Hành trình chia sẻ yêu thương của người phụ nữ tí hon

Ngọc Linh

(Dân trí) - Chỉ cao vỏn vẹn 1,18m nhưng nguồn năng lượng tích cực tỏa ra từ chị Minh Châu khiến người đối diện bất ngờ.

Hành trình chia sẻ yêu thương của người phụ nữ tí hon - 1
Chị Nguyễn Minh Châu (áo xanh) luôn tích cực trong các hoạt động xã hội.

Tôi hẹn gặp chị vào một ngày tháng 3 Hà Nội hửng nắng. Một người phụ nữ cao chỉ 1,18m, tóc ngắn, mặc chiếc váy hồng xinh xắn đón tôi bằng nụ cười hết sức niềm nở. Chị là Nguyễn Minh Châu và hiện đang là cán bộ Hỗ trợ người khuyết tật hồi phục sau Covid-19 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNPD).

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, chị Minh Châu cũng mong muốn tìm hướng đi riêng cho mình, nhưng vì ngoại hình thấp bé nên nhiều lần chị bị từ chối. Là người hiểu rất rõ về những thiệt thòi của người khuyết tật chị đã tìm đến với các tổ chức phi chính phủ và tham gia các hoạt động vì cộng đồng.

Hành trình chia sẻ yêu thương của người phụ nữ tí hon - 2
Ở chị có một nguồn năng lượng tích cực khiến người đối diện ấn tượng.

"Dịch Covid-19 làm đảo lộn cả thế giới. Nhiều người trắng tay, lao đao vì dịch bệnh. Người không khuyết tật đã quá khó khăn chứ không nói gì đến những người khuyết tật. Trong suốt quá trình tìm hiểu và hỗ trợ người khuyết tật phục hồi sau Covid-19, tôi đã chứng kiến rất nhiều những câu chuyện cảm động.

Tôi nhớ đến chị Thúy, chị Hoa ở Hội người mù TP Hải Dương. Các chị kể: Trong 3 lần đại dịch Covid bùng phát thì dịch vụ tẩm quất của người mù sẽ không được hoạt động. Cả năm 2020, chúng tôi mất tới 4 tháng không hoạt động, không có thu nhập.

Năm 2021, chưa kịp ăn Tết xong thì có một thành viên trong Hội là bệnh nhân F0, vậy là gần 50 của Hội cả người lớn lẫn trẻ em do sống chung trong văn phòng hội trở thành F1 phải đi cách ly hết. 21 ngày cách ly tập trung còn được nhà nước hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay, nuôi ăn. Sau đó chúng tôi lại phải tiếp tục tự cách ly tại văn phòng hội tiếp 14 ngày.

Thực sự, không còn tiền để mua thực phẩm, nước sát khuẩn hay khẩu trang, phải nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người. Chúng tôi còn bị kỳ thị, cứ thấy mở cửa định ra ngoài là một số người xung quanh lại yêu cầu quay vào nhà. Chúng tôi sợ là phải may ra đến tháng Năm khi hết dịch và mọi người giảm bớt kỳ thị chúng tôi từng là bệnh nhân F1 thì may ra mới bắt đầu có khách.

Hành trình chia sẻ yêu thương của người phụ nữ tí hon - 3
Hành trình chị đi tìm hạnh phúc cho chính mình là hành trình đem lại hạnh phúc cho nhiều người khác.

Khi lắng nghe những câu chuyện của tất cả mọi người chị Châu lại càng có thêm động lực để làm các hoạt động hỗ trợ họ. Chị đã cùng các đồng nghiệp thực hiện dự án việc làm cho những người khuyết tật ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đây cũng chỉ là một trong những dự án ngắn mà chị đang thực hiện trong suốt 17 năm làm công tác xã hội của chị.

Nhìn dáng người bé nhỏ kia, ít ai tin rằng chị đã đặt chân tới hơn một nửa số tỉnh thành trên đất nước. Mỗi dự án được triển khai chị lại không ngại đường xa. Được đi gặp gỡ bà con cộng đồng, chị Châu coi đó là niềm hạnh phúc và chị yêu công việc của mình vì cảm thấy nó đang đem lại cho cuộc sống những điều tuyệt vời.

Hành trình chia sẻ yêu thương của người phụ nữ tí hon - 4
Một người phụ nữ giàu tình yêu với cuộc sống.

"Khi ngồi văn phòng thì mình làm các công việc liên quan đến kế hoạch, báo cáo, theo dõi dự án… Còn khi đã muốn áp dụng thực tế để mình đến với bà con, lắng nghe và chia sẻ xem họ thực sự cần và muốn gì. Nếu mình cứ ngồi một chỗ thì không thể triển khai các hoạt động. Điều quan trọng nhất là lắng nghe nhu cầu của cộng đồng".

Thời gian đầu khi làm công tác cộng đồng, dáng người bé nhỏ của chị khiến nhiều người ái ngại. "Đôi khi những người mà chị muốn giúp đỡ lại nhìn chị với quan điểm "người khuyết tật khá đáng thương, xót xa". Rồi đến khi tiếp xúc với mình, họ mới thấy mình là người vui vẻ, nhiều năng lượng và làm được việc thì họ mới thoải mái chia sẻ hơn. Thực ra mình chỉ thấp thôi mà", chị Châu cười nói.

Hành trình chia sẻ yêu thương của người phụ nữ tí hon - 5
Bàn tay nhỏ của người phụ nữ "không tuổi già".

Chị Châu là người thích làm việc tại thực địa, nên chị luôn sẵn sàng đi công tác, đi thực địa, không ngại trèo đèo, lội suối, không ngại khó khăn. "Khi mình xông xáo mình làm việc chăm chỉ cũng là cách truyền đi thông điệp rằng, người khuyết tật có thể làm việc một cách hiệu quả Từ đó mà mình cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho những người như mình và thay đổi suy nghĩ của các nhà tuyển dụng về người khuyết tật".

Khi được hỏi điểm gì chị cảm thấy tự tin nhất ở mình, chị Châu vui vẻ nói: "Mỗi một người sinh ra sẽ có thế mạnh riêng, một vẻ đẹp riêng, một mục đích sống khác nhau. Nhưng có một điều giống nhau đó là chúng ta đều có tuổi trẻ.

Đặc biệt là những người phụ nữ, đừng bao giờ phí hoài tuổi trẻ của mình. Hãy làm những việc mình thích, đi đến nơi mình muốn và trân trọng mọi cơ hội đến với cuộc đời. Hành trình đi tìm hạnh phúc chính là biết nắm bắt mọi cơ hội đến với ta chỉ duy nhất một lần trong đời".