tham gia vẽ tranh chính là thời tiết lúc nắng lúc mưa, nhiều hôm nhiệt độ xuống thấp khiến các họa sĩ từ xứ nóng không quen. Hai bạn trẻ tham gia vẽ tranh Hoài Anh, Thanh Tâm cho biết: “Nhiều hôm bọn mình bị cóng tay, vẽ tranh hay tô màu rất khó khăn. Nhưng bà con sống xung quanh không ngại ngần mang đồ ăn, chuyển lên tận tầng 5 giàn giáo để tặng khiến ai cũng cảm động, có thêm năng lượng để làm việc. Bề mặt tường nhiều chỗ nhấp nhô, có chút khó vẽ, lại phải leo lên leo xuống để kiểm tra tổng thể bức tranh nên khá mệt. Nhưng được sự yêu thương của mọi người, vì bọn mình yêu quý Đà Lạt nên sau khoảng 3 tuần, các bức tranh đã được hoàn thiện, nét vẽ chính xác và màu sắc rất tươi sáng, góp phần tô điểm sức sống cho cả con dốc. Điều bọn mình ngạc nhiên là sơn KOVA lên màu rất tươi và chuẩn ngay từ lớp đầu tiên, việc pha màu để giống với tranh gốc không khó khăn, từ đó xử lý trên các nền tường nhấp nhô trở nên đơn giản hơn”. Sơn có khả năng chống ẩm mốc, chống rong rêu bám nên những bức tranh tươi màu được rất lâu. Tất cả mọi người rất hạnh phúc vì góp phần giúp thành phố trở nên đẹp hơn.
Một dốc Nhà Làng đón năm mới với những bức tranh kể chuyện Đà Lạt
Sau một tháng, từ con dốc vắng người để đi tắt, dốc Nhà Làng đã trở thành một đại sứ văn hóa. Với người bản địa, họ được ngắm nhìn toàn cảnh vẻ đẹp của quê hương bằng một “cuốn album” dài hơn 200m, thêm yêu thương và trân trọng, giữ gìn thành phố.
Với khách du lịch, các bạn có thêm một điểm đến văn hóa, được trải nghiệm con dốc chỉ một thành phố cao nguyên mới có và ngắm nhìn một “triển lãm” thiên nhiên, con người, văn hóa Đà Lạt, học được nhiều điều. Như phải ngắm bức tranh Thiếu nữ K'ho của tác giả Huỳnh Thị Hằng, nhiều người mới biết rằng người dân bản địa của thành phố nhỏ thuộc tỉnh Lâm Đồng là dân tộc K’ho.
Ban tổ chức dự án, thợ xây và các họa sĩ dự án mong rằng, không chỉ dịp cuối năm này mà dốc Nhà Làng sẽ luôn là một điểm đến nghệ thuật, văn hóa thu hút sự quan tâm của khách du lịch, được yêu thương và giữ gìn sạch đẹp thật lâu về sau. Để từ đây, những câu chuyện về cỏ cây hóa lá, cảnh vật, con người và văn hóa Đà Lạt luôn rực rỡ trên những bức tường, hàng rào của dốc Nhà Làng.
Dốc Nhà Làng thuộc dự án “Tôi vẽ thành phố tôi”, với 100% các bức vẽ sử dụng sơn KOVA, góp phần tô điểm sắc màu cho dốc Nhà Làng bằng những bức họa lấy cảm hứng từ chính thành phố hoa, mang hơi thở đời sống, gần gũi với thiên nhiên và con người.
Sơn KOVA mong rằng, dự án không chỉ tô điểm cho con dốc Nhà Làng mà còn lan tỏa tình yêu thương, ý thức xây dựng và bảo vệ Đà Lạt, để những bức họa vẫn luôn rực rỡ, sạch đẹp, mang đến niềm hạnh phúc cho người dân và du khách.