Hàng nghìn phụ nữ Việt Nam hưởng lợi từ các dự án hỗ trợ cộng đồng
Trong nhiều năm qua, hàng nghìn phụ nữ Việt Nam được trao quyền kinh tế, nâng cao vị thế trong xã hội, nhờ tiếp cận với các chương trình đào tạo, giáo dục về tài chính trong các dự án hỗ trợ cộng đồng. Trong đó, có thể kể đến dự án “Sức sống Mê Kông mở rộng” và dự án giáo dục tài chính Prosper, được Công ty dịch vụ thông tin toàn cầu Experian phối hợp cùng Tổ chức phi chính phủ PACT thực hiện.
Gần 8000 phụ nữ ĐBSCL được nâng cao vị thế trong xã hội
Dự án “Sức sống Mê Kông” (MV) được triển khai thực hiện bởi Tổ chức phi chính phủ quốc tế (PACT) và Coca-Cola từ năm 2013, sau đó tiếp tục được mở rộng mang tên “Sức sống Mê Kông Mở rộng” (MVE) với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhằm hỗ trợ vai trò lãnh đạo và phát triển kinh doanh quy mô nhỏ của phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam. Thông qua hình thức tiết kiệm nhóm, dự án đã giúp các chị em phụ nữ của tỉnh Vĩnh Long tập hợp lại với nhau để cùng tiết kiệm, cho vay và phát triển các doanh nghiệp nhỏ nhằm tạo ra thu nhập.
Đến nay, gần 8.000 phụ nữ tại tỉnh Vĩnh Long đã được nâng cao vị thế về mặt xã hội và kinh tế thông qua dự án. Hơn 400 phụ nữ tham gia dự án MVE được tập huấn kỹ năng kinh doanh. 60% trong số đó đã bắt đầu các hoạt động kinh doanh mới hoặc mở rộng mô hình kinh doanh hiện tại.
Trung bình, phụ nữ tăng thu nhập từ 20.000 đồng/ngày lên gần 200.000 đồng/ngày. Các khoản tiết kiệm lũy kế của các nhóm phụ nữ tham gia dự án vẫn tiếp tục tăng, trong đó, hơn 1000 khoản vay đã được đưa vào để bắt đầu hoặc mở rộng kinh doanh, tập trung vào những lĩnh vực như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và bán rau quả, sản xuất thực phẩm sẵn, bán hàng tạp hóa và thủ công mỹ nghệ.
Năm 2016 là dấu mốc quan trọng của dự án với sự tham gia tài trợ và đồng hành của Công ty dịch vụ thông tin toàn cầu Experian. Dự án tiếp tục được đẩy mạnh mang tên “Sức sống Mê Kông 2” (MV2) tại ba xã Long Phú, Bình Ninh, Mỹ Lộc, tỉnh Vĩnh Long nhằm mục tiêu đào tạo giúp 1000 phụ nữ (50 nhóm WORTH) trang bị kỹ năng sâu hơn về quản lý tài chính, áp dụng công nghệ trong kinh doanh, tiếp cận vốn nhiều hơn. Dự án MV2 sau thời gian thực hiện đã thu được kết quả vượt xa các mục tiêu đề ra, giúp đào tạo cho 1095 phụ nữ có kiến thức về tài chính, trong đó 59 nhóm đã thoát khỏi đói nghèo ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Chị Nguyễn Kim Chung - thành viên của nhóm Vượt Lên (một trong những nhóm WORTH), đã tham gia dự án Sức sống Mê Kông (MV) từ những ngày đầu tiên. Trước đây, chị không tự tin về cách viết, nét chữ nên luôn gặp khó khăn trong việc quản lý tiền mặt và sổ sách kế toán. Kể từ khi tham gia dự án, tư tưởng và nhận thức dần thay đổi, chị đã tìm kiếm cơ hội, tích cực học hỏi cách tính thu nhập, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân.
“Giờ đây tôi rất tự tin về việc viết và tính toán, vì vậy tôi có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền. Tôi có một cuốn sổ thường xuyên ghi lại những nguồn thu và nguồn chi để nắm rõ các khoản thu – chi hàng ngày”. Cuộc sống của chị hiện đã được cải thiện đáng kể. Ngoài thu nhập hàng tuần từ 300.000 đồng - 400.000 đồng từ các sản phẩm thủ công làm bằng tay, hiện nay, chị kiếm được khoảng 1 triệu đồng mỗi tuần từ việc mua và cung cấp lục bình cho những người phụ nữ khác hay thu mua sản phẩm để chuyển giao cho các đại lý.
