Hang Đá Nhà - Căn cứ cách mạng một thời ở Huế
(Dân trí) - Di tích lịch sử hang Đá Nhà - núi Giòn bên vịnh Chân Mây (Thừa Thiên Huế) từng là căn cứ địa cách mạng vững chắc trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), cho biết địa phương này đã khảo sát, lập phương án tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử hang Đá Nhà, trên đỉnh núi Giòn (xã Lộc Vĩnh).
Theo ông Chung, huyện Phú Lộc đã giao một đơn vị chuyên về tu bổ di tích, xây dựng hồ sơ, đề án tu bổ, phục hồi di tích hang Đá Nhà để trình cấp có thẩm quyền xem xét, ưu tiên bố trí vốn thực hiện.
Do khó khăn về nguồn vốn, giai đoạn đầu, huyện Phú Lộc sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường khoảng 1,8km từ chân núi Giòn (giáp đường ra cảng Chân Mây) đến cửa hang Đá Nhà. Giai đoạn tiếp theo sẽ tu bổ bên trong hang, kéo điện thắp sáng phục vụ người dân, du khách tham quan.
"Dự kiến hồ sơ sẽ hoàn thành trong tháng 9 để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Nếu mọi thứ thuận lợi có thể khởi công dự án vào quý II/2025", ông Chung cho biết.
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao huyện Phú Lộc xem xét ưu tiên bố trí kinh phí, triển khai đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hang Đá Nhà.
Hang Đá Nhà, nằm ở độ cao 250m so với mực nước biển, trên đỉnh núi Giòn, bên vịnh Chân Mây, thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005.
Đây là một hang thiên nhiên do những tảng đá granit chồng lên nhau tạo nên, dài 200m. Hang có một mái vòm cao hơn 2m, phía trong có nhiều tảng đá; thông vào phía trong là một khe đá nhỏ, muốn di chuyển phải bò qua. Trong hang có một khe nước đủ phục vụ cho hàng trăm người.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hang Đá Nhà - núi Giòn là cái nôi cách mạng, căn cứ địa vững chắc của quân và dân xã Lộc Vĩnh.
Năm 1965-1975, hang Đá Nhà - núi Giòn vừa là trụ sở của Ủy ban kháng chiến, nơi trú ẩn của đội du kích, lực lượng vũ trang chính quy, nơi an dưỡng của thương binh và là nơi huyện Phú Lộc tổ chức các cuộc họp, phổ biến nghị quyết cho cán bộ huyện trong thời kỳ chiến tranh.
Hang Đá Nhà - núi Giòn cũng là nơi ghi lại những dấu ấn của nhà nhiếp ảnh chiến trường Trọng Thanh, Anh hùng lực lượng vũ trang Trịnh Tố Tâm, Nguyễn Hà.
Theo các cựu chiến binh từng chiến đấu tại hang Đá Nhà - núi Giòn, dù đã được công nhận di tích cấp tỉnh nhưng khu di tích này có khoảng thời gian dài bị lãng quên, không đường đi, lối lại.
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", các cựu chiến binh mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, bố trí nguồn lực xây dựng lại di tích hang Đá Nhà, xứng tầm với giá trị lịch sử nơi đây, ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Thảo (84 tuổi, trú thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc), nguyên Huyện đội phó Phú Lộc, cho biết ông có thời gian dài bám trụ tại khu vực núi Giòn, cùng các đồng đội chiến đấu chống lại quân thù.
Sau sự kiện Mậu Thân 1968, cán bộ và du kích rút vào núi Giòn bám đất, bám dân, lãnh đạo kháng chiến. Nơi đây trở thành mục tiêu tấn công không ngừng của kẻ địch.
Theo ông Thảo, quân Mỹ đã tổ chức nhiều trận càn quét, thả chất độc hóa học và bom cháy hòng biến núi Giòn thành vùng trắng, khuất phục ý chí chiến đấu của lực lượng cách mạng. Tuy nhiên, nhờ hang Đá Nhà với khe nước ngầm bên trong che chở, quân ta đã bám trụ chiến đấu và khiến kẻ thù nhận nhiều thất bại, phải rút lui.
Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, chính từ khu căn cứ hang Đá Nhà - núi Giòn, các lực lượng cách mạng đã tổ chức tấn công và tiến ra giải phóng những vùng đất cực nam, tạo tiền đề giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế, cũng như giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.