Hai bé trai ở Sa Pa sống sót sau 3 ngày mắc kẹt nhờ uống nước trong bể téc
(Dân trí) - Ba ngày mắc kẹt ở tầng mái trường học trong điều kiện không đồ ăn, hai bé trai ở xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa) đã sống sót nhờ uống nước trong bể téc.
Ngày 3/7, mạng xã hội chia sẻ đoạn video giọt nước mắt của người thân khi tìm thấy 2 bé trai mất tích tại xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Trong video, người đàn ông xúc động, bật khóc và ôm chầm một trong hai bé trai.
"Hai bé trai mất tích nghi bị lũ cuốn ở Sa Pa, đã được tìm thấy sau 3 ngày mất tích", trích nội dung bài viết.
Đoạn video nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Người đăng tải video cho biết người thân đã đón hai bé trai tại trường Tiểu học Lao Chải sau 3 ngày tìm kiếm mòn mỏi.
"Ba ngày dài nhất trong cuộc đời của bố. Xem video vừa thương vừa mừng, may mắn 2 bé không sao", độc giả Hữu Lý bình luận.
"Chắc 3 ngày qua là khoảng thời gian đau đớn và trôi chậm nhất đối với người thân của hai cháu. Chúc mừng gia đình, đây đúng là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời của họ", người dùng Nguyễn Ngân viết.
Trước đó, ngày 29/6, 2 cháu bé là Lý A P. (10 tuổi) và Lý A S. (7 tuổi), dân tộc Mông, trú tại thôn Lao Hàng Chải (xã Hoàng Liên) đi bắt cá tại suối Mường Hoa, nghi mất tích không liên lạc được.
Các lực lượng chức năng thị xã Sa Pa đã huy động người, hỗ trợ gia đình tìm kiếm 2 bé trai dọc suối Mường Hoa từ địa phận thôn Lao Hàng Chải đến lòng hồ Thủy điện Sử Pán 1.
Đến 6h ngày 2/7, bảo vệ trường Tiểu học Lao Chải đi kiểm tra các phòng học thì nghe thấy có tiếng kêu cứu ở trên mái tum tầng 3 của khu phòng học. Khi kiểm tra, người này phát hiện 2 cháu bé trên đó.
Theo lời kể của 2 bé, sau khi đi bắt cá vào trưa ngày 29/6, đến chiều muộn 2 bé leo lên sân thượng trường Tiểu học Lao Chải để bắt chim rồi mắc kẹt không xuống được. Do đang trong thời gian nghỉ hè, quanh khu vực trường ít người qua lại, nên dù đã kêu cứu nhưng không ai phát hiện sự việc.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lồ A Seng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Liên cho hay, những ngày qua địa bàn có mưa, trời mát mẻ, 2 cháu bình an sau 3 ngày không có đồ ăn là nhờ có téc nước để uống tại khu vực mắc kẹt.
Ngay sau khi tìm thấy 2 cháu bé bị lạc, các nhân viên y tế đã đến kiểm tra sức khỏe, hỗ trợ gia đình chăm sóc ban đầu để ổn định tâm lý các cháu.
"Sức khỏe 2 cháu đã ổn định, được chuyển lên Bệnh viện Thị xã Sa Pa chăm sóc y tế", vị lãnh đạo cho hay.
Một chuyên gia về các kỹ năng sinh tồn cho biết có 3 nguyên tắc về sinh tồn cần ghi nhớ.
Thứ nhất, con người không thể tồn tại quá 3 giờ trong điều kiện nhiệt độ môi trường khắc nghiệt (ví dụ như ở nơi băng giá, ở nơi nhiệt độ quá cao).
Thứ hai, con người không thể sống sót quá 3 ngày nếu không có nước uống.
Thứ ba, không ai có thể sống sót quá 3 tuần nếu không có thức ăn.
Từ thực tế nghiên cứu và huấn luyện, chuyên gia cho hay, thông thường, nếu không may đi lạc hay bị mắc kẹt trong rừng một thời gian dài, giữa thời tiết mưa rét khắc nghiệt, thiếu nước uống, đồ ăn, con người sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ về an toàn và sức khỏe.
Nếu không có nước uống, người mắc kẹt sẽ bị thiếu nước dẫn tới mất nước, mất cân bằng điện giải, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới tử vong.
Có nước uống mà không có thức ăn thì tùy sức khỏe, thể trạng từng người, họ chỉ cầm cự được khoảng thời gian ngắn nào đó, như trên đã nói là không quá 3 tuần.
Trước đó nhiều vụ sống sót sau nhiều ngày mắc kẹt cũng thu hút sự chú ý của dư luận. Tháng 5/2022, bà Nguyễn Thị Bích Liên (61 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được tìm thấy sống sót sau 7 ngày dưới vực sâu Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh).
Sự trở về của bà Liên được nhiều người cho là kỳ tích bởi dù chỉ có một túi bánh gạo trong tay, bà vẫn cầm cự được qua suốt một tuần giữa điều kiện thời tiết mưa gió, mây mù ở núi rừng Yên Tử.
Tháng 6/2023, giới chức Colommbia thông báo lực lượng cứu hộ giải cứu thành công 4 trẻ em sau 40 ngày mất tích trong vụ tai nạn máy bay trong rừng Amazon.
Việc tìm thấy các em nhỏ trong độ tuổi 13, 9, 4 và 11 tháng tuổi còn sống sót sau thảm kịch "được coi là kỳ diệu và hi hữu".
Bột sắn cùng một số hiểu biết về các loại cây rừng nhiệt đới chính là chìa khóa giúp những đứa trẻ này sinh tồn ở khu vực vốn có rất nhiều rắn, muỗi và các loài động vật nguy hiểm khác.