Dự án đã cung cấp các khóa tập huấn hữu ích về kỹ năng kinh doanh, tăng cường các liên kết thương mại và thị trường, sử dụng công nghệ di động để hỗ trợ chị em phụ nữ trong nhóm tiết kiệm và cho vay hiệu quả. Với những kết quả đạt được cùng những tấm gương điển hình tiên tiến như chị Chung, tỉnh Vĩnh Long kỳ vọng sẽ có thêm nhiều dự án tương tự như “Sức sống Mê Kông mở rộng” để có thể hỗ trợ, góp phần làm thay đổi cuộc sống cho các chị em khác trong vùng còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Prosper - Mở rộng giáo dục tài chính cho lao động nữ với iCare Benefits
Prosper là dự án mở rộng giáo dục tài chính cho các nữ công nhân lao động ở các nhà máy, khu công nghiệp tại Việt Nam với mục tiêu giảm thiểu rủi ro cho 2,7 triệu lao động nữ về tín dụng và cho vay không chính thức, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ gia đình thiết yếu từ công cụ iCare Benefits (iCB).
Trong giai đoạn đầu, PACT thiết kế và cung cấp các tài liệu giáo dục về kiến thức tài chính cho 1500 nữ công nhân. Các tài liệu được soạn thảo cung cấp thí điểm, sau đó được thiết kế nhân rộng trong ứng dụng kỹ thuật số của iCare Benefits, giúp công nhân quản lý tài chính cá nhân và gia đình một cách hiệu quả, đồng thời tiếp cận được các dịch vụ tài chính mở rộng, tiện ích ATM và các giao dịch trực tuyến.
Dự án còn tổ chức các buổi hội thảo với thời lượng từ 2-8 tiếng trong giờ làm việc dưới sự trợ giúp của bộ phận công đoàn công ty. Học viên sẽ được trao đổi, giải đáp về các thông tin trong chương trình giảng dạy hay thực tiễn quản lý tài chính cá nhân của họ như tiết kiệm, chi – tiêu trong gia đình, sử dụng các khoản vay sao cho hiệu quả.
Prosper đã thu được những kết quả khả quan sau khi thử nghiệm chương trình tại 4 nhà máy với gần 800 công nhân. Các buổi hội thảo đã đem lại những thay đổi lớn về nhận thức của người lao động nữ và tăng khoản tiền tiết kiệm của họ trong kế hoạch quản lý chi tiêu tài chính cá nhân và gia đình. Những người thực hiện hy vọng, về lâu dài, dự án sẽ góp phần làm giảm thiểu số phụ nữ bị vướng vào các khoản vay lớn mà không có khả năng trả nợ.
Ông Ben Elliott, Tổng Giám đốc của Experian tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khẳng định: “Sự thành công của dự án MV2 là một bước ngoặt cho Experian và PACT nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác của hai bên trong việc giáo dục và nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân Việt Nam.
Dựa trên những thành tựu đạt được và kinh nghiệm của mình, chúng tôi đã xây dựng dự án Prosper với sự cộng tác của iCare Benefits. Kết quả dự án trong giai đoạn đầu cho thấy 1500 công nhân đã được củng cố kiến thức về tài chính và quản lý tài chính, giúp họ trở nên chủ động trong việc quản lý và phát triển ngân sách, tài chính cá nhân và gia đình”
“Trong tương lai, Experian và PACT muốn phát triển các chương trình giúp phụ nữ được tiếp cận với nền kinh tế số hóa và trở thành một phần của hệ thống tài chính chính thức. Trọng tâm chính là mở rộng quy mô Prosper để tiếp cận và cung cấp giáo dục tài chính cho 2 triệu phụ nữ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2019”. – ông Ben Elliott cho biết thêm.
Bên cạnh mục tiêu trên, Experian mong muốn triển khai nhiều hơn nữa các cách tiếp cận và giáo dục tài chính khác tại các quốc gia trong khu vực, để từng cá nhân chủ động tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ trong tương lai.